Người em song sinh "kêu oan" hộ Hán Văn Tình

Thảo Nguyên |

Người em song sinh của Hán Văn Tình bất ngờ tiết lộ thời hoàng kim và nỗi oan ít biết của “anh Quềnh”.

Những ngày Hán Văn Tình nằm viện xạ trị và truyền hóa chất, vợ con anh tất bật chạy qua chạy lại giữa căn nhà tạm ở Từ Liêm và phòng bệnh của anh.

Chính vì lẽ đó, có đôi lúc, Hán Văn Tình phải nằm 1 mình ở bệnh viện. Căn bệnh quái ác hoành hành, cộng thêm những đợt truyền hóa chất khiến anh mệt mỏi.

Tới thăm Hán Văn Tình, chúng tôi thấy anh nằm ngủ thiêm thiếp trên giường bệnh nên không nỡ gọi. Đang định bước ra về thì 1 giọng nói rất nhỏ giữ chân chúng tôi: "Anh tôi ngủ rồi, các anh chị khe khẽ thôi, để anh tôi ngủ nhé!".

Nhìn quanh không thấy ai, chúng tôi chưa kịp ngạc nhiên thì giọng nói này lại cất lên: "Các anh chị tìm tôi phải không, tôi đang nằm cạnh anh Tình, tôi là em song sinh của anh ấy, mọi người cứ gọi tôi như thế. Thật ra, tôi là cái bóng của anh ấy!".

Thì ra, ánh nắng chiều chiếu qua khung cửa sổ của căn phòng, khiến chiếc bóng gầy còm của nghệ sĩ Hán Văn Tình đổ xuống song song với dáng nằm của anh trên giường bệnh. Có lẽ, vì buồn quá nên chiếc bóng quyết định trò chuyện với chúng tôi.

Xin lỗi, chúng tôi tới thăm nghệ sĩ Hán Văn Tình. Chúng tôi cũng muốn trò chuyện thêm với anh ấy về cuộc sống và công việc...

Thì tôi đã bảo tôi là em song sinh của anh ấy. Này nhé, từ lúc sinh ra cho tới tận bây giờ, lúc nào tôi cũng ở bên anh Tình. Các anh chị muốn biết gì về anh Tình, chẳng phải cứ hỏi tôi là ra hay sao?


Nghệ sĩ Hán Văn Tình trên giường bệnh.

Nghệ sĩ Hán Văn Tình trên giường bệnh.

Vâng ạ, cảm ơn bác. Nhưng thú thực là chúng tôi chẳng biết phải xưng hô như thế nào với bác cho phải?

Thì các anh cứ gọi tôi là em song sinh của anh Tình, gọi bác xưng tôi cũng được, có sao đâu? Tôi bằng tuổi anh Tình đấy.

Đừng tưởng tôi chỉ có hình dáng giống anh Tình, ngay cả tâm tư nguyện vọng của anh ấy như thế nào, tôi cũng nắm được cả. Đôi khi, vợ con anh ấy để anh ấy 1 mình, chứ tôi thì không bao giờ. Nên chuyện gì tôi cũng biết cả!

Các anh chỉ biết anh ấy là “Chu Văn Quềnh” bị ung thư chứ gì? Còn tôi á, tôi thì chỉ biết anh Hán Văn Tình nghệ sĩ cơ!

Bác nói chuyện vui quá! Chắc do bác được ở cùng “anh Quềnh” vui vẻ, hài hước nên cũng “bị lây” ạ?

Không hề nhé! Anh Tình trông thế thôi nhưng chất chứa không biết bao nhiêu là buồn lo. Mà thôi, tôi cũng chả muốn nhắc lại những nỗi buồn thường nhật hay chuyện cơm áo gạo tiền và bệnh tật của anh ấy.

Tính anh ấy cũng nghệ sĩ lắm! Người ta giúp đỡ, cho tiền cho quà nhiều, anh ấy ngại. Kể nghèo kể khổ, anh ấy không hài lòng đâu! Để tôi kể hầu anh về cái thời hoàng kim của anh tôi – nghệ sĩ Hán Văn Tình nhé!


Phòng ngủ của nghệ sĩ Hán Văn Tình.

Phòng ngủ của nghệ sĩ Hán Văn Tình.

Vâng, mời bác!

Năm 1973, anh Tình nhà tôi đậu vào trường đào tạo sân khấu ở Hà Nội. Ấy cũng là cái thời điểm mà Hà Nội đang phải hứng chịu những trận càn quét bằng bom B52 dữ dội của Mỹ.

Ngày ấy, chúng tôi đều còn trẻ, Từ Tam Nông, Phú Thọ lên Hà Nội, anh em tôi chân ướt chân ráo chẳng biết gì và cũng chẳng có gì.

Anh ấy chỉ có 1 đam mê duy nhất là được hát, được đứng trên sân khấu. Cái ước mơ này theo anh ấy từ những ngày còn chăn trâu cắt cỏ cơ.

Phận làm em, tôi chỉ biết lặng thầm đi theo anh ấy rồi vui cùng vui, buồn cùng buồn, đói no cùng chịu chứ cũng chẳng tham gia gì.

Thế rồi, vào trường, anh Tình vừa học văn hóa cấp ba, vừa học nghệ thuật sân khấu và được phân vào bộ môn Tuồng. Quả thực, lúc ấy anh Tình nhà tôi cũng chưa từng hát 1 câu Tuồng bao giờ, nhưng được hát, được diễn là vui rồi.

Thời ấy tuy nghèo khó, nhưng vui lắm! Nó cũng là cái thời hoàng kim nhất trong cuộc đời của nghệ sĩ Hán Văn Tình nhà tôi! Bởi vì cái thời ấy, người ta trọng vọng giới văn công, nghệ sĩ lắm!


Hán Văn Tình trên sân khấu Tuồng.

Hán Văn Tình trên sân khấu Tuồng.

Sau 4 năm học miệt mài, anh Tình nhà tôi ra trường và được phân về đoàn Tuồng Trung ương, nay là nhà hát Tuồng Việt Nam. Lương anh ấy ngày ấy có bao nhiêu đâu, tính bằng đồng bạc chứ chẳng có bạc trăm, bạc nghìn đâu!

Mỗi đêm diễn trên sân khấu rồi mỗi đêm diễn tỉnh, được bà con hào hứng vỗ tay, thấy khán giả kéo đến kín sân đã là 1 thứ “thù lao” không gì sánh nổi của anh ấy.

Bây giờ, nhắc lại quãng thời gian ấy, anh Tình sẽ tỉ mỉ kể cho anh nghe là tiền lương được mấy chục đồng, tiền “thanh sắc” được mấy đồng với đôi mắt sáng long lanh và nụ cười đầy hạnh phúc.

Xin lỗi bác, tiền “thanh sắc” là tiền gì ạ?

À, đó là 1 loại phụ cấp cho các diễn viên, nghệ sĩ ấy mà. Anh cứ hiểu đó là tiền đền bù cho việc anh phải thường xuyên bôi mặt để biểu diễn, phải thường xuyên hát hò đến cháy cả phổi trên sân khấu.

Vậy mà chỉ tính bằng đồng thôi đấy nhé! Nhưng anh Tình nhà tôi thì lại rất thích thú với món tiền nhỏ xíu ấy, thích thú hơn cả mấy chục đồng tiền lương. Vì cái khoản “tiền thanh sắc” ấy chính là khoản ghi nhận rằng anh ấy là 1 nghệ sĩ thực thụ.

Đấy, cả tháng trời miệt mài tập luyện rồi diễn xuất nhưng lương có mấy chục đồng. Vậy mà anh ấy vẫn vui, vẫn cười, vẫn cống hiến hết mình.

Thế nhưng mà, cũng buồn cười lắm anh ạ! Với cái ngoại hình đặc biệt của anh Tình nhà tôi, đến nay là hơn bốn chục năm theo nghiệp sân khấu, anh ấy toàn được giao vai phản diện.

Khi thì làm tướng giặc, khi lại làm kẻ phản phúc, lúc thì làm tên tham quan. Ngay cả khi sang đến điện ảnh, anh Tình nhà tôi cũng chẳng được làm “người tử tế”.


Dù trên sân khấu hay trong phim, Hán Văn Tình luôn được giao vai phản diện.

Dù trên sân khấu hay trong phim, Hán Văn Tình luôn được giao vai phản diện.

Có lẽ là vì thường xuyên vào những vai phản diện nên anh ấy chẳng được cái huy chương vàng nào cả, còn huy chương bạc thì nhiều lắm, tôi còn chẳng nhớ nổi là bao nhiêu cái.

Tại sao lại không có huy chương vàng nào ạ?

À thì bởi vì, khi đi hội diễn các nơi, người được chú ý nhiều nhất luôn là diễn viên chính, là cái ông cái bà nào đóng vai chính diện ấy chứ! Anh Tình chỉ làm vai phản diện thôi, xuất sắc đến mấy thì cũng… ở hàng thứ chính thôi mà!

Vâng, tôi hiểu rồi. Ham hát thế, chắc ở nhà anh Tình cũng hay cao hứng biểu diễn bác nhỉ?

Chưa bao giờ! Anh ấy chỉ hát ở sân khấu, hát trên cơ quan chứ chẳng bao giờ hát ở nhà. Không phải vì anh tôi thiếu chất “nghệ” hay không yêu đời đâu. Mà, anh biết đấy, mỗi ngày 8 tiếng trên cơ quan, anh Tình lo đủ thứ chuyện.

Mỗi đợt tập luyện, anh ấy về nhà cũng là lúc cổ họng khản đặc, thở không ra hơi. Về đến nhà anh ấy chỉ có thể lăn ra nghỉ lấy sức chứ còn hơi đâu mà hát nữa!

Chính tôi đây này, đã nhiều lần nhìn thấy anh ấy ôm ngực ho rũ rượi sau cánh gà sân khấu. Thương lắm! Nên chẳng bao giờ tôi yêu cầu anh ấy hát riêng cho mình nghe hay hát chơi bên ngoài cả.

Ấy thế mà, đời cũng bạc lắm anh ạ! Anh Tình tôi “bán phổi” cho sân khấu Tuồng, nhưng dần dần, sân khấu Tuồng lại ngày càng rơi vào quên lãng. Anh Tình lên đến trưởng đoàn, mà mức lương vẫn chấp chới đói no.

Thế mà anh ấy vẫn không bỏ nghề, vẫn ngày ngày căng phổi ra tập hát, tập diễn. Đến năm 1999, những cống hiến của anh tôi được công nhận.

Anh ấy đem về huy chương "Vì sự nghiệp sân khấu Việt Nam" do Hội nghệ sỹ sân khấu Việt Nam tặng. Vinh dự và tự hào lắm chứ! Nhưng cũng chẳng kém phần chua xót.

Rồi anh tôi bất ngờ được mời đóng phim, mà lại là phim nhựa cơ nhé! Đấy là bộ phim Canh bạc của đạo diễn Lưu Trọng Ninh, anh tôi vào vai lão trọc. Rồi liên tiếp sau đấy, anh ấy được mời vào các phim nổi tiếng như: Vụ áp phe Đông Dương, Đất và người…

Anh Tình ngày càng nổi tiếng, nổi tiếng hơn cả khi diễn Tuồng nữa. Nhưng, anh ấy vẫn chỉ được phân những vai phản diện mà thôi. Có lẽ là do ngoại hình, nhất là cái đầu trọc nên anh ấy chẳng thoát được "kiếp kép phụ".

Nghĩ cũng chua xót, bởi anh ấy theo nghề hát Tuồng hơn 3 phần tư cuộc đời, vậy mà chẳng ai nhớ mặt nhớ tên. Vì lên sân khấu, ai cũng phải bôi mặt, ai cũng chỉ được ghi nhận bằng giọng hát mà thôi!

Nhưng mà, nổi tiếng rồi cũng có lắm bi kịch nhé! Tôi kể anh nghe, chuyện này vừa buồn cười, lại vừa bực. Anh Tình tôi cứ ấm ức mãi chuyện này đấy!


Cận cảnh căn nhà tạm của gia đình nghệ sĩ Hán Văn Tình tại Phú Diễn.

Cận cảnh căn nhà tạm của gia đình nghệ sĩ Hán Văn Tình tại Phú Diễn.

Số là, khi chuyển từ khu tập thể Văn công Mai Dịch về Phú Diễn, Từ Liêm mà nay là quận Nam Từ Liêm ấy, anh Tình mua được 1 mảnh đất nho nhỏ và cất tạm 1 căn nhà để ở.

Thế là người ta cứ đồn ầm lên là "ông Tình nổi tiếng lắm, giàu lắm, mua mảnh đất này chỉ để đầu cơ, để ở cho vui như kiểu vui thú điền viên thôi chứ ông ấy có cả tá nhà đất ở các nơi cơ!".

Đâu ai biết rằng đây chỉ là đất tạm, nhà tạm thôi, mà cũng chẳng có sổ đỏ. Sống trên mảnh đất đó, gia đình anh tôi cứ lo ngay ngáy ngày bị giải tỏa ấy. Ấy thế mà lại còn bị đồn đoán này kia, đến chịu!

Anh tôi nghe vậy, thấy “oan ức” lắm! Nhưng cũng chẳng làm thế nào mà đi thanh minh được cả. Đấy, anh thấy không, đâu phải cứ nổi tiếng là hạnh phúc đâu anh!

Mãi đến khi anh tôi bị ung thư, người ta mới biết là anh ấy sống khó khăn như thế nào! Nhưng cũng may, anh Tình được khán giả thương, nên họ thường xuyên thăm hỏi, động viên và giúp đỡ rất nhiệt tình.

Anh Tình nhà tôi vẫn bảo, anh ấy sống bằng việc diễn Tuồng, nhưng lại được “ăn lộc” của điện ảnh. Cũng nhờ điện ảnh mà anh tôi mới được mọi người biết đến nhiều như vậy, được mọi người yêu thương giúp đỡ hết lòng trong những lúc bệnh tật, khó khăn.

Anh biết không, ngay cả lúc ốm đau, thiếu thốn nhất, anh Tình vẫn động viên cả nhà là: “Mình còn hạnh phúc hơn khối người đấy!”.

Và anh ấy nghĩ như thế thật! Vì anh bảo: “Còn được khán giả nhớ đến, được khán giả yêu thương giúp đỡ như vậy là may mắn rồi! Còn bệnh tật thì trời kêu ai người ấy dạ thôi, biết thế nào được mà buồn!”

Vâng, cảm ơn bác đã chia sẻ. Đúng là những chuyện này, không phải ai cũng biết.

Cũng là câu chuyện vui lúc rảnh rỗi thôi mà. Anh Tình cứ nằm thiêm thiếp, tôi cũng buồn nên tâm sự "kêu oan, kể khổ" với các anh cho nhẹ lòng.

Cuộc phỏng người em sinh đôi của Hán Văn Tình nằm trong Tuyến bài "PHỎNG VẤN GIẢ TƯỞNG" của Báo Trí Thức Trẻ, đăng mỗi tuần 1 bài.

Ở đây, bằng 1 hình thức phỏng vấn khác lạ, chúng tôi cố gắng truyền tải 1 góc nhìn đặc biệt về đời sống showbiz Việt vốn rất thị phi, góc khuất sau ánh hào quang lộng lẫy.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại