Không nằm trong đối thoại kinh tế giữa Phó thủ tướng Nhật Taro Aso và Phó tổng thống Mỹ Mike Pence, khuôn khổ mới sẽ được tiến hành bởi Bộ trưởng Tái thiết kinh tế Nhật Toshimitsu Motegi, người được ông Abe giao nhiệm vụ tái đàm phán Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) sau khi Washington rút khỏi, với Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer.
Đề xuất này dự kiến được Thủ tướng Nhật Shinzo Abe trao đổi với Tổng thống Mỹ Donald Trump, khi hai lãnh đạo gặp nhau tại khu nghỉ dưỡng Mar-a-Lago (Florida) từ 17 - 18.4, Nikkei Asian Review cho biết.
Thông tin Tokyo muốn lập khuôn khổ đối thoại mới được đưa ra sau khi Tổng thống Trump trong tuần qua bất ngờ chỉ thị quan chức chính phủ Mỹ tìm hiểu các giải pháp để nước này tái gia nhập CPTPP.
Ông Trump vào tháng 1.2017 đã ký sắc lệnh chính thức rút Mỹ khỏi TPP vì cho rằng đây là thỏa thuận “tồi tệ”. Suốt những tháng sau đó, 11 nền kinh tế còn lại (gồm Brunei, Canada, Chile, Malaysia, Mexico, New Zealand, Nhật Bản, Peru, Singapore, Úc và Việt Nam) đã tích cực nỗ lực đàm phán và sửa đổi để đưa ra CPTPP (hay còn gọi là TPP-11).
Tuy nhiên, theo Nikkei Asian Review, nỗ lực này có thể đem lại kết quả không như Nhật mong đợi. Dù Tokyo có thể dùng khuôn khổ mới thuyết phục Mỹ quay lại CPTPP, nhưng Washington cũng có thể thông qua cơ chế này buộc Nhật lựa chọn giữa tái đàm phán những điều khoản trong hiệp định này và ký một thỏa thuận thương mại tự do song phương (FTA).
Nikkei Asian Review dẫn ra một vài bằng chứng cho thấy nguy cơ này có thể xảy ra. Đầu tiên, sau khi ý định quay lại CPTPP được công bố, Tổng thống Trump lại viết trên Twitter rằng sẽ chỉ tái tham gia nếu có được thỏa thuận tốt hơn rõ rệt so với những cam kết dưới thời người tiền nhiệm Barack Obama.
Ngoài ra, ông còn viết thêm: “Mỹ đã có thỏa thuận thương mại song phương với 6 trong số 11 quốc gia CPTPP, và đang làm việc để đạt được thỏa thuận với Nhật, nền kinh tế lớn nhất trong những nước tham gia hiệp định này và cũng là đối tác thương mại làm tổn hại Mỹ trong nhiều năm”.
Khi thông báo kế hoạch đánh thuế hàng hóa Trung Quốc vào tháng trước, Tổng thống Trump cũng có nhắc đến Nhật, đồng thời khẳng định thời kỳ Mỹ bị các đối tác “trục lợi” về thương mại đã chấm dứt.
Trên thực tế, thâm hụt thương mại của Mỹ với hàng hóa Nhật trong vòng một thập kỷ qua đã giảm gần 20%. Mức thâm hụt này trong năm 2017 chỉ có 69,7 tỉ USD, chiếm có 8,6% tổng thâm hụt thương mại của Mỹ, kém xa so với mức thâm hụt với Trung Quốc.
Thâm hụt thương mại giữa Mỹ với Nhật Bản và Trung Quốc - Ảnh: Nikkei Asian Review
Hơn nữa, Nikkei Asian Review còn nhận định cách tiếp cận từ quan chức cấp dưới bằng cách thiết lập những cuộc đối thoại không hiệu quả với chính quyền Tổng thống Trump. Lãnh đạo Mỹ thường ra quyết định mà không cần đến các cố vấn của mình. Minh chứng rõ nhất là động thái bất ngờ chấp nhận lời mời gặp mặt của lãnh đạo CHDCND Triều Tiên Kim Jong-un. Điều này khiến việc thuyết phục Washington tái gia nhập CPTPP của Thủ tướng Nhật trở thành một nhiệm vụ đầy thách thức.
Trước khi sang Mỹ, Thủ tướng Abe đã thể hiện quyết tâm khiến Tổng thống Trump hiểu rõ tầm quan trọng của thương mại tự do và xử lý đúng đắn vấn đề Triều Tiên. Tuy nhiên, lãnh đạo Tokyo cũng thừa nhận ông sắp bước vào một cuộc bàn luận “được ăn cả, ngã về không”. Đây có thể là bước ngoặt cho mối quan hệ Abe - Trump vốn rất tốt đẹp, theo Nikkei Asian Review.