Một nghiên cứu về đại dịch cúm năm 1918 cho thấy các biện pháp mạnh như cách ly xã hội sẽ giúp phục hồi nền kinh tế sau dịch bệnh. Đây là phát hiện dựa trên một nghiên cứu mới đây có đồng tác giả là một nhà nghiên cứu thuộc Học viện công nghệ Massachussetts (MIT), theo Boston Globe.
Thông tin từ MIT cho biết nghiên cứu nói trên có tiêu đề “Đại dịch làm suy giảm nền kinh tế, can thiệp y tế cộng đồng không có tác dụng tiêu cực: Bằng chứng từ dịch cúm năm 1918” đã được đăng tải trên Mạng nghiên cứu khoa học xã hội vào ngày 26/3 vừa qua.
Nghiên cứu này đã được thực hiện trong bối cảnh nền kinh tế Mỹ đang lao đao do đại dịch viêm phổi cấp do virus corona chủng mới (COVID-19) đang hoành hành tại nước này và trên toàn cầu.
Cụ thể, khi đại dịch cúm năm 1918 bùng phát tại Mỹ, hai thành phố Boston và Lowell tại bang Massachusetts đã nằm trong danh sách những nơi gặp nhiều khó khăn khi phục hồi kinh tế hơn so với các khu vực áp dụng sớm và triệt để biện pháp cách ly xã hội để ngăn chặn dịch bệnh lây lan.
Nghiên cứu này do 3 tác giả thực hiện gồm Emil Verner, trợ lý giáo sư tại Trường Kinh doanh Sloan thuộc MIT, Sergio Correia, chuyên gia kinh tế của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED), và Stephen Luck, chuyên gia kinh tế của Ngân hàng Dự trữ Liên bang New York.
MIT nhấn mạnh rằng nghiên cứu này vẫn đang trong quá trình hoàn thiện và chưa được các chuyên gia trong lĩnh vực đánh giá.
Cách ly xã hội càng triệt để, kinh tế phục hồi càng nhanh?
Các nhà nghiên cứu đã phát hiện ra rằng, vào thời đại dịch cúm 1918, các thành phố càng áp dụng triệt để và quyết liệt các biện pháp hạn chế các tương tác xã hội và giao tiếp giữa người dân thì kinh tế tại những nơi đó càng hồi phục nhanh hơn sau khi các lệnh hạn chế được dỡ bỏ.
Trên thực tế, nghiên cứu này chỉ ra rằng các thành phố thực hiện cách ly xã hội và các biện pháp khác sớm hơn 10 ngày so với những nơi khác đã chứng kiến mức tăng trưởng kinh tế khoảng 5% trong lĩnh vực sản xuất khi đại dịch cúm kết thúc vào năm 1923.
"Chúng tôi không tìm thấy bằng chứng nào cho thấy các thành phố áp dụng các biện pháp mạnh về mặt y tế cộng đồng lại có các chỉ số kinh tế kém hơn. Thực tế, các thành phố này thậm chí còn đạt mức tăng trưởng tốt hơn”, theo ông Verner.
Nhà kinh tế học này cho biết các dữ liệu đã xóa tan những nghi ngờ về giả thuyết rằng các thành phố phải chấp nhận đánh đổi sức khỏe cộng đồng để sớm mở cửa lại nền kinh tế.
Để thực hiện nghiên cứu nói trên, ông Verner và các đồng tác giả đã thu thập các loại dữ liệu bao gồm thống kê tỷ lệ tử vong từ Trung tâm Phòng ngừa và Kiểm soát Dịch bệnh Mỹ (CDC), dữ liệu kinh tế lịch sử từ Cục điều tra dân số và các dữ liệu từ ngân hàng do nhà kinh tế học Mark D. Flood biên soạn, cùng với đó là nội dung trong bản “Báo cáo thường niên về Kiểm soát Tiền tệ” của chính phủ Mỹ.
"Mục đích của nghiên cứu này là đánh giá những thiệt hại kinh tế dự kiến do dịch COVID-19 gây ra và mối quan hệ giữa y tế cộng đồng với tăng trưởng kinh tế và các biện pháp cách ly xã hội mà các quốc gia đang áp dụng trên thế giới hiện nay”, ông Verner cho biết.
Ảnh minh họa: Bloomberg
Bài học hữu ích từ lịch sử
Các nhà nghiên cứu đã tìm hiểu và phân tích các chỉ số kinh tế của 43 thành phố tại Mỹ và thấy rằng sản lượng kinh tế có sự khác biệt trong suốt thời gian diễn ra đại dịch cúm năm 1918.
Các thành phố hồi phục kinh tế nhanh nhất là là Oakland, Omaha, Portland (bang Oregon) và Seattle (bang Washington). Tất cả các thành phố này đều áp dụng biện pháp cách ly xã hội bắt buộc trong vòng hơn 120 ngày vào năm 1918. Trong khi đó, các thành phố gặp nhiều khó khăn trong lĩnh vực sản xuất sau đại dịch cúm bao gồm Lowell, (bang Philadelphia), và St. Paul (bang Minnesota). Hai thành phố này chỉ áp dụng biện pháp cách ly xã hội trong thời gian chưa đến 60 ngày.
Theo ông Verner: "Chúng tôi phát hiện ra rằng các khu vực bị ảnh hưởng nặng nề hơn trong đại dịch cúm năm 1918 chứng kiến sự suy giảm mạnh và liên tục trong một loạt các chỉ số về hoạt động kinh tế, bao gồm số lượng việc làm và sản lượng trong lĩnh vực sản xuất, số vốn vay từ ngân hàng và lượng tồn kho mặt hàng tiêu dùng có giá trị lớn”.
Các nhà nghiên cứu nhận thấy lĩnh vực ngân hàng cũng chịu nhiều thiệt hại nặng nề hơn tại các khu vực áp dụng cách ly xã hội trong thời gian ngắn hơn.
Theo đó, do các thành phố Albany và Syracuse (bang New York), Birmingham (bang Alabama) và Boston (bang Massachusetts) đều áp dụng thời gian cách ly xã hội trong vòng chưa đến 60 ngày vào năm 1918, nên lĩnh vực ngân hàng tại các thành phố này đã gặp nhiều khó khăn hơn so với các khu vực khác của Mỹ.
Các nhà nghiên cứu kết luận rằng nền kinh tế Mỹ đã thay đổi đáng kể trong vòng 100 năm qua, với việc giảm tỉ trọng của lĩnh vực sản xuất và tăng tỉ trọng của lĩnh vực dịch vụ. Một điểm khác biệt nữa là đại dịch cúm năm 1918 đã cướp đi sinh mạng của nhiều thanh niên trong độ tuổi lao động. Tuy vậy, giữa đại dịch cúm năm 1918 và đại dịch COVID-19 hiện nay vẫn có những điểm tương đồng.
"Cấu trúc của nền kinh tế Mỹ tại hai thời điểm tất nhiên có khác biệt lớn. Tuy vậy, chúng ta vẫn có thể rút ra được một số bài học hữu ích từ lịch sử, để áp dụng cho quá trình phục hồi kinh tế sau đại dịch COVID-19”, ông Verner kết luận.