Ông Trump bị "nắn gân" vì dọa dẫm thành viên NATO: Mỹ không có nhiều đồng minh đâu!

Hải Võ |

Căng thẳng giữa Washington và Brussels tiếp tục leo thang khi tổng thống Trump kiên quyết lập trường về chi tiêu quốc phòng, thương mại của các nước NATO, EU.

Chủ tịch Hội đồng châu Âu (EC) Donald Tusk ngày 10/7 kêu gọi tổng thống Mỹ Donald Trump tôn trọng các đồng minh của Mỹ hơn.

"Nước Mỹ thân mến, hãy trân trọng những đồng minh của các vị, bởi sau cùng thì các vị không có nhiều [đồng minh] đến thế đâu," ông Tusk phát biểu sau lễ ký tuyên bố hợp tác giữa Liên minh châu Âu (EU) với NATO, và nhấn mạnh Mỹ sẽ không bao giờ tìm được đồng minh nào tốt hơn châu Âu.

Tuyên bố được ký kết ngay trước thềm hội nghị 2 ngày giữa các thành viên NATO ở Brussels, Bỉ, khai mạc vào thứ Tư (11/7). Ông Tusk và chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker là đại diện EU tại phiên hợp này.

Chủ tịch EC cũng phê phán tổng thống Mỹ về việc ông Trump "chỉ trích châu Âu gần như hàng ngày".

Trước đó cùng ngày, ông chủ Nhà Trắng đăng dòng trạng thái trên Twitter, chỉ trích cách tiếp cận của EU trong vấn đề thương mại.

Ông Trump chỉ trích các thành viên NATO khá gay gắt khi cho rằng liên minh này đang trở thành công cụ để đồng minh Mỹ ở châu Âu lạm dụng sự hào phóng của Mỹ, qua đó có được sự bảo hộ về quân sự mà không thực thi đầy đủ nghĩa vụ tài chính.

Những tuyên bố của tổng thống Mỹ làm dấy lên lo ngại ở châu Âu rằng Mỹ có thể tuyên bố cắt giảm hiện diện quân sự tại lục địa già trong phiên họp tới đây.

Chính sách "nước Mỹ trên hết" của ông Trump bị cho là đang đẩy khối đoàn kết bền vững và lâu dài giữa Mỹ với các đồng minh vào nguy hiểm. Những ý kiến phê bình Trump nói rằng ông đang hạ thấp vai trò lãnh đạo toàn cầu của Mỹ.

Người châu Âu bất bình với Trump không chỉ bởi những lên án của ông về chi tiêu quốc phòng hay sự mơ hồ về cam kết của Mỹ với NATO. Tổng thống Mỹ còn mở ra cuộc chiến thương mại với EU khi cáo buộc châu Âu đang lợi dụng tự do thương mại với Mỹ.

Theo RT, các gói thuế quan mà chính quyền Trump nhằm vào EU chỉ là một phần trong cuộc xung đột lớn hơn giữa Mỹ với niều bên - bao gồm đối tác thương mại hàng đầu của họ là Trung Quốc.

Nhiều nước châu Âu, kể cả "ông lớn" Đức, cũng bị Nhà Trắng chĩa mũi dùi khi xúc tiến hợp tác thương mại trong lĩnh vực năng lượng với Nga. Washington đe dọa các công ty châu Âu liên quan đến dự án đường ống dẫn dầu Dòng chảy phương Bắc 2 sẽ bị cấm vận.

Đe dọa này bị Berlin coi là mưu đồ nhằm tuồn khí hóa lỏng đắt đỏ do Mỹ sản xuất vào thị trường châu Âu.

Đe dọa cấm vận cũng được Mỹ áp dụng để buộc châu Âu xa lánh Iran, sau khi ông Trump tuyên bố rút Mỹ khỏi thỏa thuận hạt nhân - đạt được giữa Iran với nhóm P5+1 năm 2015, dưới thời tổng thống Barack Obama.

Việc Mỹ rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran cũng vấp phải chỉ trích từ các bên liên quan, gồm Nga, Trung Quốc và EU.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại