Ngoại trưởng Blinken coi vụ rò rỉ như cơ hội
Theo thông cáo báo chí Nhà Trắng hôm 30/9, Ngoại trưởng Antony Blinken cho biết, Mỹ coi sự cố đường ống dẫn khí Nord Stream là một "cơ hội lớn" để các quốc gia Liên minh châu Âu (EU) giảm sự phụ thuộc vào năng lượng của Nga.
"Đây là một cơ hội to lớn để loại bỏ sự phụ thuộc vào năng lượng của Nga một lần và mãi mãi... Điều này rất quan trọng và là cơ hội chiến lược to lớn trong nhiều năm tới...", ông Blinken nói.
Phát biểu với các phóng viên tại Washington, Ngoại trưởng Blinken tiết lộ Mỹ hiện là nhà cung cấp khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) hàng đầu cho châu Âu. Ngoài việc vận chuyển nhiên liệu từ Mỹ đến châu Âu, ông Blinken cho hay, Mỹ đang làm việc với các nhà lãnh đạo châu Âu để tìm cách "giảm nhu cầu" và "tăng tốc độ chuyển đổi sang năng lượng tái tạo".
Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken. Ảnh: Reuters
Mặc dù, sản lượng LNG Mỹ sang châu Âu đã tăng nhưng sự thiếu hụt vẫn không thể được bù đắp trong một sớm một chiều. Các nhà xuất khẩu Mỹ cảnh báo trong suốt mùa hè rằng, họ không đủ năng lực cung cấp khí đốt để đáp ứng nhu cầu lục địa già.
Trong khi đó, hóa đơn năng lượng đang tăng vọt trên khắp châu Âu. Tại Đức, viễn cảnh "phi công nghiệp hóa" đang tiến đến gần do nhiều ngành công nghiệp phải đóng cửa vì thiếu năng lượng.
Nord Stream nghi bị tác động bằng "vài trăm kg thuốc nổ TNT"
Theo tờ Euronews, trong một bức thư chung gửi Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, Thụy Điển và Đan Mạch cho biết, hai đường ống Nord Stream đã chịu sức nổ tương đương với hàng trăm kg chất nổ TNT.
"Độ lớn của các vụ nổ được đo lần lượt là 2,3 và 2,1 độ Richter, có thể tương ứng với tải trọng nổ của vài trăm kg thuốc nổ TNT", báo cáo của Thụy Điển và Đan Mạch cho rằng, đây có thể là lý do gây ra sự cố rò rỉ của 2 đường ống Nord Stream 1 và 2.
Hai đường ống dẫn khí đốt tự nhiên của Nga đã được phát hiện rò rỉ hồi đầu tuần trước và các nhà lãnh đạo EU cảnh báo rằng, đó dường như là hành động có chủ đích.
Sự cố rò rỉ xảy ra ở các vùng đặc quyền kinh tế của Thụy Điển và Đan Mạch, dẫn đến khí tự nhiên bốc lên mặt nước.
Phái bộ hai nước EU tại Liên hợp quốc cho biết thêm: "Tác động có thể xảy ra đối với dòng chảy hàng hải ở Biển Baltic, và ảnh hưởng đáng kể đến khí hậu do lượng khí nhà kính lớn phát tán vào không khí".
Các tàu đã được cảnh báo phải duy trì khoảng cách ít nhất 5 hải lý (10 km) từ khu vực rò rỉ.