Ngoài khơi bờ biển Bồ Đào Nha, lớp vỏ Trái Đất đang bong tróc?

A. Thư |

Ngoài khơi bờ biển Bồ Đào Nha, lớp vỏ Trái Đất có thể đang bị bong tróc, tách làm hai, một hiện tượng chưa từng thấy trước đây.

Những hoạt động địa chất bất thường ở Đồng bằng vực thẳm Horseshoe, ngoài khơi bờ biển Bồ Đào Nha đã khiến các nhà địa chất bối rối vì hoạt động địa chấn của nó. Nghiên cứu mới của nhà địa chất biển João Duarte, Viện Nghiên cứu Dom Luiz thuộc Đại học Lisbon (Bồ Đào Nha), đã đưa ra kết luận giật mình: Trái Đất đang bong tróc.

Ngoài khơi bờ biển Bồ Đào Nha, lớp vỏ Trái Đất đang bong tróc? - Ảnh 1.

Cấu tạo trái đất - ảnh: Shutterstock

Nhóm nghiên cứu của nhà khoa học João Duarte đã tạo nên một mô hình máy tính từ các dữ liệu mà họ đã thu thập được ở Horseshoe. Kết quả cho thấy một mảng kiến tạo ở Đại Tây Dương đang chuyển mình, có thể khiến đại dương này nhỏ lại đồng thời kéo khối đất ở châu Âu lại gần Canada thật chậm chạp.

Nhóm nghiên cứu tin rằng quá trình bong tróc bắt đầu bởi sự xâm nhập của nước biển vào bề mặt các tấm đáy đại dương, tạo phản ứng với các tảng đá để hình thành một khoáng chất màu xanh lá cây. Quá trình này gọi là serpentinization, sẽ làm suy yếu dần lớp dưới cùng của tấm đáy đại dương và khiến nó bị bong ra.

Ngoài khơi bờ biển Bồ Đào Nha, lớp vỏ Trái Đất đang bong tróc? - Ảnh 2.

Sơ đồ khu vực vỏ trái đất bị bong tróc - ảnh do nhóm nghiên cứu cung cấp

Đây là lần đầu tiên một mô hình mô tả được trực tiếp quá trình vỏ trái đất "bong tróc", tức một phần đáy của mảng kiến tạo bị bong ra khỏi phần đỉnh và có thể khởi động một khu vực "hút chìm".

Hiện tượng hút chìm đã từng xảy ra vài lần trong lịch sử trái đất, khiến các lục địa trái đất nhiều lần hợp thành siêu lục địa trước khi một lần nữa phân rã do những hoạt động kiến tạo mảng mới.

Có thể hình dung rằng ở giữa một đại dương lớn, trái đất mọc ra một chiếc miệng khổng lồ và từ từ nuốt đại dương. Ở một nơi xa xôi phía bên kia lục địa, các mảng khác từ nơi sâu thẳm lại có cơ hội nổi lên. Nơi đại dương bị nuốt, diện tích đại dương dần thu hẹp, các lục địa bị kéo sát lại với nhau và hình thành một siêu lục địa.

Nếu điều đó xảy ra, đó sẽ là sự bắt đầu cho Pangea Proxima, siêu lục địa giả thuyết trong tương lai mà nhiều nhà khoa học đã mô tả trong các nghiên cứu. Tuy nhiên, bạn có thể an tâm bởi đó là một quá trình hết sức chậm chạp.

Các nhà khoa học dự đoán Pangea Proxima chỉ hình thành trong 50 triệu năm tới. 

Ước tính trong lịch sử 4,5 tỉ năm trái đất, các mảng kiến tạo khổng lồ mang trên lưng các lục địa cổ đại đã va chạm 3 lần để hình thành nên siêu lục địa.

Nghiên cứu vừa được trình bày tại Đại hội đồng Liên minh Địa chất châu Âu tổ chức ở Vienna (Áo).

(Theo Daily Mail, Live Science)

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại