Nguy cơ xảy ra xung đột lớn ở Libya

Vũ Anh Tuấn |

Thủ tướng Italy Giuseppe Conte cảnh báo tình hình tiếp tục xấu đi ở Libya có thể dẫn tới làn sóng bạo lực cực đoan gia tăng tại quốc gia Bắc Phi này.

Ngày 18/4, Đặc phái viên Liên Hợp Quốc về vấn đề Libya Ghassan Salame cảnh báo nguy cơ xảy ra một cuộc xung đột lớn tại quốc gia Bắc Phi. Động thái này diễn ra sau khi Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc đã không thể thống nhất lập trường trong việc yêu cầu các bên tại Libya ngừng bắn trong khi giao tranh vẫn tiếp diễn tại khu vực xung quanh thủ đô Tripoli.

Theo ông Salame, cộng đồng quốc tế đang có sự chia rẽ về tình hình tại Libya. Nga, Ai Cập, Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất, nhiều nước khác thể hiện quan điểm rằng, chiến dịch quân sự của Tướng Haftar là động thái phù hợp để chấm dứt sự chia rẽ chính trị tại Libya. Trong khi đó, hầu hết các cường quốc phương Tây đều ủng hộ Chính phủ Đoàn kết dân tộc Libya (GNA) của Thủ tướng Serraj. Điều này sẽ khiến cộng đồng quốc tế khó thống nhất lập trường trong việc giải quyết xung đột tại Libya.

Cũng trong ngày 18/4, Thủ tướng Italy Giuseppe Conte cảnh báo tình hình tiếp tục xấu đi ở Libya có thể dẫn tới làn sóng bạo lực cực đoan gia tăng tại quốc gia Bắc Phi này.

Phát biểu trước Quốc hội Italy, ông Conte nhấn mạnh: “Tình hình hỗn loạn và bạo lực hiện nay có thể làm gia tăng mạnh mẽ nguy cơ khủng bố trỗi dậy vốn vẫn đang hiện diện tại Libya. Do đó, cuộc chiến chống khủng bố và các tay súng nước ngoài vẫn là một trong những thách thức chính mà Libya cũng như cộng đồng quốc tế đang phải đối mặt. Tôi nghĩ rằng, việc ổn định một quốc gia là nền tảng cho sự ổn định tại Bắc Phi, Trung Đông, Địa Trung Hải và cho cả Liên minh Châu Âu”.

Những tuyên bố này đưa ra sau khi hai cường quốc trên thế giới là Mỹ và Nga đều khẳng định không ủng hộ dự thảo nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc do Anh đề xuất, kêu gọi ngừng bắn tại Libya vào thời điểm này.

Tại cuộc họp kín ngày 18/4, Nga tiếp tục cho rằng, dự thảo nghị quyết đã không đưa ra chứng cứ khi chỉ trích Tướng Haftar trong khi Mỹ đề nghị có thêm thời gian để cân nhắc các lựa chọn. Sự chia rẽ giữa các cường quốc thế giới diễn ra trong bối cảnh các cuộc giao tranh tiếp tục leo thang ở Tripoli khi ngày 16/4 vừa qua, nhiều khu vực ở miền Nam Tripoli đã phải hứng chịu các vụ tấn công bằng đạn pháo, gây thương vong và nhiều nhà cửa bị phá hủy.

Giao tranh đã nổ ra ngày 4/4 khi lực lượng tự xưng Quân đội quốc gia Libya (LNA), dưới sự chỉ huy của Tướng Haftar đã phát động cuộc chiến nhằm chiếm thủ đô Tripoli. Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), giao tranh giữa các lực lượng đối địch ở Libya từ đầu tháng Tư đã khiến 205 người thiệt mạng, 913 người bị thương và hàng nghìn người dân phải rời bỏ nhà cửa đi lánh nạn. Trong khi đó, Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc cho biết, khoảng 500.000 trẻ em bị ảnh hưởng bởi các cuộc giao tranh tại quốc gia Bắc Phi này.

Tuy nhiên, sau những thành công ban đầu, Quân đội Quốc gia Libya tự xưng (LNA) của Tướng Haftar đang có biểu hiện bị sa lầy ở phía Nam thủ đô Tripoli.

Dự kiến, Hội đồng Bảo an sẽ sớm nhóm họp trở lại để thảo luận về dự thảo nghị quyết do Đức đề xuất, trong đó yêu cầu các bên liên quan tại Libya ngừng bắn./.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại