Các hiện tượng thời tiết cực đoan đã hủy hoại cơ sở hạ tầng của thành phố cổ Angkor ở Campuchia và là một trong những nguyên nhân khiến cho thành phố này biến mất. Tình trạng đó cũng có thể xảy ra đối với các khu đô thị hiện đại hiện nay trên thế giới.
Đây là cảnh báo của các nhà khoa học Australia sau nghiên cứu mới nhất được công bố ngày 18/10.
Angkor, được xây dựng trên một hệ thống phức hợp gồm các kênh rạch, hồ nước và các con đê, từng là thành phố lớn nhất thế giới, tuy nhiên vào thế kỷ 15, dân số của thành phố này giảm mạnh.
Dựa vào những cuộc phân tích tỉ mỉ trên bản đồ, các nhà khoa học thấy rằng trước khi biến mất, thành phố trên đã bị ảnh hưởng do các hiện tượng thời tiết cực đoan và việc cơ sở hạ tầng bị quá tải.
Theo các nhà khoa học, những rủi ro do việc cơ sở hạ tầng bị hủy hoại như vậy có thể sẽ còn cao hơn nữa đối với các khu đô thị hiện đại hiện nay trên thế giới do diện tích các khu đô thị ngày càng lớn và ngày càng có nhiều người sinh sống.
Đồng tác giả của nghiên cứu, ông Mikhail Prokopenko, cho biết hệ thống quản lý nguồn nước của Angkor đã được phát triển trong nhiều thập kỷ và trở thành một hệ thống có sự liên kết chặt chẽ.
Thế nhưng những ảnh hưởng do tình trạng biến đổi khí hậu vào giữa thế kỷ 14 như hạn hán và đặc biệt là tình trạng ẩm ướt kéo dài trong nhiều năm đã khiến cho hệ thống này bị quá tải, dẫn đến việc nước không được phân phối đều trong thành phố.
Cũng theo ông Prokopenko, những phát hiện nói trên đóng vai trò quan trọng trong việc giúp các khu đô thị hiện đại hiện nay cải thiện cơ sở hạ tầng trong bối cảnh các hiện tượng thời tiết cực đoan đang gia tăng, gây thêm nhiều rủi ro cho môi trường tại những khu vực này.
Ông nhấn mạnh những phát hiện trên cho thấy chính phủ các nước và các cộng đồng cần phải tập trung xây dựng khả năng thích nghi của các khu đô thị hiện đại với các thảm họa, đặc biệt là sự biến đổi khí hậu.