Nghịch lý NATO: "Chung vai" chống Nga nhưng bị chia rẽ do Mỹ

Minh Đức |

Ngay trước thềm thượng đỉnh tại Brussels, những “mối tơ vò” của NATO càng thêm rối ren trước thái độ của TT Trump.

Từ dàn kèn đồng hoành tráng cho tới màn trình diễn của các phi cơ chiến đấu, hội nghị thượng đỉnh hai ngày (từ 11 – 12/7) của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) cho thấy một liên minh quân sự hùng mạnh hơn bao giờ hết kể từ sau Chiến tranh lạnh; trong đó bao gồm những kế hoạch mở rộng lực lượng và kiềm chế sức mạnh của Nga trong khu vực.

Tuy nhiên, trước thềm hội nghị được tổ chức tại trụ sở mới của NATO trị giá hàng tỉ USD ở Brussels, nhiều nhà lãnh đạo tham dự lại không giấu nổi sự lo lắng. Những gì chờ đợi họ ở đây là cuộc thảo luận “nóng” về ngân sách quốc phòng với một trong những nguyên thủ khó dự đoán nhất thế giới, Tổng thống Mỹ Donald Trump.

Theo Reuters, những cáo buộc Nga đang cố gắng gây bất ổn phương Tây bằng những cuộc tấn công mạng trong khi không ngừng “che giấu” hành động, chính là một yếu tố chủ chốt dẫn đến công cuộc mở rộng lớn nhất của NATO trong nhiều thập kỷ trở lại đây. Ngoài ra, không thể không kể đến, nguồn ngân sách quân sự đáng kể mà Mỹ vẫn đều đặn rót vào châu Âu.

Hội nghị tại Brussels có sự tham gia của hơn 40 người đứng đầu chính phủ, bao gồm 29 nước thành viên và cả các đối tác phi thành viên, từ Phần Lan cho tới Afghanistan. Điều này, không nghi ngờ gì, là một minh chứng cho thấy tham vọng vươn rộng ra thế giới của NATO.

Việc liên minh quân sự vẫn tiếp tục theo đuổi mục tiêu mở rộng thể hiện ở lời mời Macedonia bắt đầu quá trình đàm phán gia nhập, cũng như thái độ “ngó lơ” những cảnh báo từ Nga về sự tăng cường hiện diện quân sự của NATO tại vùng Balkan.

Tuy nhiên, cùng lúc, một loạt những bình luận của Tổng thống Trump về tình trạng các thành viên NATO không thực hiện cam kết chi tiêu quốc phòng để đổi lấy sự bảo hộ của Mỹ, đã đẩy nhiều nhà lãnh đạo vào thế bất lợi.

“NATO không đối xử với chúng ta công bằng… Chúng ta phải trả quá nhiều tiền trong khi họ trả quá ít”, ông Trump phát biểu hôm thứ Ba (10/7), trước khi rời Nhà Trắng sang châu Âu. Cũng nhân dịp này, Tổng thống Mỹ sẽ có các chuyến công du tới Anh và đặc biệt là Phần Lan – nơi ông sẽ tham gia một cuộc gặp thượng đỉnh với người đồng cấp Nga Vladimir Putin.

Giới ngoại giao Brussels cho hay, những phiên họp được dàn xếp cẩn trọng và một bữa tối dành cho các nhà lãnh đạo tại một bảo tàng ở Brussels vào tối ngày 11/7 – gần như chắc chắn sẽ không “xoa dịu” được ông Trump.

Cũng trong một bữa tiệc tối chào mừng hồi tháng 5/2017, Tổng thống Mỹ đã không ngần ngại cảnh báo các thành viên NATO, họ đang nợ “một khoản khổng lồ” và cần phải làm nhiều hơn nữa trong cuộc chiến chống lại chủ nghĩa khủng bố.

Làm mới lại mục tiêu cũ?

Không ai biết chắc chắn ông Trump sẽ nói gì tại Brussels và các chuyên gia cũng lo ngại rằng, khả năng một số nhà lãnh đạo châu Âu phản ứng lại, sẽ khiến tình hình trở nên căng thẳng hơn.

Tuy nhiên, khác với những tweet gần đây thường công kích các đồng minh, trước khi lên máy bay sang châu Âu, người đứng đầu nước Mỹ lại bất ngờ tỏ ra khá mềm mỏng khi viết: “Chúng ta sẽ giải quyết được vấn đề, và tất cả các nước đều sẽ vui vẻ”.

Reuters nhận định, rất có thể ông Trump sẽ thành công khiến các nước châu Âu gia tăng chi tiêu dành cho quốc phòng. Năm 2014, NATO thống nhất, đến năm 2024, mỗi thành viên phải tăng ngân sách quốc phòng lên tương đương 2% tổng sản phẩm quốc nội (GDP). Hiện tại, tổng chi tiêu quốc phòng của châu Âu và Canada kể từ năm 2015 đã tăng gần 90 tỷ USD.

“Các đồng minh có thể chấp nhận một vài chỉ trích liên qua tới việc tái cam kết với sự bảo hộ của Mỹ; tuy nhiên, nếu ông Trump đe dọa rút khỏi NATO, mọi việc sẽ trở nên rất khó khăn”, một nhà ngoại giao NATO cho biết.

Thành lập vào năm 1949 với mục tiêu lúc đó là ngăn chặn những hiểm họa từ Liên Xô, nền tảng hoạt động của NATO là mối hợp tác sâu sắc với Mỹ; theo đó, Washington sẽ “đảm bảo” an ninh cho châu Âu với kho vũ khí hạt nhân và truyền thống của mình.

Kể từ sau khi Nga sáp nhập Crimea vào lãnh thổ của mình năm 2014, có vẻ như NATO đã làm mới lại mục tiêu cũ khi không ngừng gửi quân lính tới các nước Baltic và Ba Lan, nhằm chuẩn bị đối phó với bất kỳ cuộc tấn công nào từ phía Nga.

“Hình ảnh của Nga không chỉ được củng cố sau khi tổ chức Giải vô địch bóng đá thế giới,” Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk nói. “Không ai nên quên đi mối quan hệ chính trị và quốc tế với Nga”.

Còn có những lĩnh vực khác

Tuy nhiên, Tổng thống Mỹ kiêm Tổng tư lệnh NATO, cũng từng ra tín hiệu rằng, bên cạnh ngân sách quốc phòng, ông còn có các vấn đề khác cần thảo luận với các đồng minh, trong đó có cả mối quan hệ thương mại với châu Âu.

“Chúng ta mất 151 tỷ USD trong thương mại với EU. Áp thuế cao (và các rào cản) lên chúng ta!!”, ông Trump tweet về giá trị thâm hụt thương mại của Mỹ và EU, bất chấp một số quan chức của cả hai phía cho rằng, con số thực tế thấp hơn nếu bao gồm khu vực dịch vụ, VD như tài chính, nơi Mỹ thậm chí còn có thặng dư.

Sau những chia rẽ tại thượng đỉnh G7 diễn ra hồi tháng Sáu tại Canada khi Tổng thống Trump từ chối tham gia vào tuyên bố cuối cùng, nhiều ngày trước thời điểm khai mạc hội nghị Brussels, các đặc phái viên NATO không thể không thảo luận một cách kỹ càng nhất về nội dung của tuyên bố chung.

Một nhà ngoại giao NATO tiết lộ, ít nhất một quan chức cấp cao Mỹ đã thông qua thông cáo thượng đỉnh NATO, trong đó bao gồm cam kết với mục tiêu 2% ngân sách quốc phòng.

Mặc dù vậy, lập trường của ông Trump vẫn còn là một điều “bí ẩn”. “Ông ấy có thể hủy bỏ mọi thứ chỉ bằng một dòng tweet”, một nhà ngoại giao NATO khác cảnh báo.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại