Người Việt và vòng tròn nghịch lý của sự kêu ca

Bảo Nam |

Khói rơm rạ từ ngoại thành bay vào, một con kênh hôi thối, một ngã tư tắc nghẽn… tất cả đều khiến chúng ta khó chịu và bản năng của con người thường là kêu ca.

Tháng 3 vừa qua, rất nhiều tờ báo mạng cho đăng tải hình ảnh của một con kênh bị ô nhiễm khủng khiếp và điều đáng ngạc nhiên là nó nằm ngay trung tâm Hà Nội.

Con kênh Thụy Khuê kéo dài tới 3km, từ dốc Ngọc Hà đến chợ Bưởi, bốc mùi xú uế, nhìn xuống chỉ thấy rác, ruồi muỗi, bệnh tật.

Một con kênh còn bẩn hơn cả sông Tô Lịch quả là lý do quá hợp lý để kêu ca. Người dân sống ở khu vực này kêu trời vì con kênh bốc mùi quá khủng khiếp, đến cơm còn không nuốt nổi.

Song chỉ cần nhìn thoáng qua cũng có thể hiểu tại sao con kênh này ô nhiễm trầm trọng đến vậy: Vì chính những người dân sống dọc 2 bờ kênh vứt rác và chất thải xuống.

Người Việt và vòng tròn nghịch lý của sự kêu ca - Ảnh 1.

Kênh Thuỵ Khuê ngập rác, vậy rác từ đâu?

Một người dân khi được phỏng vấn còn thật thà kể: Ngày nào nhân viên của công ty môi trường đô thị đều cho người đến vớt rác, cố gắng giảm bớt ô nhiễm, nhưng cứ dọn được… vài tiếng là kênh lại ngập rác.

Rác ở đâu ra? Từ trên trời rơi xuống hay từ dưới đất chui lên? Dĩ nhiên, nó từ tay chính những người dân sống ở đó vứt xuống. Rất nhiều người trong số họ tự đầu độc con kênh và cũng đồng thời tự kêu khổ vì con kênh bị đầu độc. Quả là một nghịch lý.

Thế rồi vài ngày trước, trạm đo lường chất lượng không khí đặt tại Đại sứ quán Hoa Kỳ, Hà Nội đo được kết quả cho thấy: Không khí Hà Nội sáng 5/10 ô nhiễm thứ nhì… thế giới.

Không thể có một lý do nào tuyệt vời hơn thế để kêu ca. Nhóm những tri thức thành thị gào khóc vì người dân ngoại thành đốt rơm rạ, để khói bay vào thành phố, khiến trời Hà Nội lúc nào cũng mờ mờ như sương mù ở London.

Tất cả chỉ biết kêu ca và tự cho mình là nạn nhân của một thói quen lạc hậu, ở đây là chuyện đốt rơm rạ sau khi thu hoạch.

Nhưng họ có bao giờ tự đặt câu hỏi: Nếu người dân không đốt rơm rạ thì họ làm gì với đống rơm đó? Vun lên thành đống cho thuê chụp ảnh cưới, hay nhóm lửa nấu cơm?

Người Việt và vòng tròn nghịch lý của sự kêu ca - Ảnh 2.

Đường phố ô nhiễm đầy khói bụi, khói bụi từ đâu?

Những người được dán mác tri thức, hàng nghìn thạc sỹ, tiến sỹ chỉ biết kêu mà không ai dạy người nông dân cách để biến rơm rạ thành phân bón hay bất kỳ thứ gì đó có thể sử dụng được mà không cần phải đốt.

Dĩ nhiên là vẫn có những người thông cảm cho nông dân và họ quay sang đổ lỗi cho khí thải xe máy, ô tô làm ô nhiễm không khí.

Lại là một cái vòng luẩn quẩn: Cấm xe máy thì chỉ trích, mà để xe máy phát triển nở rộ thì ô nhiễm, rốt cuộc là họ đang chọn cái gì?

Người dân chúng ta quá lười đi bộ. Ở một số quốc gia phát triển, người ta để xe cách cơ quan vài trăm mét rồi đi bộ vào.

Người Việt thì lúc nào cũng muốn tiện lợi. Cổng các trường tiểu học cấm đỗ ô tô, nhưng nhiều người vì ngại đi bộ, sẵn sàng đỗ xe chình ình ở cổng chờ con chạy ra. Vướng xe họ, tắc đường, rồi chính họ lại lên mạng kêu khổ vì tắc đường khi đón con.

Người Việt và vòng tròn nghịch lý của sự kêu ca - Ảnh 3.

Mọi người than vãn chuyện tắc đường, vậy vì sao tắc đường?

Ở Hà Nội vào giờ tam tầm, không khó để bắt gặp hàng chục, thậm chí hàng trăm phương tiện vượt cố, vượt láo ở những ngã tư lớn.

Tôi tự nghĩ: Không biết bao nhiêu người trong số những chiếc xe máy, xe ô tô cố vượt đèn đỏ, cố đi sớm khi đèn đỏ còn 1, 2 giây… đã từng lên các trang mạng phán như thánh như tướng khi báo chí đề cập đến chuyện tắc đường.

Chính cái cảnh tắc đường đó được một phóng viên chụp lại và chính những kẻ gián tiếp gây ra tắc đường sẽ lên mạng bình luận về bức ảnh đó. Một vòng tròn lố bịch.

Ngừng than vãn đi người Việt ơi. Đôi khi chính các bạn đã vô tình tạo nên những thứ khiến các bạn khó chịu mà thôi…

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại