Người dân châu Âu biểu tình vì chi phí sinh hoạt leo thang sau các lệnh trừng phạt

Đình Nam |

Bất bình vì chi phí sinh hoạt tăng vọt, người dân tại nhiều quốc gia châu Âu cuối tuần qua đã xuống đường, đình công và đòi tăng lương.

Người biểu tình tại Pháp phản đối giá cả sinh hoạt tăng cao hôm 16/10 (Ảnh: Reuters).

Người biểu tình tại Pháp phản đối giá cả sinh hoạt tăng cao hôm 16/10 (Ảnh: Reuters).

Nhiều cuộc biểu tình lan rộng, tiềm ẩn nguy cơ bất ổn, đòi hỏi chính phủ các nước phải nhanh chóng tìm cách điều chỉnh chính sách phù hợp bất chấp việc phải “thắt lưng, buộc bụng” để trừng phạt Nga.

Hôm qua (16/10), hàng nghìn người dân Paris đã xuống đường phản đối tình trạng giá cả leo thang tại Pháp. Tình trạng này diễn ra trong bối cảnh các cuộc đình công của nhân viên các nhà máy lọc dầu Pháp chưa được giải quyết, khiến nhiều điểm bán xăng dầu tại Pháp bị đóng cửa, dẫn đến sự khan hiếm gây bất bình cho người dân:

“Tôi ở đây vì tình trạng lạm phát quá cao ở Pháp và châu Âu. Điều cần thiết là người lao động, trong đó có tôi, phải được bồi thường và hỗ trợ. Chúng tôi cần được tăng lương. Vì giá năng lượng bùng nổ, giá thực phẩm leo cao. Bao giờ chúng tôi mới thoát được tình cảnh này với tốc độ lạm phát hiện nay?”

“Tôi muốn mọi người đối thoại để giải quyết vấn đề. Đơn giản là cuộc sống của mọi người cần được cải thiện. Chỉ đơn giản như vậy”.

Tình trạng giá cả leo thang cũng đã khiến sức mua tại Pháp giảm mạnh nhất trong 40 năm. Các nghiệp đoàn tại Pháp tiếp tục kêu gọi một cuộc tổng đình công và biểu tình lớn vào ngày mai (18/10) để phản đối việc chính phủ Pháp chưa giải quyết được quyền lợi của người dân, lao động. Điều này có thể sẽ ảnh hưởng lớn đến các hoạt động giao thông đường bộ, đường sắt và lĩnh vực công.

Cùng chung tình cảnh như người dân Pháp, hàng nghìn người ở Marid, Tây Ban Nha - hàng trăm người tại Rome, Italy cũng xuống đường cuối tuần để phản đối tình trạng giá khí đốt, giá điện tăng cao . Người biểu tình Italy, Tây Ban Nha yêu cầu cắt giảm các hóa đơn, tăng tiền lương và phúc lợi xã hội lớn hơn để bảo vệ các hộ gia đình trước tác động của giá năng lượng tăng cao.

Còn tại Đức, trước cuộc khủng hoảng năng lượng, lạm phát, Thống đốc bang Bavaria – ông Markus Soder cảnh báo các cuộc khủng hoảng có thể khiến chủ nghĩa cực đoan gia tăng ở nước này, đòi hỏi các đảng chính trị hợp tác nhiều hơn nữa để ngăn chặn. Theo ông, hiện những nỗi sợ hãi và một tương lai không chắc chắn là những yếu tố kích động những kẻ cực đoan. Do đó, giới chức nước này cần có lập trường rõ ràng, ít tranh cãi hơn về các chính sách năng lượng và động viên dân chúng.

Trong khi đó, tại Romania, việc sử dụng than đá lại được phát triển trở lại, bất chấp sự phản đối của các nhà hoạt động chống biến đổi khí hậu.

Hiện các kho dự trữ khí đốt tại châu Âu đầy hơn bình thường, nhập khẩu khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) luôn được ưu tiên, nhưng nếu thời tiết thêm lạnh hoặc tình trạng mất điện kéo dài, tình hình tại khu vực có thể trở nên nghiêm trọng hơn, khiến người dân “không thể không lo lắng”.

Theo nhà phân tích Francisco Blanch tại Bank of America, việc bình thường hóa giá khí đốt ở châu Âu có thể mất từ 5 đến 10 năm và khu vực này sẽ phải tiếp tục trả tiền nhiều tiền hơn để mua khí đốt, đồng thời cần cầu nguyện cho thời tiết ấm hơn vào mùa đông tới./.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại