Từ lượng than được đốt cho đến thời gian ùn tắc giao thông ở Bắc Kinh, những dấu hiệu này đang cho thấy sự hồi phục đang dẫn diễn ra. Trong khi đó, những khoản vay đang được gia hạn và doanh số bán ô tô đang tăng lên.
Dẫu vậy, những dấu hiệu đó có thể là minh chứng cho việc nền kinh tế Trung Quốc có đủ mạnh để đối phó với thực trạng u ám trên toàn cầu hay không vẫn là một dấu hỏi lớn. Đó là bởi, quá trình hồi phục sẽ phụ thuộc nhiều vào việc liệu các nhà máy và cửa hàng có thể giữ chân nhân viên và đủ khả năng tài chính để sống sót hay không.
Trong bối cảnh Trung Quốc chuẩn bị tổ chức cuộc họp chính trị thường niên vào tuần tới, tình trạng thực sự của thị trường lao động đang không được phản ánh chính xác do số liệu chính thức không đầy đủ.
Tắc đường trên đường phố Bắc Kinh hôm 12/5.
Tỷ lệ thất nghiệp tại khu vực đô thị, dự kiến công bố vào ngày 15/5 cùng với số liệu bán lẻ và sản lượng công nghiệp,không bao gồm 1 nửa lực lượng lao động. Dù con số chính thức được dự báo sẽ giảm 5,8% trong tháng 4, nhưng các nhà phân tích từ BNP Paribas cho biết con số thực sự phải bao gồm cả lao động ngoài khu vực đô thị - có thể đã chạm mức 12% trong quý I, và có tới 130 triệu người có thể đã phải chịu tác động của sự gián đoạn trong công việc.
Liu Peiqian, kinh tế gia nghiên cứu về Trung Quốc tại Natwest Markets, nhận định rằng, triển vọng của thị trường lao động nước này là "không lạc quan" bởi sự hồi phục trong 1 số lĩnh vực sẽ phải chờ đến khi kinh tế toàn cầu mở cửa trở lại và số liệu thất nghiệp được công bố đã không đầy đủ. Liu nói thêm: "Sự hồi phục hiện tại chủ yếu dựa vào chính sách. Động lực thúc đẩy bên trong nền kinh tế vẫn chưa bắt đầu."
UBS dự báo thị trường việc làm của Trung Quốc sẽ ghi nhận con số tồi tệ nhất trong 2 thập kỷ qua, với số lượng việc làm giảm hơn 10 triệu trong năm nay. Điều này trái ngược với mục tiêu thông thường của chính phủ là tạo ra mức tăng ít nhất là 10 triệu việc làm mỗi năm. Trong khi đó, bên cạnh là mối quan tâm chính trị quan trọng, thị trường việc làm còn đóng vai trò mở cửa nền kinh tế.
Wang Tao– kinh tế gia của UBS, cho biết: "Chúng tôi cho rằng thị trường lao động yếu đi, cùng với tăng trưởng thu nhập giảm sút sẽ ảnh hưởng đến tiêu dùng." Dù tác động có thể chỉ là tạm thời và Trung Quốc sẽ hồi phục từ nửa năm sau, Wang vẫn dự kiến tiêu dùng tư nhân sẽ sụt giảm trong năm 2020.
Nếu dự đoán đó trở thành sự thật, thì sự hồi phục mới đây của việc sử dụng năng lượng và các lĩnh vực liên quan sẽ khó có thể kéo dài. Điều này cho thấy chính phủ Trung Quốc có thể tung ra nhiều biện pháp kích thích hơn để giảm bớt tác động tiêu cực. Trước đó, Bloomberg đưa tin rằng Trung Quốc đang cân nhắc bỏ mục tiêu tăng trưởng theo số, giúp các nhà hoạch định chính sách tự do hơn việc thiết lập quy mô kích thích.
Trong tháng này, PBOC đã cam kết tung các biện pháp kích thích tiền tệ mạnh mẽ hơn và các cơ quan tài chính dự kiến sẽ phát hành lượng trái phiếu đặc biệt với quy mô kỷ lục nhằm thúc đẩy đầu tư cơ sở hạ tầng.
Larry Hu– trưởng bộ phận nghiên cứu kinh tế Trung Quốc tại Macquarie Securities, nhận định: "Sự hồi phục cho đến nay chủ yếu được thúc đẩy bởi nguồn cung. Có thể diễn biến này sẽ kéo dài trong vài tháng nữa, nhưng do nhu cầu sụt giảm, đặc biệt là từ xuất khẩu và giảm phát, sự hồi phục có thể bị cản bước sau đó."
Tham khảo Bloomberg