Nghĩ lớn rồi làm gì, hỡi 500 anh em bóng đá Việt Nam?

Quách Uông |

Lang thang dạo phố chờ xem tuyển Việt Nam đá với Indonesia chuẩn bị cho chiến dịch chinh phục AFF Cup, bắt gặp một bạn trẻ đang cầm cuốn sách có cái tựa gây nghĩ ngợi là Think Big.

1. Trong những quyển sách thuộc dạng gối đầu giường từ xưa tới nay, đa số khuyến khích con người phải nuôi chí lớn.

Không chỉ dừng lại ở mức độ ẩn dụ hay ẩn giấu phía trong, một số quyển sách bán chạy đã lôi luôn thông điệp Think Big ra trang bìa. Khỏi phải nhìn đâu xa, đích thân ứng viên Tổng thống Mỹ Donald Trump từng cho xuất bản một tác phẩm mang tiêu đề Nghĩ Lớn.

Tất cả những quyển Think Big - Nghĩ Lớn đều bán rất chạy. Vì ai cũng như nhìn thấy bản thân mình trong đó. Ai cũng muốn để lại dấu ấn, gây dựng uy danh, chứ không chìm lẫn trong biển người đa phần chỉ đủ ăn, đủ mặc. "Tuổi này rồi mà vẫn chưa làm được gì cho đời", câu cảm thán ấy có thể nghe được ở khắp mọi nơi, không cứ gì trong sách vở.

Từ chỗ mang tính tích cực, Nghĩ Lớn dần biến thành một căn bệnh nguy hại với nhiều người, nhất là các bạn trẻ. Ỷ vào cái mác cử nhân, thạc sĩ và những lý thuyết vĩ mô thu được trên băng ghế giảng đường, không ít thanh niên thời nay chưa tốt nghiệp đã nghĩ mình đủ lớn để đảm nhận một vị trí được trọng vọng, thu nhập cao tại một công ty bề thế.

Nghĩ lớn rồi làm gì, hỡi 500 anh em bóng đá Việt Nam? - Ảnh 1.

Một công việc lương ít, xuất phát điểm thấp, thiếu sang trọng bị cho là không xứng với tầm cỡ của rất nhiều những quý cô, quý cậu hiện nay. Chẳng hề nói điêu, con số 225.000 cử nhân, thạc sĩ thất nghiệp theo thống kê trong quý I năm nay của Chương trình đổi mới đào tạo nghề tại Việt Nam (GIZ) đã chứng minh cho hiện tượng nghĩ lớn quá mức cần thiết.

Đừng nghĩ chỉ thanh niên mới lớn mới suy nghĩ một cách viển vông, nhiều người trưởng thành từ lâu cũng sa vào bi kịch của việc không chịu... nghĩ đúng. Dốc tiền tiết kiệm, cầm cố giấy tờ nhà, vay mượn người thân để kinh doanh, làm ăn lớn: Đó là con đường quen thuộc dẫn hàng ngàn người từ ung dung đến kiệt quệ.

2. Trong khi phần đông nhân loại đua nhau Think Big, một hãng xe hơi khổng lồ lại cài số lùi với chiến dịch Think Small. Cuối thập niên 1950, nhằm quảng bá cho dòng xe Beetle (Con bọ), Volkswagen đã tung ra hàng loạt tấm pano quảng cáo với dòng chú thích Nghĩ Nhỏ.

Không ngờ, cú đánh ngược lại tâm lý thích hoành tráng của Volkswagen lại trở thành màn PR thành công bậc nhất lịch sử. Đến năm 1972, hơn 15 triệu chiếc Beetle có kích cỡ khiêm tốn đã được bán tại Mỹ, thị trường vốn khét tiếng về sự sùng bái dành cho những cỗ xe khổng lồ.

Nghĩ lớn rồi làm gì, hỡi 500 anh em bóng đá Việt Nam? - Ảnh 2.

Nhỏ mà không nhỏ, đó là bài học thấm thía từ Volkswagen.

Cho đến giờ, những chiếc xe bình dân nhưng đầy tin cậy của Volkswagen vẫn lăn bánh trên mọi nẻo đường của thế giới. Chỉ có điều, chính những người ăn vận bảnh bao cưỡi lên Con bọ lại không chịu thu mình lại cho vừa với khả năng, sức lực của bản thân.

3. Nhớ một dạo, khi bóng đá Việt Nam bước vào thời kỳ bùng nổ về tiền bạc, các cầu thủ bỗng dưng thấy mình như "ông lớn". Đá bóng 1 tháng lĩnh lương bằng công chức đi làm vài năm. Chưa kể cứ thắng 1 trận lại được thưởng to hơn thưởng Tết và mỗi vụ chuyển nhượng lại có tiền lót tay hàng chục tỷ.

Thừa tiền thì phải tiêu pha cho thỏa chí lớn. Loại Beetle bé xíu không xài, phải là xe sang, xế khủng. Bia vỉa hè uống không trôi, phải vào bar tu rượu ngoại. Rồi "lắc". Rồi "bay". Dần dà, đá bóng trở thành chuyện nhỏ, ăn chơi mới là chuyện lớn.

Được sự khuyến khích từ các Mạnh Thường Quân "yêu" bóng đá, các CLB vung tay tậu đủ loại ngoại binh. Gần có Thái, Hàn, xa có Argentina, Pháp. Cả một nhà quán quân thế giới là Denilson cũng "lết một chân" sang Việt Nam. Cứ gọi là vui đáo để.

Nghĩ lớn rồi làm gì, hỡi 500 anh em bóng đá Việt Nam? - Ảnh 3.

"Nghĩ lớn", các ông bầu Việt Nam còn đem được cả Denilson "lò cò một chân" sang Việt Nam đá bóng.

Nước lên thì thuyền lên, cơ quan lãnh đạo làng cầu hình chữ S tự tin tuyên bố mục tiêu giành vé dự "World Cup của người lớn".

Đợi mãi, khi mà đa số các ông bầu đã "đi xa" theo nhiều nghĩa, hàng loạt đội bóng bị xóa tên, những ngôi sao hạng A như Thành Lương, Văn Quyết, Quế Ngọc Hải hay Công Vinh bắt đầu an phận với mức lương chỉ còn 20-30 triệu đồng/tháng, giấc mơ World Cup vẫn xa vời như mặt trời.

Như HLV Miura từng thẳng thắn nhận xét, bóng đá Việt Nam chỉ "nghĩ lớn" về bản thân mà quên luôn một phần việc quan trọng không kém là nghĩ (một chút) về đối thủ.

"Ban đầu tôi khá ngạc nhiên nhưng đúng là ở đây không có văn hóa phân tích. Sau đó, tại vòng loại World Cup 2018, cá nhân tôi trực tiếp phân tích các đối thủ và cũng đã có những kết quả tốt", cựu chiến lược gia của đội tuyển Việt Nam chia sẻ.

Ngoài ra, ông Miura còn băn khoăn khi bóng đá Việt Nam thường chỉ quan tâm vào kết quả của những trận đấu cụ thể trước mắt, không có chiến lược lâu dài. "Bóng đá Việt Nam đang xây nhà từ nóc", một thầy ngoại khác là Alfred Riedl thốt lên cách đây gần 2 thập kỷ.

4. Sau tất cả những hào nhoáng giả tạo của V-League, những cú ngã sấp mặt tại "ao làng" Đông Nam Á, sự kỳ vọng thái quá về lứa cầu thủ "đẹp như tranh" nhưng chẳng tranh được giải gì ngoài những trận thắng ở giải tập huấn hoặc giao hữu với đại diện tiêu biểu là Công Phượng, bóng đá Việt Nam "bỗng dưng" giành quyền dự World Cup Futsal và vào tới bán kết U19 châu Á cùng những cầu thủ hầu như không ai quen mặt, thuộc tên. Mới đây, lại có Xuân Trường được ra sân tại K-League. 

Thực ra, không có thành công nào là ngẫu nhiên cả. Chiến tích của Futsal và lứa U19 hiện nay đã được hình thành bởi bí quyết "Suy nghĩ lớn, hành động nhỏ" của một số cá nhân có tâm với bóng đá nước nhà, có nhận thức đúng về cách nghĩ, cách làm như ông bầu Trần Anh Tú.

Nghĩ lớn rồi làm gì, hỡi 500 anh em bóng đá Việt Nam? - Ảnh 4.

Thành công của futsal Việt Nam đến từ từng bước đi nhỏ để đạt được mục tiêu lớn.

Tức là đặt ra mục tiêu lớn nhưng tập trung vào từng bước nhỏ, những chương trình hành động ngắn hạn, thiết thực và cụ thể để đi đến mục tiêu.

"Suy nghĩ lớn, hành động nhỏ" chính là tuyệt chiêu để Howard Hughes ghi dấu ấn vĩ đại với ngành hàng không thế giới. Đấy cũng là hướng đi duy nhất cho bóng đá Việt Nam, thay vì khư khư giữ thói quen nghĩ lớn xong là chẳng biết hoặc chẳng chịu làm gì.

Ví dụ, có mỗi chuyện một ông chủ cầm nhiều đội bóng thôi mà cứ thấy nói suốt từ đời nảo, đời nào...

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại