Nhật Bản dùng tàu Kaga chặn đứng tham vọng của Trung Quốc

Đan Nguyên |

Theo Reuters, ngày 22/3, tàu sân bay trực thăng thứ hai của Nhật Bản, chiếc Kaga đã chính thức đi vào hoạt động trong Lực lượng phòng vệ biển nước này.

Nhật nói thẳng

Nguồn tin này cho biết, Lực lượng phòng vệ biển Nhật Bản ngày 22/3 đã nhận bàn giao con tàu dài 248 m tại nhà máy đóng tàu của tập đoàn Japan Marine United ở thành phố Yokohama, gần Tokyo. Đây cũng là nơi neo đậu của tàu Izumo.

Phát biểu trong buổi lễ tiếp nhận tàu với sự tham gia của khoảng 500 người, Thứ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Takayuki Kobayashi cho biết: "Trung Quốc đang muốn có những thay đổi ở Biển Đông với các căn cứ và thông qua các hành động vốn làm gia tăng áp lực nhằm thay đổi hiện trạng, gây ra những lo ngại an ninh trong cộng đồng quốc tế.

Trước đó, hồi năm 2015, Nhật Bản đã biên chế tàu sân bay trực thăng Izumo, con tàu đầu tiên thuộc lớp Izumo và là tàu chiến lớn nhất của Nhật Bản. Cùng với Izumo và Kaga, hai chiến hạm lớn nhất của Nhật Bản kể từ Thế chiến thứ 2 nói trên là các bằng chứng rõ ràng về việc Thủ tướng Shinzo Abe nỗ lực nâng cao vai trò quốc tế của quân đội nước này".

Nhật Bản dùng tàu Kaga chặn đứng tham vọng của Trung Quốc - Ảnh 1.

Tàu Kaga trong ngày tiếp nhận

Việc biên chế Kaga đồng nghĩa rằng Nhật Bản sẽ có khả năng tiến hành các hoạt động ở nước ngoài thường xuyên hơn trong tương lai. Kaga sẽ neo đậu tại thành phố Kure ở phía tây Nhật Bản, nơi có chiến hạm nổi tiếng nhất của Nhật trong Thế chiến II, Yamato.

Kế hoạch sử dụng

Ngay trước khi được tiếp nhận chiếc Kaga, Nhật Bản đã công khai kế hoạch điều tàu Izumo hoạt động dài ngày trên biển trong thời gian 3 tháng ở khu vực Biển Đông, Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương.

Hiện nay, các chuyên gia quân sự đánh giá có 2 hướng sử dụng tàu sân bay Izumo của Nhật. Một là: Sử dụng nó làm một phương tiện chuyên chở máy bay trực thăng vận chuyển hải quân đánh bộ, đổ bộ tấn công tầm xa.

Các đảo tranh chấp giữa Nhật Bản và Trung Quốc đều có diện tích rất nhỏ, không tiện triển khai mô hình đổ bộ tấn công quy mô lớn, sử dụng nó làm phương tiện vận chuyển trực thăng, sẽ nâng cao hiệu quả của phương thức đổ bộ vuông góc hoặc đổ bộ lập thể.

Tuy nhiên, sử dụng Izumo theo cách này chỉ áp dụng với những đối thủ yếu hơn, không có khả năng tấn công đáp trả, còn gặp những đối thủ mạnh như Trung Quốc, các máy bay chiến đấu và tàu chiến của họ sẽ dễ dàng đối phó với trực thăng đổ bộ và "làm thịt" tàu sân bay này.

Hai là: Sử dụng theo mô hình tàu đổ bộ tấn công, mang theo máy bay chiến đấu cất cánh trên đường băng ngắn và hạ cánh thẳng đứng F-35B của Mỹ. 

Cách sử dụng này được một số chuyên gia quân sự ưa chuộng bởi biên chế kiểu này sẽ tăng cường khả năng tấn công vào lục địa của đối phương và kiểm soát không phận trên biển, có vai trò cực kỳ quan trọng tác chiến đổ bộ quy mô lớn.

Hiện nay, Nhật Bản cũng có các tàu đổ bộ trực thăng cỡ lớn lớp Hyuga có khả năng mang theo các máy bay vận tải đổ bộ hạng nặng như MV-22 Osprey, nếu Izumo được sử dụng theo cách thứ nhất sẽ lãng phí chức năng tấn công của một tàu đổ bộ mặt boong phẳng hiện đại.

Căn cứ vào hợp đồng đã ký giữa Bộ Quốc phòng Nhật và chính phủ Mỹ, lô máy bay F-35 đầu tiên sẽ được bàn gia cho Nhật vào năm 2017, nếu Nhật trang bị phiên bản F-35B trên tàu sân bay này, năng lực tác chiến thống nhất không - hải, của lực lượng phòng vệ Nhật sẽ được nâng lên rất mạnh.

Các phương tiện truyền thông Nhật Bản và Trung Quốc đều cho rằng, trong tương lai Izumo sẽ được trang bị F-35B, có tính năng vượt trội so với tiêm kích hạm J-15 của Trung Quốc. Do đó, mỗi tàu lớp Izumo đều có khả năng tấn công cao gấp đôi so với tàu sân bay Trung Quốc.

Vì vậy, sử dụng Izumo theo hướng thứ 2 là hợp lý và cực kỳ hiệu quả, vì hiện nay Nhật chưa có phương tiện mang máy bay tác chiến tầm xa. Nếu các tàu đổ bộ lớp Izumo được sử dụng theo hướng này sẽ là cánh tay nối dài của máy bay Nhật Bản, khống chế toàn bộ không phận biển Hoa Đông.

Trước đây, chuyên gia quân sự Trung Quốc Lý Kiệt cũng đã từng bày tỏ sự quan ngại khi Nhật bản biên chế tàu sân bay Izumo và trang bị F-35B. Ông này cho rằng, đây là mô hình tác chiến mà Trung Quốc quan ngại nhất, Izumo sẽ gây ảnh hưởng không nhỏ đến cục diện tranh chấp ở Senkaku.

Vị chuyên gia Trung Quốc khẳng định, tàu sân bay lớp Izumo sẽ nâng cao khả năng điều vận binh lính và vũ khí trang bị, nâng cao năng lực tác chiến đổ bộ của hải quân Nhật Bản. Điều này nhất định sẽ có ảnh hưởng lớn đến hoạt động tác chiến của hải quân Trung Quốc.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại