Những doanh nghiệp có chỉ số thu nhập trên mỗi cổ phần (EPS) cao thường là những doanh nghiệp có hiệu quả kinh doanh tốt.
Tuy nhiên, việc duy trì được EPS cao liên tục trong một thời gian dài thường là một thách thức không nhỏ khi rất nhiều doanh nghiệp niêm yết "ưa chuộng" việc chia thưởng, chia cổ tức bằng cổ phiếu để đưa thị giá cổ phiếu về mặt bằng giá thấp hơn.
Theo thống kê của chúng tôi, trong số hàng nghìn doanh nghiệp đang niêm yết và giao dịch trên sàn chứng khoán Việt Nam, số doanh nghiệp có EPS năm 2017 đạt trên 10.000 đồng chỉ chưa đến 20 công ty.
Bên cạnh một số ít doanh nghiệp lớn như Vietjet, Vicostone, Vinacafe Biên Hòa hay Coteccons còn lại đều đa phần là những doanh nghiệp vừa và nhỏ có vốn điều lệ khá bé – đồng nghĩa với việc dễ đạt EPS cao hơn so với nhóm doanh nghiệp lớn.
Quán quân EPS năm 2017 thuộc về TV2 của CTCP Tư vấn Xây dựng điện 2 (PECC2), đạt 39.628 đồng. Ba cổ phiếu khác có EPS trên 20.000 là Vimeco (VMC), Mía đường Sơn La (SLS) và Xây dựng Coteccons (CTD).
Hầu hết những doanh nghiệp trong danh sách có "truyền thống" đạt EPS cao, trừ một số trường hợp vào danh sách do ghi nhận lợi nhuận bất thường trong năm 2017 như Vimeco hay VMG Media (ABC).
Vimeco ghi nhận 231 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế năm 2017, gấp 8 lần năm 2016 nhờ hạch toán dự án khu căn hộ CT4 Vimeco tại quận Cầu Giấy, Hà Nội.
Còn VMG Media thu lãi sau thuế 317 tỷ đồng nhờ bán công ty con VNPT Epay cho quỹ đầu tư UTC Investment của Hàn Quốc. Sau khi bán đi công ty con đồng thời cũng là tài sản giá trị nhất thì hoạt động kinh doanh chính hiện nay của VMG Media không mấy sáng sủa. Lợi nhuận của công ty chủ yếu trông chờ vào lãi gửi tiết kiệm.