Ngược dòng lịch sử Mỹ-Triều: 25 năm đấu trí và cuộc đối đầu 72-34 sẽ kết thúc ra sao?

Nhà báo Kiều Tỉnh |

CSIS cho rằng nguyên tắc “đối thoại đối đầu đối thoại”, “chiến tranh đối đầu chiến tranh” dường như không thay đổi từ năm 1990 tới nay trong quan hệ Mỹ - Triều Tiên.

Thông báo của hai nước Mỹ và Triều Tiên cho biết cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ - Triều sẽ diễn ra vào lúc 09h00 sáng ngày 12/6 (giờ địa phương). Cả hai bên đều đánh giá đây là cuộc gặp lịch sử, tuy nhiên kết quả cụ thể ra sao thì chưa thể biết trước. Bởi lẽ nhìn lại lịch sử quan hệ Mỹ - Triều từ năm 1990 tới nay vẫn tiềm ẩn nhiều vấn đề.

Trước đó, dư luận thế giới đều sửng sốt chứng kiến sự thay đổi chính sách của hai nước Mỹ - Triều “quay như chong chóng” trong thời gian vừa qua. Ngày 16/5, hãng thông tấn Triều Tiên KCNA đưa ra cảnh báo có thể ngừng hội đàm cấp cao Triều – Mỹ dự kiến diễn ra vào ngày 12/6 do Mỹ và Hàn Quốc tiến hành tập trận quy mô lớn nhằm vào Triều Tiên.

Thứ trưởng Ngoại giao Triều Tiên Kim Kye-gwan nói Triều Tiên “không có chút hứng thú” và “buộc phải xem xét lại liệu có nên tổ chức đối thoại thượng đỉnh Triều Mỹ”.

Lập tức, ngày 24/5/2018, trong thư gửi nhà lãnh đạo Kim Jong-un, Tổng thống Donald Trump tuyên bố “hủy bỏ gặp gỡ, vì phía Triều Tiên phát biểu những lời lẽ thù địch và tức giận với Mỹ”, hơn nữa cho rằng “ông Kim Jong-un bị Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tác động”.

Ngược dòng lịch sử Mỹ-Triều: 25 năm đấu trí và cuộc đối đầu 72-34 sẽ kết thúc ra sao? - Ảnh 1.

Tổng thống Trump đang bước gần tới thời khắc lịch sử khi tiến hành hội đàm với nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un. Ảnh: AP

Tuy nhiên, sau phản ứng nhã nhặn của Triều Tiên, ngày 25/5, ông chủ Nhà Trắng lại để ngỏ khả năng cuộc hội đàm vẫn có thể diễn ra như dự kiến khi tuyên bố: "Chúng ta hãy chờ xem điều gì sẽ xảy ra. Chúng ta hiện giờ đang đối thoại với họ. Hội nghị Mỹ-Triều có thể vẫn diễn ra vào ngày 12/6. Tôi mong muốn làm điều đó".

Đến ngày 31/5, TT Donald Trump còn đăng tải dòng tweet thông báo về kết quả tốt đẹp trong cuộc gặp giữa Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo và sứ giả cấp cao của Triều Tiên - ông Kim Yong-chol.

Theo dự kiến, hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều được ấn định tổ chức tại khách sạn Capella trên đảo Sentosa, lúc 9 giờ sáng ngày 12/6.

Mâu thuẫn và khác biệt

Sự thay đổi thái độ của hai nhà lãnh đạo, khiến dư luận hoài nghi về kết quả gặp gỡ thượng đỉnh sắp tới. Bởi lẽ nhìn lại lịch sử quan hệ hai nước từ năm 1990 tới nay, cho thấy mâu thuẫn hai nước tích tụ từ lâu, nhiều vấn đề tiềm ẩn.

Trung tâm nghiên cứu quốc tế và chiến lược Mỹ (CSIS) đã tập hợp tư liệu quan hệ hai nước 25 năm qua về “Đối thoại và khiêu khích” (25 Years of Negotiations and Provocations: North Korea and the United States), có một số nét nổi bật sau:

Thời kỳ cố Chủ tịch Kim Nhật Thành (Kim Il-sung) nắm quyền từ năm 1990 – 1994 , hai bên đã tiến hành tới 25 lần đàm phán, trong đó đàm phán đa phương 9 lần, đàm phán song phương 16 lần, đồng thời hai bên có 10 lần khiêu khích.

Thời kỳ ông Kim Jong-il nắm quyền từ 1994 tới tháng 11/2011, hai nước đã tiến hành đối thoại 175 lần, trong đó đàm phán đa phương 82 lần, đàm phán song phương 93 lần, đồng thời hai bên cũng có tới 68 lần có hành động khiêu khích.

Thời kỳ ông Kim Jong-un nắm quyền ( từ năm 2012 tới nay), hai bên có 2 lần đối thoại và có tới 80 lần khiêu khích. Về “khiêu khích” có cấp độ khác nhau như đưa binh lính thâm nhập trên bộ, tàu chiến thâm nhập bờ biển, giao chiến bắn pháo, tiến hành diễn tập quân sự, phóng tên lửa đe dọa và mức cao nhất là tiến hành thử vũ khí hạt nhân và phóng tên lửa tầm xa.

Ngược dòng lịch sử Mỹ-Triều: 25 năm đấu trí và cuộc đối đầu 72-34 sẽ kết thúc ra sao? - Ảnh 2.

Sau nhiều phát ngôn đối đầu, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đã quyết định tới Singapore để gặp gỡ Tổng thống Mỹ.

Đặc điểm diễn biến tình hình quan hệ hai nước có một số điểm nổi bật như sau:

Một là, trong tình hình bình thường thì “hòa hoãn và đối lập” cứ sau 1 tháng lại lặp lại vòng như trên.

Hai là, thời kỳ ông Kim Nhật Thành nắm quyền, đối thoại là chủ yếu, nhiều hơn khiêu khích, nhưng thời kỳ ông Kim Jong-un thì khiêu khích là chủ yếu.

Ba là, Triều Tiên thường hòa dịu và chấp nhận đối thoại hầu hết do tình hình trong nước nhiều khó khăn, như nguy cơ khủng hoảng kinh tế.

Ông Hwang Jang-yop, cựu Chủ tịch Quốc hội Triều Tiên năm 1997 chạy trốn sang Hàn Quốc, và ông Thae Yong Ho, cựu quan chức ngoại giao Triều Tiên tại Anh chạy trốn sang Hàn Quốc vào năm 2016 đều cho rằng, lần thử vũ khí hạt nhân đầu tiên vào tháng 3/1993 làm quan hệ Triều – Mỹ trở nên nghiêm trọng, Triều Tiên tuyên bố đất nước nằm trong tình trạng thời chiến.

Ngược dòng lịch sử Mỹ-Triều: 25 năm đấu trí và cuộc đối đầu 72-34 sẽ kết thúc ra sao? - Ảnh 3.

Nhưng năm 1994 tình trạng nạn đói xảy ra ở Triều Tiên nên nước này chấp nhận hòa dịu và tiến hành gặp gỡ với Tổng thống Hàn Quốc cũng như cựu Tổng thống Mỹ Jimmy Carter, đồng thời hai bên đã ký “Hiệp định khung Geneve” nhằm giảm căng thẳng trong quan hệ.

Trung tâm nghiên cứu quốc tế và chiến lược Mỹ (CSIS) cho rằng nguyên tắc “Đối thoại đối đầu Đối thoại”, “Chiến tranh đối đầu Chiến tranh” dường như không thay đổi từ năm 1990 tới nay.

CSIS cho rằng từ Thời Tổng thống H. W. Bush tới các đời Tổng thống Bill Clinton, George W. Bush, Barack Obama, thậm chí có thể cả ông Trump nữa đều không rút ra được bài học kinh nghiệm trong ứng xử với Triều Tiên nên cứ lặp lại vết xe đổ trước đây, từ đó không thể dứt điểm giải quyết.

Đối thoại Mỹ - Triều lần này có một số điểm khác với những lần trước như:

Một là, cấp độ gặp gỡ cao nhất, phía Mỹ là Tổng thống đương nhiệm, phía Triều Tiên là nhà lãnh đạo đương nhiệm. Những lần trước chỉ có cựu Tổng thống Mỹ Jimmy Carter, còn lại là Ngoại trưởng và quan chức cấp thấp hơn.

Hai là, phía Mỹ, đích thân Tổng thống Trump chủ động trực tiếp tiến hành thương lượng trao đổi gặp gỡ mà không cần thông qua trung gian như sự trợ giúp của Hàn Quốc hay của Trung Quốc.

Ba là, địa điểm ở nước thứ ba, chứ không phải ở Thủ đô Bình Nhưỡng hay ở Bàn Môn Điếm, biên giới liên Triều.

Bốn là, về chênh lệch về tuổi tác giữa hai nhà lãnh đạo rất lớn, ông Trump năm nay 72 tuổi, còn ông Kim Jong Un được cho khoảng 34 tuổi. Tuy nhiên cả hai đều rất có cá tính mạnh mẽ, cứng rắn, khác biệt so với tất cả những người tiền nhiệm ở hai nước.

Với cá tính mạnh mẽ của cả hai nhà lãnh đạo, dư luận khó có thể dự đoán kết quả cuộc gặp sắp tới ra sao.

Năm là, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in cũng như Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đều đóng vai trò quan trọng chắp nối cho cuộc gặp gỡ thượng đỉnh này./.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại