Ngày 29/4/2027, một thảm họa khủng khiếp, làm biến đổi thế giới đã xảy ra:
Một thiên thạch khổng lồ đường kính từ 140-260 mét có tên 2019 PDC đã "tấn công" khí quyển của Trái Đất với tốc độ kinh hoàng 19km/giây, rồi gây nên một vụ nổ trên không mạnh gấp 1000 lần năng lượng của quả bom nguyên tử "Little Boy" từng rơi xuống thành phố Hiroshima của Nhật Bản. Quả cầu lửa khổng lồ với sức mạnh của hàng triệu tấn TNT đã gây ra hậu quả vô cùng thảm khốc, tàn phá một khu vực rộng lớn, may mắn là không đủ để gây ra thảm họa toàn cầu.
Ảnh minh họa thiên thạch lao vào Trái Đất. Nguồn: Internet
Khoan! Đây chỉ là vụ nổ giả thiết của các nhà khoa học.
Đầu tháng 5/2019, một nhóm gồm 200 chuyên gia vũ trụ, kỹ sư đến từ NASA, Cơ quan Quản lý Khẩn cấp Liên bang Mỹ (FEMA) và Cơ quan Vũ trụ châu Âu (ESA) đã cùng nhau tiến hành một dự án có tên Hội nghị Phòng thủ Hành tinh (IAA) mô phỏng thảm họa thiên thạch khổng lồ lao vào Trái Đất trong tương lai.
Theo báo cáo từ Hội nghị Phòng thủ Hành tinh (IAA), ngày 26/3/2019, các nhà thiên văn học phát hiện một thiên thạch khổng lồ tiềm ẩn nguy cơ lao vào Trái Đất, gây nên hậu quả khôn lường.
Hơn một tháng sau, nhóm các chuyên gia vũ trụ quyết định lập kế hoạch IAA nhằm đưa ra những giải pháp cứu Trái Đất khỏi thảm họa trên không này. Theo đó:
- Năm 2021, NASA đã phóng tàu vũ trụ trinh sát, thực hiện sứ mệnh thăm dò kích thước, quỹ đạo và cấu tạo của thiên thạch.
- Đến năm 2024, ba tàu thăm dò vũ trụ sẽ thực hiện nhiệm vụ tự sát, đâm vào thiên thạch với tốc độ cực với hy vọng làm chệch hướng quỹ đạo lao vào Trái Đất của nó. Mặc dù vậy, theo dự đoán của các nhà thiên văn học, phần còn lại của thiên thạch bị bắn phá (đường kính 50 đến 80m) vẫn có thể lao về phía Trái Đất.
Theo tính toán của 200 chuyên gia đến từ Mỹ và châu Âu trong khuôn khổ dự án, mặc dù chưa ai chắc chắn địa điểm cụ thể mà thiên thạch 2019 PDC phát nổ trên không trung, nhưng các nhà khoa học đã cố gắng thu hẹp các địa điểm có thể phải hứng chịu thảm họa không gian này (có thể là miền Đông nước Mỹ hoặc nơi nào đó trên Đại Tây Dương).
Giả thiết 2019 PDC phát nổ ở miền Đông nước Mỹ, thiên thạch năm 2027 có thể san phẳng một vùng đất trong vòng bán kính 15km, quận Manhattan, thuộc thành phố New York của Mỹ, đối mặt nguy cơ bị phá hủy hoàn toàn nếu thiên thạch 2019 PDC phát nổ phía trên.
Đồ họa mô phỏng vùng chịu tác động từ thảm họa thiên thạch 2019 PDC ngày 29/4/2027. Nguồn: ESA Operations
Washington đã cân nhắc đến việc sử dụng bom nguyên tử để làm chệch hướng quỹ đạo của thiên thạch khổng lồ này. Tuy nhiên, ý tưởng này gặp nhiều trở ngại do những bất đồng về chính trị chưa được giải quyết, AFP đưa tin.
Bởi vậy, chính quyền Mỹ nghĩ đến biện pháp sơ tán người dân trước khi thiên thạch khổng lồ được dự đoán sẽ lao vào Trái Đất vào ngày 29/4/2027.
"Thảm họa tự nhiên duy nhất con người có khả năng ngăn chặn" - ESA
Cơ quan Vũ trụ châu Âu (ESA) giải thích, thảm họa thiên thạch khổng lồ phát nổ trong bầu khí quyển của Trái Đất là thảm họa tự nhiên duy nhất con người có khả năng ngăn chặn hoặc có thể tìm hiểu trước trong nhiều năm hoặc nhiều thập kỷ.
Các công nghệ hiện tại như kính viễn vọng, hoặc Trung tâm điều phối vật thể gần Trái Đất, Mạng cảnh báo tiểu hành tinh quốc tế (IAWN) đang giúp các nhà khoa học phát hiện các thiên thạch "có vấn đề". Trong khi đó, các công nghệ trong tương lai - như tàu vũ trụ DART của NASA - sẽ là công cụ bảo vệ chính chúng ta khỏi nguy cơ diệt vong.
Tuy nhiên, Hệ Mặt Trời của chúng ta là một thế giới tồn tại vô số mảnh vụn vũ trụ, thiên thạch và tiểu hành tinh. Và các vật thể kích cỡ lớn, nhỏ khác nhau này "tấn công" Trái Đất thường xuyên, ở mọi lúc, mọi nơi.
NASA cho biết, chỉ những vật thể không gian đường kính ít nhất 30m phát nổ trong vùng khí quyển mới có khả năng gây thiệt hại cho Trái Đất.
Dự đoán, một tiểu hành tinh có tên Apophis, đường kính 340m sẽ bay vụt qua Trái Đất của chúng ta. Ảnh minh họa: The Verge
Liên quan đến thiên thạch khổng lồ, Space.com dẫn thông tin từ các nhà thiên văn học dự đoán, trong khoảng 1 thập kỷ nữa, cụ thể vào ngày 13/4/2029, một tiểu hành tinh có tên Apophis, đường kính 340m sẽ bay vụt qua Trái Đất của chúng ta.
Mặc dù, theo các nhà khoa học, đây là cơ hội "ngàn năm có một" để quan sát một tiểu hành tinh cỡ lớn như vậy bay vụt qua địa cầu, tuy nhiên, vì những thay đổi khó lường của vũ trụ, nguy cơ tiểu hành tinh này va vào Trái Đất vẫn khiến nhiều người lo lắng.
Các nhà thiên văn học đang tiến hành nghiên cứu Apophis nhằm tránh nguy cơ Trái Đất bị ảnh hưởng nặng nề bởi thảm họa trên không này.
Bài viết sử dụng nguồn: NASA, Sciencealert
* Đọc bài cùng tác giả Trang Ly tại đây.