Bỏ nghề theo tiếng gọi tình yêu, bị phụ bạc phải đi bán cơm tấm, bánh cuốn
Nghệ sĩ Phương Dung là gương mặt quen thuộc với khán giả truyền hình phía Nam. Chị là 1 trong số ít nghệ sĩ lớn tuổi đắt show hiện nay, góp mặt hầu hết ở các dự án phim truyền hình, sitcom, gameshow khu vực phía Nam...
Phương Dung sinh năm 1962, là chị lớn trong gia đình có 5 chị em. Cha của Phương Dung mất sớm, một mình mẹ chị tảo tần buôn bán lo cho 5 đứa con mà đứa lớn mới 13 tuổi trong khi cả gia đình phải ở nhà mướn.
Bao nhiêu cực khổ đè nặng đôi vai của mẹ khiến cô bé Phương Dung "già trước tuổi", sớm biết phụ mẹ lo cho đàn em nhỏ.
Năm 1982, Phương Dung chọn thi vào trường Sân khấu Điện ảnh chỉ vì thời đó còn bao cấp, sinh viên được cấp gạo thịt, các nhu yếu phẩm hàng tháng. Phương Dung nghĩ, vừa được đi học lại vừa được "phát lương", sẽ đỡ đần được gánh nặng kinh tế cho mẹ. Thế là Phương Dung theo nghề từ đó.
Mặc dù ghi dấu ấn trong vai Tào Thị phim "Phạm Công Cúc Hoa" lẫy lừng một thời nhưng con đường nghề của Phương Dung cũng lận đận vô cùng.
Nghệ sĩ Phương Dung.
Thuở mới tốt nghiệp trường Nghệ thuật Sân khấu 2 (nay là trường Đại học Sân khấu Điện ảnh TPHCM), Phương Dung may mắn được NSND Kim Cương tuyển về đoàn kịch nói của bà.
Vừa về, Phương Dung đã được NSƯT Thành Trí ưu ái giao cho vai nặng ký trong vở "Cơn bão cuối cùng" và chị nhanh chóng tỏa sáng. Vậy mà chỉ vì yêu một nghệ sĩ trong đoàn mà Phương Dung quyết định bỏ nghề để được sống trọn vẹn với tình yêu, bất chấp sự ngăn cản của nhiều người.
Không biết vì người ta không tốt hay vì Phương Dung bị Tổ trách phạt mà ít lâu sau, mối tình đấy của chị dang dở.
Hai người chia tay, Phương Dung không còn mặt mũi quay lại đoàn nên làm đủ nghề mưu sinh, từ bán cơm tấm, bán bánh cuốn tới nhận may gia công tại nhà.
Những lúc nhớ sân khấu, Phương Dung lại lấy đồ hóa trang ra "làm mặt", nhìn ngắm mình trong gương rồi bôi đi khi những giọt nước mắt lăn dài xuống má.
Tưởng đã đứt đoạn với nghiệp diễn, nào ngờ Tổ thương lại đưa chị về với sân khấu. Một người thầy tình cờ gặp chị lúc đang bán bánh cuốn nên mời về đoàn kịch Bông Hồng diễn và đỡ đần khá nhiều về kinh tế.
Rồi nghệ sĩ Lê Vũ Cầu rủ chị đi tấu hài. Tiền lương ít ỏi, đôi khi còn bị "quên trả" nhưng Phương Dung vẫn cố gắng bám trụ với nghề, quyết không bỏ.
Ai mời vai gì chị cũng nhận. Vai lớn vai nhỏ, cát xê nhiều ít, chị đều không chê. Cứ được làm nghề, cứ kiếm được "lúa gạo" là chị vui rồi. Bởi thế, Phương Dung nhiều việc đến độ, đồng nghiệp đặt cho chị biệt danh là "Thánh bào" show.
Gần 40 năm làm nghề, ngoài chiếc huy chương bạc trong Liên hoan Kịch nói chuyên nghiệp toàn quốc năm 2008 cho vai diễn trong vở "Trai nhảy" của Sân khấu Kịch Sài Gòn, Phương Dung còn được khán giả bình chọn là Nghệ sĩ hài được yêu thích nhất giải HTV Awards 2009.
Điều đó chứng tỏ những nỗ lực của chị đã được khán giả và đồng nghiệp ghi nhận. Dù vậy, hạnh phúc riêng tư của Phương Dung lại đầy trắc trở.
Nghệ sĩ Phương Dung trong phim Vua bánh mì.
Phương Dung được đồng nghiệp gọi là "Thành bào" show, diễn viên... quốc dân vì hầu như phim nào chị cũng có mặt.
Hôn nhân lỡ dở, không con cái, yêu cháu ruột như con đẻ
Phương Dung nặng gánh gia đình và chuyện tình cảm riêng tư của chị cũng nhiều lận đận. Chị nhận mình là người cá tính, những người bên cạnh ít thấy Phương Dung khóc vì khi xác định đã làm gì, chị đều chấp nhận kết quả.
Chuyện tình cảm, Phương Dung từng gẫy đổ rất nhiều, thậm chí không có con cái, nhưng bù lại chị được rất nhiều khán giả yêu mến gọi bằng mẹ, giống như ông trời bù đắp lại cho những hi sinh và cả thất bại về tình duyên của chị.
Phương Dung chia sẻ, hồi chị có chồng, mẹ chồng rất sợ chị bởi chồng chị cứ đem mấy cái đĩa phim chị đóng vai ác, đánh con, chửi chồng, chửi mẹ chồng về cho cả nhà xem. Mẹ chồng xem xong bảo: "Ổn không con, sao mẹ thấy nó dữ quá".
Nghe mẹ nhận xét thế, chồng Phương Dung không dám dẫn chị về ra mắt gia đình. Chưa kể, mọi người còn có thành kiến, lấy vợ lấy chồng là nghệ sĩ rồi họ thay chồng thay vợ như thay áo.
Phương Dung nghĩ đó chỉ là vai diễn thôi chứ có phải con người thật của mình đâu. Chính vì thành kiến đó nên chị quyết tâm lấy lòng mẹ chồng.
Mẹ chồng chị giờ đã mất nhưng trước khi chết, bà nói "má coi Dung là con dâu cuối cùng của má", tức là Phương Dung đã thành công rồi. Nhưng vợ chồng là duyên nợ, đến và đi, chị phải chấp nhận, Phương Dung xem như hai người hết nợ với nhau nên chị bằng lòng hết thảy.
Sau này, Phương Dung chắp vá với một người đàn ông cũng từng có gia đình và có con riêng. Chị cảm thấy hài lòng với cuộc sống ấy. Chị xác định mình lớn tuổi, không sinh con được nên nhận con của em gái ruột làm con nuôi. Chị nuôi cháu từ nhỏ nên hai mẹ con rất tình cảm và thương yêu nhau.
Phương Dung và con nuôi. Chị rất thương con. Đi đâu, hai mẹ con cũng đi cùng.
Phương Dung bảo: "Dù đường tình duyên trắc trở nhưng Dung được bù đắp lại bằng người con nuôi rất hiểu chuyện và hiếu thảo".
Chị kể, có lần chị đưa con đi làm cùng. Hôm đó chỉ quay có 1 cảnh, vậy mà xem chị làm việc, con xót xa "má Hai làm cực quá". Chị bảo "Má cố gắng làm cực để sau này con không thiếu thốn bất cứ thứ gì".