World Cup 1990, tôi hơn 10 tuổi, năm đó để phục xem World Cup, bố tôi ra chợ Sắt Hải Phòng mua được chiếc tivi Toshiba của Nhật, đó là chiếc tivi hàng bãi. Có tivi nhưng khi đó chưa có điện, bố tôi lại lóc cóc gọi hàng xáo (những người buôn bán thóc, gạo) vào bán nốt mấy tạ thóc rồi mua thêm chiếc bình ắc quy. Có bình ắc quy nhưng nếu muốn xem tivi lại phải đem đi sạc để có thể xem hết 1 trận bóng vào đêm khuya.
Vất vả, tốn kém như vậy nhưng quả thực gia đình tôi, cả xóm chợ nghèo của tôi vui như hội. Có tivi, có thể xem World Cup, xem những ông Tây cao kều, to lớn nhưng chạy nhanh như gió, sút quả bóng mạnh như một phát đạn đại bác, thực thích mắt và sung sướng.
Tôi nhớ những đêm hè xem bóng đá như vậy, hầu hết mọi người đều không rõ tên cầu thủ, đôi khi nhầm lẫn đội này với đội kia, cãi nhau ỏm tỏi, có người do bận làm đồng, tối về buồn ngủ díu mắt nhưng vẫn cố gắng gượng để xem, chưa được nửa hiệp bóng đã ngủ lăn quay ra chiếu rồi nằm mơ ú ớ.
Suốt cả tháng diễn ra World Cup cả làng luôn râm ran, mỗi khi ra đồng gặt lúa lại bàn tán xôn xao, người bảo đội kia đá hay, đội khác đá dở, nhất thế giới chỉ có Maradona, Pele cũng chẳng "vị gì"…
Dẫu chỉ là những chiếc TV đen trắng, người Việt Nam vẫn được xem World Cup từ gần 30 năm về trước.
Khi ấy chưa ai biết đến trò cá cược, tất cả chỉ thức xem cho vui, cho có phong trào. Đêm xem bóng đá, mỗi người mang thêm khoai, sắn hay bánh trái để ăn đêm cho đỡ đói.
Cũng có những hôm trận bóng bị gián đoạn vì chiếc bình ác quy trở chứng hết điện bất thình lình, màn hình của tivi co lại chỉ còn non nửa, người cầu thủ bị "bóp méo", cả xóm cười ồ lên, rồi bình luận, xem kìa, cầu thủ chạy trước, quần đùi chạy sau.
Xem tivi đen trắng rất điên ruột vì có trận hai đội cùng mặc áo tối màu, một đội màu đỏ, một đội màu xanh lam thì chịu không phân biệt nổi ai với ai.
Chúng tôi đã ao ước, bao giờ có cái tivi màu xem thì sung sướng quá, cầu thủ đội nào ra đội ấy chứ không lẫn lộn vào nhau.
Đó là câu chuyện của gần 30 năm trước. Năm nay, chỉ còn ít ngày nữa, ngày hội bóng đá lớn nhất hành tinh sẽ diễn ra. Những hậu duệ của Maradona, Pele, Baggio… sẽ tranh tài để mong một lần trong đời nâng cao chiếc cup vô địch thế giới.
Nhưng bây giờ, World Cup 2018 đã cận kề nhưng những tín đồ của Túc cầu giáo tại Việt Nam vẫn đang ngơ ngác, hồi hộp rồi sốt ruột chờ đợi. Chưa ai dám chắc chắn rằng mình có được xem bóng đá hay không, có được sống trong không khí hội hè của bóng đá, dẫu chỉ qua màn hình tivi.
Chỉ còn mỗi Việt Nam là chưa có bản quyền World Cup 2018.
Nhiều đồng nghiệp của tôi đã khá tiêu cực khi nghĩ đến viễn cảnh, mùa World Cup năm nay, cả nước sẽ "chầu rìa" đúng nghĩa khi chuyện bản quyền vẫn chưa được chốt xong. VTV đưa ra thông tin, họ sẽ không mua bản quyền World Cup bằng mọi giá. Vậy ai sẽ mua, đài truyền hình nào đủ sức, đủ lực để đưa ngày hội bóng đá về với người dân Việt Nam.
Theo công bố của FIFA, Việt Nam là quốc gia duy nhất trên thế giới chưa có bản quyền phát sóng World Cup 2018. Đến giờ, 218/ 219 quốc gia và vùng lãnh thổ đã được FIFA xác nhận sở hữu quyền phát sóng giải đấu khởi tranh vào ngày 14/6 tới.
Vâng, con số 218/219 thật đáng để suy nghĩ. Đất nước đã bước qua những giai đoạn khó khăn nhất, thậm chí trong giai đoạn khó nhất thì người dân vẫn có bóng đá để xem (tất nhiên đó là sóng miễn phí).
Nhưng bây giờ, chúng ta không còn nghèo tới mức phải đợi chờ xem miễn phí nữa. Vấn đề duy nhất là cách làm để đưa World Cup về dải đất có hàng chục triệu người hâm mộ này.
Nếu VTV quá khó khăn, họ cần lên tiếng để tìm thêm nguồn lực. Ở Thái Lan, 9 doanh nghiệp lớn đã hùn tiền đem sóng sạch về cho người dân.
Ở Việt Nam liệu có tìm đủ 9 doanh nghiệp hay không? Tất nhiên sẽ không quá khó để tìm những doanh nghiệp dám bỏ tiền, nhưng đổi lại, họ sẽ được những quyền lợi gì? Đó mới là vấn đề. Nếu nhà đài chuẩn bị đầy đủ các phương án "tác chiến" có lẽ họ sẽ không gặp khó như hiện nay.
Hết hôm nay, còn 7 ngày nữa World Cup 2018 sẽ khởi tranh. Liệu 7 ngày tới VTV hay một đài truyền hình nào khác có "chạy" kịp tiền để mua bản quyền.
Và nếu kịch bản rất xấu - chúng ta không có bản quyền World Cup xảy ra, người hâm mộ sẽ buộc phải tính cách của riêng mình, hoặc là họ sang Lào, Campuchia để xem nhờ, hoặc lên mạng xem lậu. Đôi khi chúng ta sẽ phải chấp nhận nghịch cảnh "phú quý giật lùi", dù sao không bóng đá cũng chưa hẳn là bi kịch, có chăng đó chỉ là sự thất vọng, thật sự thất vọng mà thôi.