Nguy cơ khó lường từ các vết rò rỉ của đường ống Nord Stream

An An |

Hơn 100.000 tấn khí tự nhiên đang sủi bọt trên bề mặt Biển Baltic trong một khu vực rộng 1 km.

Có thể gây ra khủng hoảng khí hậu

Theo CNN (Mỹ), các chuyên gia cho rằng những vụ rò rỉ không rõ nguyên nhân trong đường ống Nord Stream chạy từ Nga đến châu Âu có thể giải phóng một lượng khí metan chưa từng có và gây thảm họa khí hậu.

Hơn 100.000 tấn khí tự nhiên đang sủi bọt trên bề mặt Biển Baltic trong một khu vực rộng 1 km, rò rỉ vào cả nước và khí quyển. Khoảng 90% trong số đó là metan, một loại khí gây hiệu ứng nhà kính có khả năng làm nóng toàn cầu gấp hơn 80 lần so với khí CO2.

Điều đó có thể so sánh với vụ rò rỉ nổi tiếng ở hẻm núi Aliso (Mỹ) vào năm 2016, giải phóng 97.000 tấn khí metan.

Nỗi lo với Nord Stream là khối lượng khí metan rò rỉ quá lớn và nhanh chóng đến mức nó có thể làm tăng thêm một lượng lớn lượng khí metan phát thải trên thế giới, vốn đã thoát ra với khối lượng khổng lồ từ các cơ sở hạ tầng khí đốt, dầu và than, khiến hành tinh càng nhanh chóng nóng lên.

Các nhà địa chấn học cho biết, họ đã phát hiện ra các vụ nổ tại địa điểm này, đây có thể là nguyên nhân khiến đường ống bị vỡ. Hôm 29/9, lực lượng bảo vệ bờ biển của Thụy Điển đã xác nhận thêm vụ rò rỉ thứ tư.

Tuy nhiên, nguyên nhân chính xác vẫn chưa được tìm ra.

"Chúng tôi rất lo lắng", bà Zesy Tzompa Sosa, nhà khoa học khí quyển tại Lực lượng Đặc nhiệm Không khí Sạch (CATF), một tổ chức phi lợi nhuận về khí hậu, cho biết.

Nguy cơ khó lường từ các vết rò rỉ của đường ống Nord Stream - Ảnh 1.

4 vụ rò rỉ xảy ra ở 2 đường ống Nord Stream 1 và 2. Ảnh: CNN

Dựa trên dữ liệu từ nhà điều hành Nord Stream AG, bà Tzompa Sosa nói rằng có thể có từ 100 đến 120 kiloton khí metan nằm trong đường ống Nord Stream 1 vào thời điểm vỡ.

"Con số đó sẽ tương đương với khoảng 1/3 tổng lượng khí metan của Đức trong lĩnh vực năng lượng vào năm 2020, tức là khoảng 5% tổng lượng phát thải metan của châu Âu trong lĩnh vực năng lượng", bà Sosa nói với CNN.

Định lượng rò rỉ tại thời điểm này là một ước tính sơ bộ bởi Nord Stream 1 đã ngừng cung cấp khí đốt cho châu Âu vào tháng 7 và Nord Stream 2 chưa đi vào hoạt động hoàn toàn.

Tại sao khí metan rò rỉ do vỡ đường ống nguy hiểm hơn đốt ga sử dụng?

Metan và CO2 đều là khí nhà kính nhưng chúng hoạt động theo những cách khác nhau. Ông Balcombe nói khí metan có nguy cơ gây "nóng lên trong thời gian ngắn" hơn nhiều so với khí CO2. Mặc dù metan chỉ tồn tại "khoảng 10 năm trong khí quyển" nhưng tác động tức thời của nó "mạnh hơn nhiều".

Rò rỉ khí metan gây hại cho khí hậu hơn nhiều so với việc khí metan được phát thải từ bếp ga sử dụng trong gia đình. Dạng phân tử thô của khí metan rò rỉ từ các đường ống và đi vào bầu khí quyển nguy hiểm hơn so với trường hợp khí metan được phát thải từ các bếp ga.

Khi metan bị đốt cháy, như trong bếp gia đình, "các hợp chất thải ra từ quá trình đốt cháy không nguy hiểm cho khí hậu như chính khí metan", bà Tzompa Sosa nói.

Ông Rowan Emslie, người phát ngôn của CATF, cho biết nhiều nhà máy sản xuất khí đốt có "hệ thống an toàn" được thiết kế để đốt bất kỳ khí nào thoát ra trong một vụ rò rỉ, vì điều này tốt hơn là cho phép khí metan thô đi vào bầu khí quyển.

Ông này giải thích thêm: "Đây là một vụ rò rỉ lớn với tốc độ nhanh chưa từng có. Đó là lý do tại sao nó rất đáng lo ngại".

Đáng chú ý, rò rỉ Nord Stream xảy ra dưới nước càng làm vụ việc trở nên phức tạp. Các yếu tố khác nhau như kích thước của bong bóng khí, nồng độ vi khuẩn ăn mêtan trong nước và độ sâu khí di chuyển đều có thể ảnh hưởng đến tác động môi trường tổng thể. Việc giám sát lượng khí thải cũng sẽ khó khăn, vì hầu hết các vệ tinh chỉ thu được nồng độ khí metan trên đất liền chứ không phải ở biển.

"Để hiểu được bức tranh toàn cảnh sẽ mất thêm một chút thời gian - vài tháng, có thể là vài năm", bà Sosa nói.

Tuy nhiên, sự kiện có thể sớm kết thúc. Grant Allen, một nhà khoa học môi trường tại Đại học Manchester nói CNN rằng đây là một "sự kiện có giới hạn thời gian".

Nếu dòng khí bị ngắt như Nga tuyên bố, tốc độ thoát khí sẽ chậm lại khi áp suất trong các đường ống giảm xuống. Trong trường hợp này, biển sẽ không còn "sôi" lâu nữa.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại