Quân đội các quốc gia trên thế giới luôn có nhu cầu mua sắm trang bị các phương tiện vận chuyển hàng hóa phục vụ hậu cần với những tiêu chí như khả năng offroad tốt, sức tải lớn, độ an toàn cao và giá thành hợp lý.
Nắm bắt xu thế trên, hãng Scania đã tung ra thị trường một mẫu xe đầu kéo có tên gọi Carapace dành riêng cho việc vận chuyển nhiên liệu dễ cháy nổ (xăng, dầu), kèm theo những công nghệ thông minh giúp việc bảo vệ các chuyến hàng trên các chiến trường trở nên dễ dàng hơn bao giờ hết.
Xe đầu kéo quân sự Scania Carapace của quân đội Pháp tại Eurosatory 2016
Không chỉ thành công lớn ở mảng xe tải hạng nặng thương mại, đồng thời là đối thủ nặng ký của hãng Volvo tại quê nhà Thụy Điển, Scania tiếp tục lấn sân sang thị trường xe tải quân sự, với những ưu thế sẵn có, họ đã cho ra đời nhiều sản phẩm ưu việt mà gần đây nhất là mẫu xe đầu kéo Scania Carapace.
Được phát triển dựa trên xe tải thương mại Scania P440 từ năm 2010, nó chính thức vào biên chế trong năm 2013. Đã có khoảng 34 chiếc được sản xuất và phục vụ trong quân đội Pháp với phiên bản cấu hình 8x6.
Động cơ diesel V8 16 lít 440 mã lực được Scania thiết kế chuyên biệt dành cho dòng xe đầu kéo quân sự
Với vai trò một cỗ xe hạng nặng và có khả năng hoạt động 24/24, nhà sản xuất đã trang bị cho Carapace "trái tim" mạnh mẽ là động cơ diesel turbo tăng áp Scania V8 dung tích 16 lít, đạt công suất 440 mã lực với tiêu chuẩn khí thải EURO 5, giúp xe phát huy sức mạnh khi hoạt động trên những cung đường lầy lội hay sa mạc khắc nghiệt.
Xe đầu kéo quân sự Scania Carapace của quân đội Pháp
Rơ mooc của Carapace là loại chuyên dụng với 4 lốp chịu tải dành cho việc vận chuyển nhiên liệu. Bồn chứa có dung tích 22.000 lít (tương đương 22 tấn) được chế tạo bởi sự hợp tác giữa Desautel và Maisonneuve. Loại rơ mooc này có hệ thống bơm cao áp nhằm rút ngắn thời gian nạp nhiên liệu, để kịp thời đáp ứng các nhiệm vụ khẩn cấp trên chiến trường.
Carapace có độ an toàn cháy nổ cao
Tương
tự như cabin của P440, Scania đã gia cố thêm lớp giáp hai bên
hông xe ở vị trí cửa ra vào cùng các tấm hợp kim ở gầm xe. Điều này làm tăng độ an toàn trước các vụ nổ IED hay TNT có khối lượng
6 kg, hoặc trước làn đạn súng máy 7,62 mm từ kẻ địch.
Phía sau cabin chính còn có một khoang với không gian khá lớn để chứa vật dụng hỗ trợ như thùng nhiên liệu phụ, đồ nghề sửa chữa, lốp dự phòng... Đặc biệt trên nóc cabin còn có một tháp súng máy tự động Kongsberg 12,7 mm để tự vệ trước kẻ thù.
Binh sĩ Pháp đang thử nghiệm Scania Carapace
Cabin xe khá rộng rãi, được lắp đặt các thiết bị điện tử hiện đại của hãng Essone Securite (Pháp) như radio liên lạc, hệ thống quản lý rơ mooc hay phía bên phải là màn hình hiển thị cùng cần điều khiển tháp súng tự động.
Bên cạnh đó, các hệ thống cơ bản khác như điều hòa không khí, phòng chống vũ khí xạ - sinh - hóa là không thể vắng mặt.
Scania Carapace có thiết kế khá "hầm hố" và mang tính thẩm mỹ cao
Một điểm cần lưu ý khác là Scania Carapace được trang bị cảm biến hiện đại giúp tránh các mối nguy từ bom mìn. Trong quá trình hoạt động, hệ thống luôn quét địa hình môi trường phía trước xe, sau đó thu thập và đo khoảng cách, đánh giá mối nguy rồi báo cho kíp lái xử lý.
Hệ thống điều khiển toa nhiên liệu nằm ở phía cuối rơ mooc
Nhờ được áp dụng những công nghệ hiện đại nhất so với
các đối thủ cạnh tranh, trong tương lai không xa, chiếc xe đầu kéo này của
Scania sẽ là tâm điểm trong kế hoạch mua sắm quốc phòng của nhiều quốc gia trên thế
giới.
Một số hình ảnh khác của Scania Carapace tại Triển lãm quốc phòng Eurosatory 2016:
Lô xe rời khỏi xưởng chế tạo của hãng Essone Securite (Pháp)
Cận cảnh tháp súng máy tự động Kongsberg
Scania Carapace trình diễn khả năng cơ động