Người dân ngộp thở vì nắng nóng gay gắt
Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Nam Bộ, ngày 15/4 tại TP HCM và các tỉnh lân cận như Bình Dương, Đồng Nai, Tây Ninh... nhiệt độ lên đến 37-38 độ C.
Cũng theo đơn vị này, nhiệt độ được dự báo nói trên được đo bên trong lều khí tượng (có mái che không tiếp xúc trực tiếp ánh nắng). Thế nên, khi đi ngoài đường sẽ cảm nhận nhiệt độ cao hơn.
Theo đó, nếu tính thêm bức xạ nhiệt từ mặt đường, hơi nóng từ xe cộ, toà nhà..., nhiệt độ sẽ chênh lệch 2-3 độ C. Vì vậy, nếu ra đường vào buổi trưa tính luôn bức xạ nhiệt thì có thể trên 40 độ C thì có thể người dân phải chịu cảnh nóng trên 40 độ C.
Được biết hiện tượng này đã kéo dài gần nửa tháng qua, khiến nhiều người phải ca thán bằng những câu đầy chán ngán: "Nắng nóng kinh khủng", "Chưa bao giờ thấy ở Sài Gòn nóng như thiêu thế này", "Không thể chịu đựng nỗi thời tiết nóng kéo dài mãi như thế này được. Muốn... nổ tung cái đầu"...
Đeo khẩu trang, kính và mặc áo dài tay... như là cách mà người dân TP.HCM đang áp dụng để tránh cái nắng khủng khiếp
Chỉ những ai có việc phải ra đường, phải mưu sinh ngoài đường thì mới có thể cảm nhận hết "cái nóng kinh khủng" tại TP.HCM. Trời nắng, không khí trở nên ngột ngạt nóng bức khó chịu hơn rất nhiều.
Không ít người đang lưu thông phải tạm dừng xe lại, tìm nơi râm mát để trú, để nghỉ ngơi sau khi phải gồng mình chịu đựng thời tiết khó chịu.
Trên đường, rất hiếm thấy cảnh người đi đường mặc áo ngắn tay hay không đeo khẩu trang, mà hầu như ai nấy đều tận dụng tối đa áo khoác, khăn choàng, khẩu trang... để bảo vệ da trước cái nắng gắt.
"Mấy ngày nay, tôi ít thấy người dân đi lại trên đường, mà chỉ thấy những... áo choàng di động. Ai nấy đều hóa Ninja, đều bịt kín mít từ đầu tới chân, chỉ để lộ hai con mắt", chị Trần Thùy Ngân, nhà ở đường Cao Lỗ (Q.8, TP.HCM), hài hước nói.
Anh Hồ Mạnh Tùng, nhà ở đường Hoàng Diệu (Q.4, TP.HCM), thì cho biết: "Bình thường tôi ít khi mặc đến 2 áo khoác như thế này. Nhưng TP.HCM hiện nay nắng nóng quá, tình trạng này đã kéo dài suốt nửa tháng nay nên cực kỳ kinh khủng, khiến tôi mỏi mệt và khó chịu vô cùng. Lúc nào ra đường tôi cũng phải "thủ" sẵn kính, áo khoác, khẩu trang...
Từ hồi giờ tôi chưa khi nào uống nước ở những bình nước miễn phí trên đường. Nhưng mấy ngày qua, ngày nào tôi cũng phải ghé lại để uống nước giải nhiệt".
Ai nấy đều bịt khẩu trang kín mít để chống chọi với cái nắng nóng gay gắt mà TP.HCM đang chịu đựng
Theo thông số từ Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Nam Bộ dự báo khoảng 15 ngày qua, có những thời điểm chỉ số tia UV (số đo cường độ tia cực tím chiếu lên bề mặt trái đất khi mặt trời lên cao nhất. Chỉ số này để xác định sự cần thiết của các biện pháp phòng hộ phù hợp khi ra nắng để làm giảm nguy cơ bỏng nắng (cháy nắng), ung thư da và tổn thương mắt do tia nắng – PV) ở TP.HCM đạt ngưỡng rất cao, từ 7 – 12.
Đây đều là những chỉ số ở mức rất cao, có thể gây ảnh hưởng cho da.
Trong đó, theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), khi chỉ số tia UV ở mức 11+ thì thời gian gây bỏng là 10 phút. Chỉ số UV mức 8 – 10 (rất cao), thời gian gây bỏng là 25 phút.
Sáng tạo đủ cách tránh nắng, trốn nóng
Ngoài việc thi thoảng dừng xe lại, tấp vào vệ đường để tranh thủ nghỉ ngơi, uống nước giải nhiệt rồi tiếp tục chạy xe, thì người dân còn nghĩ ra vô số cách để có thể "chế ngự" cảnh nóng vô cùng khó chịu.
Ông Vũ Thanh Bình, nhà ở đường Vạn Kiếp (Q.Bình Thạnh, TP.HCM) bày tỏ: "Hai vợ chồng tôi vừa về hưu. Thú thật là nửa tháng qua, ít khi chúng tôi ở nhà mà thường đi... các trung tâm thương mại, siêu thị".
Ông Bình lý giải: "Đến những nơi ấy để... hưởng sái máy lạnh, chứ ở nhà cũng nóng, mà ra đường thì nóng muốn... thiêu cả người".
Còn anh Trần Đình Truyền, nhân viên công ty du lịch trên đường Bùi Thị Xuân (Q.1, TP.HCM) thì kể: "Ngoài giờ làm, thì tôi dành tất cả thời gian ở... hồ bơi. Hơn 10 ngày nay, tiền vé đi bơi của tôi nhiều hơn... tiền ăn".
Anh Tuyền cũng bảo, không chỉ anh mà rất nhiều đồng nghiệp cũng tìm đến hồ bơi như là cách để "giải nhiệt" dưới cái nóng... muốn xỉu như hiện nay.
Nhiều người thì thú thật rằng họ đã không ngần ngại chi khoản tiền lớn để mua thêm máy quạt, máy lạnh... về nhà. Vì như lời chia sẻ của chị Trương Tú Anh, nhà ở đường Thành Thái (Q.10, TP.HCM), thì "cái nóng không chỉ có ngoài đườngmà còn "chui" vào nhà".
Tìm đến các cửa hàng tiện lợi để "ngồi đồng", hưởng ké máy lạnh là chiêu mà nhiều sinh viên áp dụng
Cũng vì nắng nóng gay gắt, nên suốt thời gian vừa qua, theo ghi nhận của PV, dưới những dạ cầu vượt như: Bình Triệu, Hàng Xanh, Ngã tư Thủ Đức... có rất đông người đứng dưới dạ cầu để tránh nắng. Mặc dù biết điều này là nguy hiểm, ảnh hưởng đến an toàn giao thông, thế nhưng theo nhiều người, đó là giải pháp để họ có thể tránh được thời tiết nắng nóng quá gắt.
Còn với những người dân mưu sinh bằng các nghề bán vé số, bán báo hay bán hàng rong, thì những điểm đặt máy ATM... trở thành điểm lý tưởng để họ có thể tranh thủ trú ngụ vài phút, nhằm trốn nắng tránh nóng, hoặc có thể tranh thủ ngủ vài phút trước khi tiếp tục mưu sinh.
Nhiều trường tại TP.HCM cũng khuyến cáo giáo viên lưu ý không để nhiệt độ trong phòng chênh lệch quá cao với thời tiết ngoài trời, để học sinh không gặp hiện tượng sốc nhiệt. Ngoài ra, giáo viên cũng khuyên học sinh vào giờ giải lao, nên ngồi ở hành lang hay trong sảnh vì nếu ra sân trường thì có thể bị ảnh hưởng bởi hơi nóng bốc lên dễ gây cảm sốt.
Học sinh cũng được khuyên uống nước nhiều, hạn chế chơi ngoài trời nắng.
Hiện tại, theo thông tin của Đài Khí tượng thủy văn khu vực Nam Bộ nhận định, thì sau ngày 15/4, mưa sẽ tăng dần về diện và lượng nên sẽ giúp tạm chấm dứt đợt nắng nóng đang diễn ra ở Nam Bộ nói chung và TP.HCM nói riêng.
"Mong trời mưa xuống để không còn ngán ngẩm khi bị nắng nóng "hành" như cả chục ngày qua nữa", anh Bùi Đình Thành, nhà ở đường Trần Đình Xu (Q.1, TP.HCM), nói.
Bác sĩ Trần Anh Tú, Bệnh viện ĐH Y dược TP.HCM khuyến cáo: "Thời điểm nắng nóng như hiện nay thì thực phẩm dễ bị hỏng, tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây bệnh. Vì thế mọi người phải có ý thức chăm sóc sức khỏe, ăn chín uống sôi, nên cẩn thận khi uống nước đá vì nguy cơ nhiễm vi sinh rất cao.
Với những người phải thường xuyên ra đường trong thời tiết nắng gắt như hiện nay nên đội mũ rộng vành, mặc áo chống nắng và nhớ mang nước uống để cơ thể luôn được bổ sung nước kịp thời. Lúc làm việc ngoài trời cần trang bị áo, mũ chống nóng để tránh đột quỵ".