Người lắp "mắt" cho tên lửa Trung Quốc

Thiện Trí |

Ông Jia có nhiệm vụ làm và lắp ráp một bộ phận quan trọng của tên lửa, thường được gọi là "cặp mắt".

Jia Yan, 52 tuổi, là kỹ thuật viên trưởng tại một nhà máy của Học viện số 2 - trực thuộc Tập đoàn Công nghiệp và Khoa học Hàng không vũ trụ Trung Quốc (CASIC, trụ sở ở Bắc Kinh).

Theo trang mạng China.org, ông Jia có nhiệm vụ làm và lắp ráp một bộ phận quan trọng của tên lửa, thường được gọi là "cặp mắt".

Bắt đầu công việc này từ năm 1981, tới nay, ông Jia đã chế tạo, xử lý và lắp đặt nhiều loại phụ tùng trên hầu hết các loại tên lửa phòng thủ của Trung Quốc.

Ngày nay, các loại máy gia công kỹ thuật số được sử dụng phổ biến trong ngành công nghiệp quân sự, nhưng với nhiều bộ phận đòi hỏi mức độ chính xác cao thì chỉ những người thợ có tay nghề lão luyện mới làm được.

Có lần, Jia và đồng nghiệp phải khoan một lỗ đường kính 0,17mm trên bề mặt của một thanh thép không gỉ có đường kính 2mm, tương tự như tạo ra 1 lỗ chỉ dày bằng sợi tóc trên 1 cây kim bằng thép. Không khó để tưởng tượng nhiệm vụ này gian nan tới mức nào.

Hồi tưởng lại tình cảnh khi ấy, một thợ kỹ thuật cho biết họ phải dùng tới kính lúp trong quá trình khoan: "Vì mũi khoan rất nhỏ và mỏng, bất kỳ sự thiếu thận trọng nào cũng có thể làm hỏng mũi khoan. Ngay cả khi khoan được vào thì kích thước lỗ và độ đàn hồi lại chưa đạt chuẩn".

Jia không vội vã thực hiện mũi khoan ngay khi nhận nhiệm vụ, mà lên kế hoạch, tính toán trước. Ban đầu, ông khoan 1 lỗ có đường kính 0,15mm trên bề mặt thanh thép, mài nó bằng tay, và cuối cùng mở rộng đường kính thêm 0,02mm để hoàn tất quy trình.

Bộ phận đặc biệt đó đã được xử lý và kiểm tra hơn 2.000 lần để phù hợp với yêu cầu kỹ thuật.

Người lắp mắt cho tên lửa Trung Quốc - Ảnh 1.

Jia Yan xử lý một lỗ có đường kính 0,17mm trên thân của một thanh thép không gỉ có đường kính 2mm.

Người lắp mắt cho tên lửa Trung Quốc - Ảnh 2.

Jia Yan khoan một lỗ chỉ dày bằng một sợi tóc trên cây kim. Không khó để tưởng tượng công việc khó khăn như thế nào.

Người lắp mắt cho tên lửa Trung Quốc - Ảnh 3.

Bất kỳ sự thiếu thận trọng nào cũng có thể làm hỏng mũi khoan.

Với sự tiến bộ của khoa học và công nghệ, các công ty vũ khí Trung Quốc cũng phát triển nhanh chóng, đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng cao trong lĩnh vực lắp rắp các sản phẩm quốc phòng.

Hầu hết phụ tùng trong các bộ phận chính của tên lửa rất phức tạp và có chi phí sản xuất tốn kém.

Rất khó để lắp ráp hàng trăm bộ phận đòi hỏi độ chính xác cao của tên lửa lại với nhau. Chỉ những người thợ điêu luyện, có kinh nghiệm như Jia mới có thể thực hiện công việc này.

Trong những năm gần đây, nhiệm vụ lắp rắp của Jia và đồng nghiệp trở nên khó khăn hơn. Chẳng hạn, các bộ phận cần lắp ráp chỉ được cách nhau 0,01mm, trong khi họ thường phải lắp ráp tới hàng trăm bộ phận như vậy lại với nhau.

Song, nhờ kinh nghiệm dày dạn, Jia có thể nhanh chóng giải quyết vấn đề, đồng thời phát hiện sai sót trong nháy mắt. Nhờ thế, ông còn trở thành một chuyên gia xử lý các vấn đề phát sinh, giúp đảm bảo hoạt động trong tất cả các dự án lớn.

Người lắp mắt cho tên lửa Trung Quốc - Ảnh 4.

Jia Yan hướng dẫn một học viên xử lý phụ tùng.

Với những đóng góp của mình, Jia được phong tặng danh hiệu chuyên gia kỹ thuật công nghiệp quốc phòng, và được liệt vào danh sách nhân tài quốc gia Trung Quốc.

Ngày nay, Jia có xưởng riêng được xây dựng trong học viện, chủ yếu tham gia công tác giảng dạy, thử nghiệm sản phẩm mới và giải quyết nhiều vấn đề kỹ thuật gai góc.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại