Người ngấp nghé về hưu được đề nghị làm Tổng giám đốc Sabeco

Thanh Hương |

Khi ông Xanh nghỉ hưu theo quy định, việc ông có được thuê làm Tổng giám đốc Sabeco nữa hay không là một bí ẩn lớn, nhất là khi Nhà nước vẫn chưa thoái xong vốn tại doanh nghiệp.

Nguồn tin của Báo Đầu tư Online - Baodautu.vn cho hay, ông Lê Hồng Xanh, Thành viên Hội đồng quản trị, kiêm Phó tổng giám đốc Tổng công ty Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) đã được bộ phận quản lý vốn của nhà nước tại Sabeco đề cử đảm nhận vị trí Tổng giám đốc với Bộ Công Thương - cơ quan đang quản lý 89,59% vốn nhà nước tại doanh nghiệp này.

Ông Lê Hồng Xanh, sinh tháng 6/1957, hiện là thành viên Hội đồng quản trị kiêm Phó tổng giám đốc Sabeco.

Trước khi làm việc tại Sabeco, ông Xanh là Trưởng phòng Marketing của Công ty cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk).

Người ngấp nghé về hưu được đề nghị làm Tổng giám đốc Sabeco - Ảnh 1.

Dường như đang khủng hoảng về nhân lực tại doanh nghiệp bia lớn nhất Việt Nam này. Ảnh: DĐDN

Tại Sabeco, vị trí công tác đầu tiên của ông Xanh là Giám đốc điều hành marketing và sau đó được bổ nhiệm làm Phó tổng giám đốc. 

Tháng 4/2011, ông Xanh được bổ nhiệm là Thành viên Hội đồng quản trị, và hiện là một trong 4 đại diện phần vốn nhà nước do Bộ Công Thương quản lý tại Sabeco.

Hiện vị trí Tổng giám đốc Sabeco đang được ông Võ Thanh Hà – Chủ tịch HĐQT kiêm nhiệm từ 1/1/2016, khi bà Nguyễn Thị Hồng Hạnh - người nắm vị trí Tổng giám đốc Sabeco đã nghỉ hưu từ ngày 31/12/2015.

Tuy nhiên, việc ông Võ Thanh Hà vừa là Chủ tịch HĐQT vừa kiêm nhiệm vụ Tổng giám đốc tại Sabeco là trái với Luật Luật Doanh nghiệp 2014.

Sabeco hiện có vốn điều lệ là 6.412 tỷ đồng và Nhà nước đang nắm giữ 89,59% vốn điều lệ tạidoanh nghiệp.

Theo quy định của khoản 2, Điều 152 Luật Doanh nghiệp 2014, công ty cổ phần do Nhà nước nắm giữ trên 50% tổng số phiếu biểu quyết, thì Chủ tịch HĐQT không được kiêm nhiệm thêm chức vụ giám đốc, hoặc tổng giám đốc.

Ông Phan Đức Hiếu, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) đã phân tích, sở dĩ Luật Doanh nghiệp 2014 đưa ra quy định phải tách riêng hai chức danh đó, vì việc quyền lực được tập trung vào một người sẽ khó giám sát các hoạt động của doanh nghiệp. Việc tránh kiêm nhiệm sẽ giúp công tác quản trị doanh nghiệp được tốt hơn.

“Quy định tách riêng 2 chức danh với loại hình công ty cổ phần có vốn nhà nước trên 50% này cũng được áp dụng theo mô hình quản trị tốt của OECD, nhằm giúp cổ đông được hưởng lợi một cách minh bạch”, ông Hiếu nói.

Ông Hiếu cũng khẳng định, nếu doanh nghiệp nào thuộc diện trên, mà không tách bạch hai chức danh (Chủ tịch HĐQT và tổng giám đốc, giám đốc) là vi phạm luật.

Quay trở về với đề xuất của bộ phận quản lý vốn nhà nước tại Sabeco tới Bộ Công Thương về việc giới thiệu ông Lê Hồng Xanh thực hiện nhiệm vụ của Tổng giám đốc cho đến khi có quyết định mới về nhân sự, nguồn tin của Báo Đầu tư Online - Baodautu.vn cũng cho hay, có rất nhiều luồng ý kiến khác nhau về đề xuất này ngay trong Bộ Công Thương.

Ông Lê Hồng Xanh sinh tháng 6/1957, đang được Bộ Công Thương giao nhiệm vụ quản lý phần vốn nhà nước tại Sabeco. 

Theo các quy định hiện hành liên quan đến người đại diện phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp, ông Xanh sẽ đến tuổi nghỉ hưu từ ngày 1/7/2017, và sẽ phải thôi làm đại diện phần vốn nhà nước tại Sabeco.

Như vậy, nếu Bộ Công Thương cử ông Xanh vừa đảm nhiệm quản lý phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp, đồng thời giới thiệu vào vị trí Tổng giám đốc Sabeco, thì ông Xanh cũng chỉ còn đảm nhiệm được nhiệm vụ Tổng giám đốc kiêm nhiệm này chưa được 1 năm.

Khi ông Xanh nghỉ hưu theo quy định, việc ông có được thuê làm Tổng giám đốc Sabeco nữa hay không lại là một bí ẩn lớn, nhất là khi Nhà nước vẫn chưa thoái xong vốn tại doanh nghiệp này.

Trong trường hợp HĐQT Sabeco quyết định thuê ông Xanh làm Tổng giám đốc Sabeco, các chuyên gia cũng cho rằng là hoàn toàn có thể làm được.

Tuy nhiên, HĐQT Sabeco sẽ phải ký một hợp đồng lao động với ông Xanh, và bản thân ông này phải thôi nhiệm vụ đại diện phần vốn nhà nước tại Sabeco để không “đá bóng hai chân” theo các quy định hiện hành, liên quan đến công ty cổ phần có góp vốn nhà nước và người đại diện phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp.

Ở trường hợp thuê Tổng giám đốc, các chuyên gia cũng cho rằng, nên công khai tuyển dụng, để có sự so sánh và lựa chọn giữa các ứng viên, cũng đồng thời tạo ra sự minh bạch về thông tin với một doanh nghiệp đã tiến hành cổ phần hóa.

Trong khi câu chuyện nhân sự tại Sabeco thời gian qua với tình trạng con trai nguyên Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng nắm vị trí Phó tổng giám đốc; Chủ tịch HĐQT Sabeco từng là thư ký của nguyên Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng, đang khiến dư luận thấy khó hiểu và chưa làm rõ, thì việc đề nghị một nhân sự sắp đến tuổi nghỉ hưu làm Tổng giám đốc mà Bộ phận quản lý vốn nhà nước tại Sabeco đưa ra mới đây, càng cho thấy khủng hoảng về nhân lực tại doanh nghiệp bia lớn nhất Việt Nam này.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại