Ngày hôm qua (20/11), trong một phát biểu tại diễn đàn đầu tư "Nước Nga Vẫy gọi!", Tổng thống Nga Vladimir Putin đã khẳng định rằng nguyên nhân khiến Liên Xô sụp đổ là do chính sách kinh tế không hiệu quả, chứ không hề liên quan tới sự phát triển của chủ nghĩa dân tộc ở các nước Baltic, Sputnik đưa tin.
Phát biểu của ông Putin dường như đã đề cập tới sự thất bại của Perestroika - chính sách cải cách kinh tế và chính trị ở Liên Xô dưới thời nhà lãnh đạo Mikhail Gorbachev. Có lẽ vì lý do đó, nên ông Gorbachev đã nhanh chóng có phản hồi về tuyên bố của ông Putin trong cùng ngày.
Cụ thể, theo vị Tổng thống đầu tiên và duy nhất của Liên Xô, thì mối quan hệ giữa các nước cộng hòa Liên Xô khi ấy cần được cải thiện:
"Các mối quan hệ cần được cải thiện và dân chủ hóa. Điều này chưa từng được thực hiện. Do đó, tôi không biết điều gì có thể xảy ra tiếp theo. Các nước cần tự mình giải quyết vấn đề ấy", ông Gorbachev trả lời phóng viên RIA Novosti khi ông được yêu cầu bình luận về phát ngôn mới nhất của nhà lãnh đạo Nga.
"Mối quan hệ giữa các thành viên trong Liên bang cần được cải thiện. Hãy đọc những điều tôi đã viết về 'tân Liên bang'" để hiểu rõ hơn về điều đó, ông Gorbachev nói.
Cựu Tổng thống Liên Xô tin rằng hiện nay các quốc gia thuộc Liên Xô cũ có khả năng và cần thiết tiến hành đối thoại:
"Chúng ta không cần phải đùn đẩy trách nhiệm cho bất cứ ai. Chúng ta phải nhớ lấy lịch sử chung của mình. Chúng ta đã cùng nhau bảo vệ nó, nên bây giờ chúng ta có thể và cần phải cùng nhau phát triển".
Trong cuốn sách có tựa đề (tạm dịch) là "Tương lai hòa bình thế giới đang bị đe dọa", ông Gorbachev đã nói rằng sự toàn vẹn của Liên Xô lẽ ra đã được duy trì, đồng thời vẽ ra viễn cảnh một "tân Liên bang" có khả năng đáp ứng nhu cầu và lợi ích của mọi thành viên.
Điều này lẽ ra đã được thực hiện, cựu Tổng thống Liên Xô cho biết, nếu như cuộc đảo chính tháng 8/1991 (sau này dẫn đến việc Liên Xô tan rã) không nổ ra.
Ông Putin nhìn nhận ra sao về nguyên nhân khiến Liên Xô sụp đổ?
Theo nhà lãnh đạo Nga, "các chính sách kinh tế rất kém hiệu quả của Liên Xô đã kéo theo những hậu quả trong lĩnh vực chính trị-xã hội", và cuối cùng là sự sụp đổ của Liên bang Xô viết vào năm 1991.
Ông Putin đã lấy Trung Quốc làm ví dụ về sự chuyển biến hiệu quả về chính sách kinh tế, quốc gia mà theo ông là đã "sử dụng tốt nhất năng lực quản lý của chính quyền trung ương và sự phát triển của nền kinh tế thị trường".
"Ở Liên Xô không hề có điều gì tương tự như vậy được thực hiện; và các chính sách kinh tế không hiệu quả đã ảnh hưởng cả đến lĩnh vực chính trị. Hậu quả của việc Liên bang Xô viết sụp đổ còn tồi tệ hơn nhiều so với những điều mọi người có thể nghĩ đến hoặc thậm chí là trong những giấc mơ tồi tệ nhất của họ", Tổng thống Putin nhấn mạnh.