Gần nửa tháng qua, nhiệt độ ở TP.HCM luôn ở mức 37-38 độ C. Thậm chí nếu ra đường vào buổi trưa tính luôn bức xạ nhiệt thì có thể người dân phải chịu cảnh nóng trên 40 độ C.
Chính vì thế mà chỉ cần chạy xe ngoài đường đã là cực hình với nhiều người. Vậy mà với giới "người nhện", mưu sinh bằng nghề đu dây lau kính các tòa nhà cao tầng, thì họ phải chấp nhận "sống chung" với nắng nóng.
Dù trời có nắng đến cỡ nào, dù nhiệt độ có cao đến mấy... thì hàng ngày, những "người nhện" vẫn miệt mài đu mình giữa không trung để cọ rửa, lau kính cho các tòa nhà chọc trời.
Trời nắng nóng nên thợ đu dây lau kính vừa chịu thời tiết oi bức ngoài trời, lại bị cái nóng từ mặt kính hắt vào người, vào mặt, gây cảm giác vô cùng khó chịu và mệt mỏi
"Dạo này nắng quá gắt, nên dân đu dây chúng tôi cũng dễ bị mất sức hơn. Vì ở trên cao, vừa đối diện với nắng ngoài trời, lại bị sức nóng của kính hắt vào mặt, nên cảm giác rất mệt mỏi. Làm việc ở tòa nhà càng cao thì càng kinh khủng, vì càng lên cao thì sức nóng càng dữ dội hơn", "người nhện" Hoàng Anh Bình (ở Q.11, TP.HCM), kể.
Theo những người mưu sinh bằng nghề được xem là nguy hiểm nhất thế giới này, thì thời tiết lý tưởng nhất để họ có thể làm việc tốt là khoảng 26 - 30 độ C. Khi đó nắng vừa phải và không gắt quá.
"Nếu thời tiết như vậy thì có thể đu dây làm việc trong khoảng 3 giờ đồng hồ liên tục. Chứ nắng nóng như hiện nay, leo lên làm được 1 tiếng là phải dừng lại "tiếp nước" vì mất nước rất nhiều", Trịnh Thanh Quang (ở Q.2, TP.HCM), thợ đu dây lau kính chuyên nghiệp, cho biết.
Còn Nguyễn Hữu (ở Q.2, TP.HCM) thì bày tỏ, anh em làm nghề này chỉ mong trời đừng mưa, nhưng cũng đừng nắng nóng quá đỗi khủng khiếp như mấy ngày nay.
Theo chia sẻ của anh Hữu thì anh còn ngán nắng nóng hơn là sợ những lằn ranh sinh tử của nghề nguy hiểm mà mình đang làm.
"Thú thiệt, tôi chẳng sợ có vấn đề gì về tai nạn khi đu dây lơ lửng trong không trung ở độ cao hàng trăm mét so với mặt đất. Vì làm nghề này đã quá quen với việc lơ lửng giữa trời rồi. Mà chỉ ngán trời nắng nóng quá, mồ hôi túa ra, miệng khát, người lả đi, dễ đuối sức hơn, làm ảnh hưởng đến tiến độ công việc", Hữu bộc bạch.
Treo mình trên cao, những "người nhện" vừa đối diện với nguy hiểm, vừa ngán ngẩm với tiết trời oi bức, với cái nắng khủng khiếp của TP.HCM
Thời tiết nắng nóng lên đến 37 - 38 độ C khiến thợ đu dây lau kính dễ mất sức hơn vì tình trạng mất nước
Họ phải "thủ" sẵn bình nước trong hành trang đồ nghề, để có thể "tiếp nước" khi khát
Chai nước là một trong những thứ mà giới đu dây lau kính luôn đem theo khi chuẩn bị thả mình giữa không trung, cọ rửa mặt kính các tòa nhà
Trời nắng gắt nên họ chỉ mong hoàn thành công việc sớm để xuống đất nghỉ ngơi uống nước nhằm lấy lại sức
Mặc dù phải đối diện với nhiều khó khăn, nguy hiểm khi làm nghề này. Nhưng giới "thợ nhện" đều trân quý nghề, yêu nghề, không chỉ vì để mưu sinh mà muốn làm đẹp cho cuộc sống này.
Những cao ốc, tòa nhà “cao chọc trời” ngày càng mọc nhiều hơn, phần lớn đều có hệ thống kính. Các tác động ngoại cảnh: mưa gió, khói, bụi bẩn sẽ làm hệ thống kính bị ảnh hưởng (mốc, mờ, đục, bị ăn mòn…) và mất dần vẻ đẹp ban đầu.
Do đó, đội ngũ thợ đu dây lau kính (hay còn được gọi là giới "người nhện") là những người giúp mang lại vẻ đẹp sang trọng, hiện đại cho các tòa nhà, văn phòng, cao ốc. Chính vì thế nghề này rất được trọng dụng những năm gần đây.