Người phụ nữ khiến cả Liên Xô "dậy sóng", Bộ chính trị phải họp bất thường 2 ngày là ai?

Phan Việt Hùng |

Vào tháng 3/1988, bài báo-bức thư của một phụ phụ nữ đã khiến Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Liên Xô phải họp trong 2 ngày liền, dưới sự chủ trì của Gorbachev, để bàn cách trả lời.

"Tuyên ngôn của lực lượng chống lại cải tổ"

30 năm trước đây, vào ngày 13/3/1988, Nina Aleksandrovna Adreevna, PTS khoa học, giảng viên Trường Đại học công nghệ Leningrad - người phụ nữ kiên trung với đường lối Xã hội chủ nghĩa - đã làm "nổi sóng" dư luận Liên Xô khi đã viết một bức thư đăng trên báo Nước Nga Xô viết với tiêu đề "Tôi không thể từ bỏ các nguyên tắc".

Trong bức thư của mình, Nina Adreevna đã thể hiện quan điểm không đồng tình với trào lưu của báo chí thời đó phê phán CNXH, xét lại và phê phán đường lối lãnh đạo của I. Stalin. Nữ giảng viên đại học 50 tuổi này báo động những kẻ theo Chủ nghĩa tự do xã hội cánh tả đang muốn xuyên tạc lịch sử của CNXH.

Bức thư ngay lúc đó đã được dư luận gọi là "Tuyên ngôn của lực lượng chống lại cải tổ". Nó có sức mạnh làm lung lay đường lối cải tổ mà Mikhail Gorbachev đã khởi xướng từ năm 1985 với khẩu hiệu dân chủ, công khai.

Bất ngờ với hiệu ứng của bức thư, Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Liên Xô đã phải họp hai ngày 23 và 24/3, để có thể phản hồi với nhà giáo đến từ Leningrad. Báo Luận chứng và sự kiện cho biết chính Aleksandr Yakovlev (Bí thư Trung ương Đảng, "kiến trúc sư của công cuộc cải tổ") đã đề nghị triệu tập cuộc họp bất thường này.

Chủ trì của cuộc họp hai ngày đó là Gorbachev. Ủy viên Bộ chính trị, Bộ trưởng Quốc phòng, nguyên soái Dmitry Timofeyevich Yazov sau này nhớ lại ngày đầu tiên của phiên họp:

"Trong vòng một tiếng rưỡi, chúng tôi phải nghe bài độc thoại của Tổng bí thư Gorbachev, tập trung vào Stalin. (Ông ta chỉ nói về) các cuộc đàn áp, còn với chiến thắng trong Chiến tranh Vệ quốc Vĩ đại, thì ông ta như muốn phủ nhận kỳ công vĩ đại của nhân dân Liên Xô, như kiểu chiến thắng tự thân nó đến".

Người phụ nữ khiến cả Liên Xô dậy sóng, Bộ chính trị phải họp bất thường 2 ngày là ai? - Ảnh 1.

Bà Nina Adreevna cuối thập niên 80.

Kết quả sau 2 ngày thảo luận của Bộ Chính trị, Yakovlev đã viết một bài báo có tiêu đề "Những nguyên tắc của cải tổ: Tính cách mạng của tư duy và hành động", đăng trên báo Sự thật ngày 5/4/1988. Trong bài báo, kiến trúc sư cải tổ Yakovlev gọi bức thư của Nina Adreevna là "Tuyên ngôn của lực lượng chống lại cải tổ".

Trong một cuộc phỏng vấn báo Luận chứng và sự kiện ngày 13/3/2013, kỷ niệm 25 năm bức thư làm chấn động dư luận Liên Xô, bà Nina cho biết:

"Nếu như thời gian có quay trở lại, tôi vẫn sẽ hành động như thế".

Bà Nina Adreevna nhắc lại những sự kiện chứng tỏ Gorbachev đã có tư tưởng "đổi màu". Đó là năm 1987, tại kỳ họp của Liên hợp quốc, Gorbachev đã giải nghĩa tên viết tắt của Liên Xô là CCCP (Сою́з Сове́тских Социалисти́ческих Респу́блик - Liên bang Cộng hòa XHCN Xô viết) thành Liên bang các nước cộng hòa Xô viết có chủ quyền (Союз Советских Суверенных Республик). Ông ta đã loại bỏ từ quan trọng nhất, đó là Xã hội chủ nghĩa.

Tiếp theo, tại Hội nghị Trung ương Đảng mùa hè 1987, Gorbachev đã tuyên bố nhiệm vụ của cải tổ là "... Nhổ cái cây cũ, cày đất, gieo hạt và thu hoạch". Vị lãnh đạo Liên Xô thời điểm đó đã diễn tả rất rõ ràng mục đích của mình.

"Tôi hiểu rằng Gorbachev đã đặt cho mình nhiệm vụ triệt tiêu CNXH. Lịch sử đã chứng minh những lo lắng của tôi khi đó" - Bà Nina nói.

Hành động sớm nhất để ngăn Liên Xô sụp đổ

Về phản ứng của dư luận, Nina Andreevna cho biết sau khi báo Nước Nga Xô viết đăng bức thư, xã hội Xô viết liền phân chia thành 2 luồng ý kiến rõ rệt: Một bên muốn bảo vệ chế độ XHCN, còn phía bên kia thì muốn xóa bỏ tất cả những gì liên quan đến thời kỳ Xô viết.

Người phụ nữ khiến cả Liên Xô dậy sóng, Bộ chính trị phải họp bất thường 2 ngày là ai? - Ảnh 2.

Đã có 800 tờ báo in lại bức thư nổi tiếng của Nina Adreevna.

Trở thành "người nổi tiếng" toàn Liên Xô với lập trường kiên định của người cộng sản (bà vào Đảng năm 1966), Nina không ngờ bà phải chịu những thiệt thòi trong cuộc sống. Hiệu trưởng Trường Đại học công nghệ Leningrad đã cho bà nghỉ việc. Những bức thư đe dọa được gửi đến. Ngoài đường, có những "kẻ lạ mặt" đến sấn sổ chửi mắng và đe dọa.

Không sợ hãi, người nữ đảng viên này đã đứng ra thành lập tổ chức "Thống nhất vì chủ nghĩa Lenin và tư tưởng cộng sản" vào tháng 5/1989. Trên cơ sở tổ chức này, tháng 11/1991, Đảng cộng sản Bolshevik toàn Liên bang ra đời.

Nhân kỷ niệm 30 năm ngày bức thư làm rúng động Liên Xô thời cải tổ, tiến sĩ khoa học lịch sử Vyacheslav Tetyokin đã gọi đây là một trong những hành động rõ ràng nhất, sớm nhất nhằm ngăn chặn sự sụp đổ của Liên bang Xô viết.

Tiến sĩ Tetyokin, trong phỏng vấn của tờ nakanune.ru, nhận xét:

"Bức thư của Nina Adreevna là sự phản ánh gián tiếp của cuộc đấu tranh giữa hai nhóm trong giới lãnh đạo Liên Xô: nhóm của Gorbachev (Gorbachev, Yakovlev, Shevarnandze) có xu hướng đưa đất nước ra khỏi con đường XHCN. Nhóm khác, mà người tiêu biểu là Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Nikolai Ryzhkov".

Cũng theo Tetyokin, "nhóm Gorbachev" sau khi đọc bài báo này của nữ giáo viên từ Leningrad đã cảm thấy đôi chút chột dạ. Họ đã đọc "giữa những dòng chữ" những gì mà Nina Andreevana đã viết, hay muốn thể hiện, và biết rằng kế hoạch của họ đã bị đảo lộn, khi nhân dân đã biết rõ những gì họ đang tiến hành. Bức thư-Bài báo của Nina sau đó đã được 800 tờ in lại.

"Trung ngôn nghịch nhĩ", những lời nói thật thường hay làm mất lòng.

Là một đảng viên cộng sản chân chính, Nina Aleksandrovna Adreevna đã dũng cảm làm lung lay cái gọi là "chương trình cải tổ" của Gorbachev như thế đó.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại