Ông chủ Uber: “Con sói cô độc” nhưng bất bại và hành trình đưa công ty từ số 0 đến cột mốc 70 tỷ USD

Nguyễn Nguyễn |

Travis Kalanick, 40 tuổi, đồng sáng lập kiêm CEO của Uber, nổi tiếng với sự nhiệt huyết, mạnh mẽ, hiếu chiến, rắn rỏi đầy ma mãnh. Chính những cá tính ấy đã khiến doanh nhân này trở thành cái tên sáng giá nhất thung lũng Silicon.

Travis Kalanick từng chia sẻ: “Trong giới doanh nhân có một loại gọi là sói cô độc và đó chính là tôi”.

Con đường không trải hoa hồng khi xây dựng đế chế Uber

Theo Economist.com, kể từ khi ra đời, Uber đã thu hút 18 tỉ USD qua các vòng gọi vốn, được định giá lên đến 70 tỉ USD. Uber xuất tại 72 quốc gia, hơn 425 thành phố, mỗi tháng có khoảng 30 triệu người dùng. Doanh thu ròng năm 2016 ước đạt 4 tỷ USD, gấp đôi năm 2015.

Trước khi đứng trên bục vinh quang thành công, xếp thứ 8 trong danh sách “10 CEO quyến rũ nhất thế giới”, vị doanh nhân tự nhận mình là “con sói đơn độc” này đã trải qua hai lần khởi nghiệp thất bại.

Khi còn là sinh viên ngành kĩ sư máy tính tại đại học Los Angeles, Kalanick cùng với Micheal Todd và Vince Busam thành lập Scour.com. “Tiếp nối truyền thống bỏ học” của nhiều nhân vật tài năng như Bill Gates, Mark Zuckerberg, Travis Kalanick cũng rời ghế giảng đường vào năm 1998 để toàn tâm toàn ý gây dựng “đế chế” đầu tiên của mình.

Dự án Scour là hệ thống chia sẻ dữ liệu trực tuyến thu hút hàng triệu người sử dụng và điều đó đồng nghĩa với việc khiến các “ông lớn” trong ngành công nghiệp giải trí bắt đầu “chướng tai gai mắt”.

Những doanh nghiệp này đệ đơn kiện chống lại Scour, buộc công ty phải dừng hoạt động và bồi thường 250 tỷ USD. Đứng trước tình hình diễn biến căng thẳng, Kalanick buộc đệ đơn phá sản vào năm 2000.

Không nản chí, Todd và Kalanick tiếp tục thành lập dịch vụ chia sẻ file mới- Red Swoosh với đội ngũ nhân viên từ chính Scour. Kalanick gọi đây là "sự kinh doanh trả thù". Dịch vụ của công ty lần này hợp pháp, tuy nhiên một số hoạt động thì gặp “vấn đề”.

Sở thuế Mỹ (IRS) phát hiện Red Swoosh gian lận trong việc nộp thuế thu nhập cho nhân viên. Vụ việc này do người đồng sáng lập Todd gây ra, Kalanick không hề hay biết. Nhóm sáng lập cuối cùng phải trả 110.000 USD cho IRS để tránh khỏi ngồi tù.

Từ đó, nội bộ công ty chia rẽ; đến năm 2007, Kalanick đành phải bán “đứa con thứ 2” cho gã khổng lồ máy chủ - Akamai với giá 19 triệu USD.

Sau đó, người đàn ông mạnh mẽ này thiết lập quan hệ với Chris Sacca - cựu nhân viên Google, nhà tỷ phú đầu tư và là người góp vốn sáng lập Uber, Tony Hsieh - CEO của hãng bán lẻ giày trực tuyến lớn nhất thế giới Zappos và người đồng sáng lập Twitter- Ev Williams.

Ông chủ Uber: “Con sói cô độc” nhưng bất bại và hành trình đưa công ty từ số 0 đến cột mốc 70 tỷ USD - Ảnh 1.

Travis Kalanick - CEO Uber, một trong những cái tên "đắt giá" nhất tại thung lũng Silicon.

Năm 2008, trong một cuộc hội thảo công nghệ, Kalanick đã có cuộc gặp định mệnh với người sáng lập StumbleUpon - Garrett Camp. Thời điểm đó, Camp cũng vừa bán đi “tâm huyết” của mình cho Ebay với giá 75 triệu USD và đang “chìm trong tiền mặt” như Kalanick.

Camp đã chia sẻ với với Kalanick ý tưởng về loại hình dịch vụ xe hơi sang trọng với mức giá phải trả chưa đến 800 USD. Cả hai đều cảm thấy hứng thú với dự án này nhưng Kalanick thừa nhận ông không muốn quan tâm đến việc kinh doanh sau thất bại từ 2 lần trước đó. Cuối cùng, Camp đã thuyết phục được ông và Uber ra đời một năm sau đó.

Năm 2010, Uber xuất hiện lần đầu tiên tại San Francisco với số vốn ban đầu 1.25 triệu USD. Tháng 12 năm đó, Kalanick trở thành CEO Uber.

Ban đầu, Uber chỉ hoạt động với dòng xe cao cấp; tuy nhiên, khi tầm nhìn thay đổi, họ mở rộng hình thức sang tất cả các loại xe, trở thành dịch vụ taxi theo yêu cầu thông qua một ứng dụng trên điện thoại thông minh.

Mặc dù đối mặt với nhiều đối thủ và trở ngại nhưng tính cách kiên cường, bền bỉ của Kalanick đã khiến Uber len lỏi trong mọi ngõ ngách từ thành phố này đến thành phố khác.

Một vài năm qua, công ty này đã phải giải quyết nhiều vụ kiện tụng, đình công, tranh cãi với những tài xế chỉ làm hợp đồng và không phải nhân viên chính thức. Uber cũng chứng kiến sự nổi lên của nhiều đối thủ cạnh tranh như Lyft. Tuy nhiên, Kalanick không bao giờ chịu khuất phục và Uber ngày càng phát triển.

Travis Kalanick - doanh nhân với cá tính “gai góc”, hiếu chiến và không sợ thay đổi

Quay trở lại với Scour, khi số đơn kiện ngày một chồng chất lên, Kalanick thực sự căng thẳng nhưng bản lĩnh bán hàng không cho phép ông chịu khuất phục. Kalanick ôm điện thoại hàng giờ, thậm chí qua đêm để nói chuyện với đối tác, cứu vãn tình thế.

Chia sẻ tại hội thảo Failcon 2011, CEO bản lĩnh này phát biểu: "Hàng ngày, tôi cố gắng gọi điện thoại cho các đối tác nói về những chiến lước của công ty để tạo doanh thu.

Những cuộc nói chuyện dài đến mức tôi không muốn bước ra khỏi giường vào sáng hôm sau. Tôi tự thuyết phục bản thân rằng mình rất tự tin bởi nếu để tâm trạng thất bại chế ngự, nó sẽ hạ gục bạn”.

Tính cách của ông chủ được phản ánh qua chính hiện thân của Uber: càng nhiều sóng gió, Uber càng tồn tại và phát triển nhanh chóng trên khắp mọi nơi.

Gần đây, Kalanick không ngại đưa ra quyết định thay đổi logo của hãng này, từ biểu tượng chữ U quen thuộc sang hình ảnh chìa khóa và ổ khóa. Hình thức Logo mới của Uber đã dậy lên làn sóng tranh cãi trong cộng đồng mạng.

Trước phản ứng của khách hàng, Kalanick vẫn quả quyết sự thay đổi này là hoàn toàn cần thiết bởi: “Khi mới bắt đầu, mục đích của chúng tôi là hướng vào đối tượng khách hàng cao cấp, sử dụng dòng xe đen sang trọng Mercedes S class. Bạn chỉ cẩn bấm nút và chiếc xe đẳng cấp sẽ xuất hiện.

Ngày nay, quy mô của Uber đã vươn mình ra thế giới, hãng không chỉ dừng lại ở phân khúc cao cấp với dòng xe sang trọng mà còn mở rộng đến loại hình xe lam (loại xe 3 bánh, không cửa, không điều hòa) tại Ấn Độ.

Khi thâm nhập vào các thị trường mang đặc tính khác nhau, việc đổi mới bộ nhận dạng thương hiệu để dễ dàng tiếp cận với người dân địa phương là vô cùng quan trọng. Chữ “U” không mang ý nghĩa trong tiếng Phạn cũng như tiếng Trung Quốc”.

Với lực lượng lái xe đông đảo nhưng Kalanick mong chờ Uber sẽ thay đổi phương thức hoạt động trong tương lai bằng loại xe tự lái. Cho dù hình thức hoạt động này vẫn còn khá xa vời nhưng nhìn xa trông rộng bao giờ cũng đem lại kết quả tốt.

Những sự việc trên chứng tỏ cá tính quả quyết, đổi mới, luôn dám thay đổi của Kalanick để phù hợp với sự phát triển của xã hội. Nhà đầu tư huyền thoại Mark Cuban, người từng đầu tư vào Uber cho biết trên Business Insider: "Travis là một người thông minh, chăm chỉ và là nhà khởi nghiệp thực sự. Không còn từ ngữ nào có thể chính xác hơn nữa khi nói về Travis”.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại