Nguyễn Hải Yến: Bố tôi ốm, mẹ làm ruốc rồi dượng cầm vào viện, dượng còn thường xuyên biếu bố tôi tiền!

Cao Thanh Hương |

"Người ta hay nói mấy đời bánh đúc có xương, mấy đời dì ghẻ lại thương con chồng nhưng mẹ tôi là người khác hẳn", ca sĩ Nguyễn Hải Yến kể về mẹ của cô.

Nguyễn Hải Yến thừa nhận mình giống mẹ ở nhiều điểm trong tính cách, là người nhiều năng lượng, luôn nhìn mọi chuyện tích cực dù cuộc đời bà trải qua không ít vất vả, thăng trầm.

"Trong bất cứ giai đoạn khó khăn nào của tôi đều có mẹ bên cạnh. Mẹ vừa là mẹ, vừa là người bạn lớn chia sẻ với tôi.

Nhiều người cho rằng, sinh ra ở hai thời đại khác nhau thì mẹ con khó gần gũi nhưng mẹ con tôi không có sự chênh lệch đó. Thậm chí, nhiều khi tôi cũng không nhìn nhận vấn đề tích cực được như mẹ.

Mẹ tôi năm nay 62 tuổi, sống chung với bệnh tiểu đường 20 năm nhưng vẫn khỏe mạnh. Bố tôi trái ngược hoàn toàn. Có thể vì bố là đàn ông nên khó giữ gìn được như mẹ. Tinh thần, sức khỏe của bố đều kém hơn, dù bố mới bị tiểu đường vài năm nay.

Mẹ vào Sài Gòn chơi với tôi. Tôi tập erobic 1 tiếng thì mẹ cũng tập 45 phút sau đó tập tiếp 1 bài bụng và uốn dẻo 15 phút với tôi. Tinh thần, năng lượng đó của mẹ quyết định rất nhiều thứ.

Tới giờ này, mẹ con tôi vẫn thường xuyên nói chuyện với nhau. Tôi đi cà phê, du lịch cũng đưa mẹ đi cùng. Thậm chí, khi chơi các trò mạo hiểm cũng rủ mẹ cùng chơi. Lúc nào tôi cũng nghĩ mẹ là người trẻ giống mình.

Tới mùa Vu lan, mọi người chú trọng mẹ, ngợi ca mẹ, riêng cá nhân tôi nghĩ, khi mẹ còn sống hãy dành cho mẹ những điều tốt đẹp và trân quý thời gian đó. Đã là báo hiếu thì báo hiếu cả đời và không có cái báo hiếu nào bằng những hành động thiết thực.

Cả tôi và mẹ đều là người sống rất thực tế. Bà ngoại tôi vẫn hay nói: sống mà chẳng cho ăn, chết chỉ cúng ruồi". Bởi thế, chỉ cần mẹ nói buồn là tôi đón mẹ vào chơi nửa tháng 1 tháng ngay", Nguyễn Hải Yến mở đầu như thế khi phóng viên hỏi về mẹ của cô.

Nguyễn Hải Yến: Bố tôi ốm, mẹ làm ruốc rồi dượng cầm vào viện, dượng còn thường xuyên biếu bố tôi tiền! - Ảnh 1.

Hải Yến thường xuyên đón mẹ vào Sài Gòn chơi và đưa mẹ đi du lịch khắp nơi.

Nguyễn Hải Yến: Bố tôi ốm, mẹ làm ruốc rồi dượng cầm vào viện, dượng còn thường xuyên biếu bố tôi tiền! - Ảnh 2.

Nguyễn Hải Yến quan niệm, báo hiếu là báo hiếu cả đời và phải bằng những hành động thực tế.

"Mẹ sống với dượng là vì tình cảm, yêu thương con riêng của dượng là vì tình người"

Nguyễn Hải Yến chia sẻ: "Giờ mẹ có cuộc sống riêng với người đàn ông thứ 2, sau bố tôi và tôi rất tôn trọng điều đó. Mẹ có trách nhiệm với người con riêng của dượng. Em ấy sống với mẹ tôi từ hồi 4,5 tuổi đến giờ là hơn 20 năm. Tình cảm của mẹ dành cho em ấy không khác gì dành cho 3 anh em tôi - những đứa con do mẹ rứt ruột đẻ ra.

Thậm chí, mẹ còn nói với anh em tôi rằng "em nó nhỏ hơn các con, điều kiện kinh tế cũng không bằng các con, em nó phải ở với bố, thiếu thốn tình cảm của mẹ thì mình càng phải bù đắp cho em nó nhiều hơn. Em nó dại thì phải dạy nhiều hơn".

Tôi nhớ là có thời điểm con tôi bệnh, tôi gọi điện nhờ mẹ vào chăm giúp một thời gian. Mẹ tôi bảo "thôi, vợ chồng con có điều kiện hơn thì thuê người giúp việc, mẹ ở đây còn trông con cho em nó.

Em nó không có điều kiện để thuê người giúp việc. Nếu mẹ không trông con cho em nó thì cũng không vào trông con cho các con được. Mẹ làm thế, nhìn không được".

Người ta hay nói "mấy đời bánh đúc có xương, mấy đời dì ghẻ lại thương con chồng" nhưng mẹ tôi là người khác hẳn. Tôi cho rằng đó chỉ là định kiến xưa cũ, bị nhìn theo hướng tiêu cực, không còn phù hợp với xã hội ngày nay.

Trong sâu thẳm lòng mẹ, tôi tin rằng, mẹ coi con nào cũng như con nào nhưng mẹ biết cân đối quỹ thời gian và công việc của mình. Ở thời điểm nào phải làm gì và cho ai. Tôi được học điều đó từ mẹ.

Nếu mẹ vào Sài Gòn chăm con cho tôi thì sẽ có rất nhiều vấn đề xảy ra, các mối quan hệ trong gia đình rất có thể sẽ bị xáo trộn. Trong khi, tôi chỉ có một việc duy nhất là con ốm, tại sao mình không cố gắng?

Những hành động đó của mẹ là điều để tôi nhìn vào mà suy nghĩ và học tập. Thế nên, tôi không buồn mà còn thấy tự hào về mẹ.

Nguyễn Hải Yến: Bố tôi ốm, mẹ làm ruốc rồi dượng cầm vào viện, dượng còn thường xuyên biếu bố tôi tiền! - Ảnh 4.

Nguyễn Hải Yến chụp ảnh cùng mẹ và dượng - người chồng sau của mẹ cô.

Nguyễn Hải Yến: Bố tôi ốm, mẹ làm ruốc rồi dượng cầm vào viện, dượng còn thường xuyên biếu bố tôi tiền! - Ảnh 5.

Nguyễn Hải Yến và người con riêng của dượng. Hai chị em rất thân thiết từ nhỏ tới lớn. Và hầu như dự án nào của Nguyễn Hải Yến, người em khác mẹ khác cha ấy cũng đều tới ủng hộ chị.

Mẹ sống với dượng một phần vì tình cảm, yêu thương con riêng của dượng là vì tình người. Không phải vì tôi lấy anh thì phải lo cho con anh, đó là xuất phát từ cái tâm của mẹ. Ở đời này, không ai phải làm gì với ai suốt mấy chục năm cả.

Mẹ sống với dượng hơn 20 năm và tất cả những việc mẹ làm cho dượng hay cho con riêng của dượng đều vì mẹ muốn làm và xuất phát từ cái tâm của mẹ.

"Bố tôi bệnh, mẹ làm ruốc, nấu cơm, dượng đưa vào cho bố và dì ăn"

Dù bố mẹ tôi đã chia tay nhau mấy chục năm nhưng hai ông bà vẫn gọi điện hỏi thăm nhau thường xuyên. 

Bố tôi bệnh, mẹ vẫn mua thuốc cho bố. Bố nằm viện, mẹ vẫn lên thăm, nấu cả cơm mang vào cho bố và dì - người vợ sau của bố tôi ăn.

Thậm chí, mẹ làm cả ruốc rồi dượng cầm vào viện cho bố. Dượng vẫn thường xuyên biếu bố tôi tiền, và mua thuốc cho bố tôi. 

Tết, tôi đưa mẹ và dượng về thăm bố. Mọi người ăn cơm với nhau bình thường. Hai ông ngồi nhậu cùng nhau vui vẻ.

Bố tôi hiện tại không thể tự vệ sinh, tắm rửa. Bệnh tiểu đường của bố biến chứng khiến các nội tạng hư hỏng gần hết. Chính người con riêng của  dì (người vợ sau - PV) chăm sóc bố.

Ngược lại, khi mẹ tôi ốm, nằm viện cả tuần, cũng người con riêng của dượng một mình chăm mẹ tôi, dù em ấy rất nhỏ người.

Tức là, mẹ tôi phải cư xử thế nào thì 4 bề con mới làm với nhau được như vậy. Tất cả phải xuất phát từ tấm lòng, bởi nếu không thật tâm, không đủ nghị lực thì chăm sóc 3 ngày 5 bữa đã đủ khó chịu rồi.

Bố tôi mỗi năm nằm viện 3 tháng nửa năm, tức là phải có sự chung tay của nhiều người. Phần mình là con đẻ, đương nhiên trách nhiệm sẽ nhiều hơn nhưng sự đóng góp của những người con riêng là vô cùng quý giá. Bởi bố mình không sinh ra họ, mẹ mình không đẻ ra người ta, mà người ta đối xử như thế thì phải biết quý.

Nguyễn Hải Yến: Bố tôi ốm, mẹ làm ruốc rồi dượng cầm vào viện, dượng còn thường xuyên biếu bố tôi tiền! - Ảnh 7.

Mẹ của Nguyễn Hải Yến cùng dượng chụp ảnh với bố mẹ chồng cô.

Nguyễn Hải Yến: Bố tôi ốm, mẹ làm ruốc rồi dượng cầm vào viện, dượng còn thường xuyên biếu bố tôi tiền! - Ảnh 8.

Bức ảnh này có một điều vô cùng đặc biệt, bởi nó "gom đủ" 4 dòng con. Anh em Nguyễn Hải Yến, con riêng của dượng, con riêng của dì và các cháu 4 bề. (Ảnh trong bài do nhân vật cung cấp)

Nếu hỏi tất cả những điều đó đến từ đâu, tôi cho rằng đó là sự "thỏa thuận" tự nguyện của anh chị em chúng tôi. 4 bề con cái có sự tương quan hiểu nhau, chấp nhận san sẻ tình yêu, trách nhiệm với nhau thì mới làm được vậy.

Ngay bản thân tôi và con riêng của dượng gắn bó với nhau từ nhỏ. Lúc tôi học đại học, em ấy học cấp 2. Mỗi lần đi hát, tôi vẫn chở em ấy đi cùng. Từ lúc đó, hai chị em đã nói với nhau về những câu chuyện rất xa... của sau này, rằng khi dượng và mẹ già thì sẽ thế nào".

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại