VTV tuyên bố cố gắng đàm phán để có được bản quyền phát sóng World Cup 2018 để phục vụ người dân cả nước, tuy nhiên sẽ không bằng mọi giá phải mua bản quyền mà chỉ mua với mức giá phù hợp với khả năng tài chính.
Điều này cũng có nghĩa người dân phải sẵn sàng cho khả năng “nhịn” xem World Cup. Bởi cho đến thời điểm hiện tại, ngoài VTV thì khó có nhà đài nào đủ tiềm lực để mua được gói bản quyền này.
Nhiều người đưa ra phương án vui nhưng lại rất thực tế, đó là sang 2 nước láng giềng là Lào và Campuchia để xem World Cup 2018, khi đều đã có bản quyền phát sóng giải đấu. Đơn vị mua bản quyền truyền hình World Cup 2018 cho Lào là TVLAO CO.LTD và Campuchia là CBS-Cambodia Broadcast Network System.
Ở thời đại 4.0, chắc chắn khán giả sẽ không chịu “nhịn” World Cup mà tìm cách "xem lậu”, là xem trên nền tảng Internet. Tuy nhiên, hôm 5.6, Thanh tra Bộ TTTT đã khuyến cáo việc khán giả cố tình vi phạm bản quyền bằng hình thức "xem lậu” sẽ để lại hậu quả nghiêm trọng.
Còn một phương án xem World Cup kết hợp với đi du lịch là đến trực tiếp Nga, nhưng chỉ dành cho số ít với điều kiện kinh tế tốt chứ không phải dành cho số đông.
Qua câu chuyện này, có thể thấy một vấn đề là đã đến lúc người Việt hình thành tư duy “trả tiền xem bóng đá”. Và cũng hãy nghĩ rằng VTV mua bản quyền World Cup là một “dịch vụ kinh doanh” chứ không phải "nghĩa vụ phục vụ”.
Năm 2006, Việt Nam đã bỏ 2 triệu USD để mua bản quyền truyền hình World Cup. Năm 2010 là 2,7 triệu USD và con số này tăng lên 7 triệu USD tại World Cup 2014. Theo thông tin bên lề thì phía ISM ra giá 15 triệu USD cho bản quyền World Cup 2018 ở Việt Nam và VTV chỉ cố đàm phán còn 7-8 triệu USD. Cái giá mà nhà đài phải trả quá đắt nên chắc chắn khách hàng cũng không thể xem… miễn phí.
Nếu theo quy luật của kinh doanh thì tiền VTV bỏ ra mua bản quyền chính là tiền đến từ các thuê bao trả cho VTV chứ không phải từ ngân sách. Thế nên nếu như khán giả Việt Nam không được xem World Cup 2018 thì hãy bắt đầu thay đổi tư duy từ việc sẵn sàng bỏ tiền xem bóng đá.