Người đứng sau công ty Trung Quốc “thuần hóa” Uber

Du Lam |

Từng tuyên bố "công ty Trung Quốc trên đất Trung Quốc không thể thua công ty ngoại quốc", Chang Wei - CEO Didi Chuxing - chính là người đã "thuần hóa" được Uber.

Chang Wei, 34 tuổi, từng là trợ lý giám đốc một công ty mat-xa chân. Mới đây, công ty anh đang làm việc – Didi Chuxing – đã thông báo mua lại Uber Trung Quốc trong một giao dịch có thể nâng giá trị vốn hóa lên tới 35 tỷ USD.

Các nhà đầu tư và nhân viên Didi đều nói Cheng có cái đầu lạnh, đôi mắt chiến lược và quên đi cái Tôi – tất cả đều quan trọng trong hành trình 2 năm cạnh tranh và đánh bại Uber trên thị trường gọi xe Trung Quốc đầy cạnh tranh.

Tuy nhiên, theo một số người quen của anh, phong cách lãnh đạo của Cheng cũng rất khốc liệt và nhuốm màu chủ nghĩa dân tộc. Anh thường liên hệ đến lịch sử và quân đội nước mình trong các bài phát biểu.

Cheng sẽ còn được quan sát tỉ mỉ hơn khi đảm nhận trọng trách đưa công ty làm ăn có lãi. Truyền thông Trung Quốc từng đưa tin người dùng và tài xế Didi lo sợ thế độc tôn của công ty đồng nghĩa với các chuyến xe đắt hơn và lương thấp hơn.

Hans Tung, đối tác tại quỹ GGV Capital, một trong những bên gây quỹ cho Didi, nhận định Cheng là một trong những CEO phát triển nhanh nhất mà ông từng chứng kiến. "Nếu không phải người giỏi nhất, chắc chắn cũng phải tốp 3".

Cheng, người ưa thích các gọng kính chữ nhật và áo polo, còn có đôi mắt nhìn người tài sắc sảo, chẳng hạn anh đã tuyển Jean Liu, cựu nhân viên môi giới được đào tạo tại nước ngoài, để quản lý quan hệ giữa Didi và các nhà đầu tư lớn như Alibaba, Tencent – vốn là đối thủ trên lĩnh vực Internet.

"Người ngoài nhìn vào có thể thấy con người này cực kỳ may mắn, nhưng mặt khác, anh ấy biết ai là người cần phải biết và ai là người có mối quan hệ tốt cũng như làm thế nào để họ làm việc với mình", một người đã cộng tác và cố vấn cho Cheng nhiều năm cho hay. "Đó là một nét cá tính độc đáo".

Người đứng sau công ty Trung Quốc “thuần hóa” Uber - Ảnh 1.

Chang Wei là CEO Didi Chuxing, công ty vừa thông báo mua lại Uber Trung Quốc

Cheng sinh năm 1983 tại một thị trấn nhỏ thuộc tỉnh Giang Tây. Khi đến kỳ thi tuyển sinh đại học, dù bị bệnh, anh vẫn đủ điểm đỗ vào Đại học Công nghệ Hóa học Bắc Kinh, theo Allen Zhu, Giám đốc quản lý quỹ đầu tư mạo hiểm GSR, một nhà đầu tư của Didi.

Tốt nghiệp ngành quản trị, Cheng nhận việc tại công ty chăm sóc sức khỏe nhưng sớm nhận ra không như những gì anh kỳ vọng. "Anh ấy là trợ lý Chủ tịch tại một công ty mat-xa chân. Anh ấy cho rằng nó không thú vị và sau khoảng 1 năm, nộp đơn vào Alibaba làm nhân viên kinh doanh".

Trong 6 năm, Cheng được thăng chức thành Giám đốc bán hàng khu vực phía Bắc Trung Quốc trước khi chuyển sang công ty thanh toán trực tuyến Alipay thuộc tập đoàn, nơi anh giữ vị trí quyền Tổng Giám đốc.

Năm 2012, Cheng thành lập công ty công nghệ Beijing Orange và ra mắt Didi Dache – nghĩa là "Beep Beep Call a Taxi", cái tên đầu tiên của dịch vụ gọi xe. Năm tiếp theo, Didi đối đầu lần đầu tiên với Uber nhưng giống như một kẻ bám đuôi hơn là đối thủ.

Đồng sáng lập kiêm Chủ tịch Uber Garrett Camp đang sống tại Trung Quốc vào thời điểm Didi gọi vốn vòng hai, theo ông Tung. "Tôi khuyến khích Uber đầu tư vào Didi vì Trung Quốc không phải thị trường dễ ăn nhưng còn quá sớm với Uber".

Thay vào đó, Tencent lại rót vốn cho Didi vào giữa năm 2013, khuấy đảo cuộc chiến với Kuaidi Dache, một startup gọi xe khác được Alibaba chống lưng. Hai bên đổ hàng trăm triệu USD vào việc trợ giá chuyến đi cho khách hàng và thưởng cho lái xe nhằm giành thị phần.

Đầu năm 2015, cuộc chiến kết thúc bằng cuộc sáp nhập hai công ty thành Didi Kuaidi, sau đó đổi thành Didi Chuxing như hiện nay. "Đó là một cuộc đấu khó khăn nhưng cũng là một trong những điều phi thường về Cheng: khi đến thời điểm để giao dịch, anh ấy rất thực tế", cố vấn của Cheng hồi tưởng.

Tiếp theo, Uber nhanh chóng giành lại cuộc chơi tại Trung Quốc sau khi nhận được khoản tiền lớn từ Baidu, một trong ba gã khổng lồ Internet, vào cuối năm 2014. Song, hai bên lại vào thế giằng co khi Didi được Apple rót tới 1 tỷ USD.

Với Cheng, người cũng ngồi trong ban quản trị Uber, "anh ấy luôn miệng nói các công ty Internet Trung Quốc trên đất Trung Quốc không được để thua vào tay một công ty ngoại và Didi sẽ không là người đầu tiên thua cuộc", một cựu nhân viên giấu tên của Didi tiết lộ.

Cheng cổ vũ nhân viên bằng các bài hát yêu nước, chẳng hạn bài Jingzhong Baoguo, nói về người bảo vệ Trung Quốc trong thời gian chiến tranh. Hans Tung nói Cheng là một người mang tính cách mạnh mẽ, hoang dại, khi nhìn vào, mọi người sẽ nghĩ đây là người tôi có thể gắn bó vì anh ta sẽ chăm sóc và dẫn dắt chúng ta làm nên lịch sử.

"Nó không phải về thuật toán, dữ liệu hay mô hình kinh doanh. Nó mang tính con người nhiều hơn".

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại