Máy bay, tàu chiến đắp chiếu "vô số kể"
Nguyên nhân được cho là hoặc đang được tiến hành bảo dưỡng kỹ thuật hoặc đơn giản là đang chờ được thay thế phụ tùng và số lượng máy bay đang bị ùn đống lại trong các cơ sở sửa chữa, ngày càng nhiều hơn.
Nguyên nhân sâu xa khiến hơn một nửa chiến đấu cơ hiện đại - lực lượng tiến công chủ lực Không quân Hải quân Mỹ phải nằm sân đó chính là do thiếu tiền. Thêm vào đó, ngân sách cũng không đủ trang trải cho việc đảm bảo kỹ thuật đối với các tàu chiến của Hải quân và số lượng tàu chờ xếp hàng để được vào xưởng đang tăng chóng mặt.
Kế hoạch thay đổi liên xoành xoạch, chiếc thì bị hủy, chiếc thì bị hoãn lại công tác sửa chữa, khiến đến lúc chúng được vào xưởng thật sự thì nảy sinh thêm những hỏng hóc nghiêm trọng hơn và tất nhiên, lại phải cần nhiều thời gian hơn để khôi phục.
Thông thường, để bảo dưỡng, sửa chữa mỗi chiếc tàu sân bay cần tới 3 năm và đối với một số tàu ngầm, thời gian này còn kéo dài hơn, có thể lên tới 4 năm. Đương nhiên, trong thời gian này chúng đã bị "loại khỏi vòng chiến đấu" tạm thời.
Chẳng hạn như chiếc tàu ngầm tiến công hạt nhân USS Boise (SSN-764) thuộc lớp Los Angeles đã hết thời hạn "đăng kiểm", không được phép tiếp tục hoạt động do xưởng sửa chữa bị "tắc nghẽn".
Tàu ngầm tiến công hạt nhân USS Boise (SSN-764) thuộc lớp Los Angeles.
Các chỉ huy Hải quân Mỹ bức xúc tuyên bố, nếu không sớm được bổ sung ngân sách, tới cuối năm nay (2017) sẽ có thêm ít nhất 5 chiếc tàu ngầm khác cũng sẽ bị rơi vào tình cảnh tương tự.
Không những thế, Hải quân Mỹ còn không đủ tiền để chi trả cho thủy thủ đoàn và gia đình họ để thay đổi nhiệm vụ trong lúc chờ tàu được sửa chữa, số tiền này lên tới khoảng 400 triệu USD. Ước tính có tới 15% nhà cửa của các thủy thủ này đang ở trong tình trạng tồi tệ cần được sửa chữa, chuyển chỗ hoặc phải dỡ bỏ.
Thật kỳ lạ, bức tranh ảm đạm này trái ngược hoàn toàn với tham vọng của tân Tổng thống Trump khi ông tuyên bố sẽ mở rộng quy mô của Hải quân Mỹ từ 308 tàu lên 350 tàu và Kế hoạch của Tham mưu trưởng Hải quân Mỹ - Đô đốc John Richardson còn hơn thế, tới 355 tàu.
Các sĩ quan thuộc cấp của vị Đô đốc này đang phải xây dựng kế hoạch phát triển chi tiết nhằm thuyết phục các quan chức cao cấp của Quốc hội Mỹ, những người đang rất sốt ruột ngóng chờ để được nghe trình bày. Dường như để thực hiện được kế hoạch này, Hải quân Mỹ cần được "tắm bằng tiền".
Tuy nhiên, cho tới thời điểm này, tiền rất khan hiếm do hậu quả nhiều năm bị cắt giảm liên tục dưới thời chính quyền của cựu Tổng thống Obama, sau đó là Quốc hội và sự bất lực kinh niên của các nhà lập pháp do không cung cấp đúng, đủ, kịp thời ngân sách cho các hoạt động quân sự nói riêng và của chính phủ nói chung.
Ngân sách bị cắt giảm bất chấp nhu cầu ngày càng tăng để đảm bảo hoạt động của các hạm đội, và để duy trì năng lực đóng tàu, Hải quân Mỹ buộc phải lựa chọn cách giảm kinh phí bảo dưỡng, sửa chữa hơn là loại biên chúng.
Bởi lẽ, sẽ mất rất nhiều năm mới có thể khôi phục được hoạt động sản xuất/đóng mới tàu, kể cả khi ngân sách dồi dào cũng khó có thể làm được trong một sớm một chiều.
Năm nay là năm thứ 9 liên tiếp, Quốc hội đã thất bại, không thể hoàn tất việc phê duyệt ngân sách trước ngày 01/10 - ngày bắt đầu năm tài chính 2017, do bị trói buộc bởi các nghị quyết yêu cầu phải duy trì dòng tiền ở mức tương đương các năm trước.
Quốc hội có nhiều điều phải cẩn trọng, tuy nhiên, nhiều dự án hoặc kế hoạch mới không thể được tài trợ vì chúng chưa hề tồn tại trong các năm tài khóa trước.
Có nhiều ý kiến đồng thuận rằng các quyết định của Quốc hội đã "tàn phá" Lầu Năm Góc và ngành công nghiệp quốc phòng vốn đang sát cánh cùng quân đội, khiến chi phí tăng đáng kể để hồi phục sau thời gian đình trệ kéo dài.
Các tàu sân bay Mỹ.
Ai cũng biết, nhưng vẫn bó tay
"Trời biết, đất biết", mọi người đều biết và nói về chúng một cách thường xuyên những chẳng thể thay đổi gì cả, dường như có chút cấp bách trong Quốc hội để hướng tới một bản kế hoạch ngân sách "thông minh" và "sặc mùi kinh tế" hơn.
Các giải pháp sẽ được tiếp tục thực hiện cho tới tận ngày 28/04 tới đây, đánh dấu một khoảng dừng dài nhất về ngân sách kể từ năm tài khóa 1977, vượt xa so với khủng hoảng năm 2011 tới vài tuần, ông Todd Harrison, thành viên của Trung tâm nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế đã chia sẻ trên Twitter.
Sự kiện này cũng đánh dấu "sự cố" đầu tiên của Quốc hội ngay trong năm chuyển giao quyền lực của tổng thống mới. Và trong khi câu chuyện về việc đóng thêm hàng chục tàu chiến mới đang được bàn tán rôm rả thì dường như mọi chẳng hề rõ ràng, rằng bao giờ hoặc liệu Quốc hội có gỡ bỏ đạo luật Kiểm soát ngân sách - hay còn siết chặt hơn cho tới tận năm 2021.
Trong khi đó, có một số chi tiết đang nổi lên trong những nỗ lực của chính quyền mới nhằm dung hòa tiến trình lập ngân sách. Trong một biên bản ghi nhớ ngày 31/01, tân Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Mỹ James Mattis mô tả một kế hoạch gồm 3 giai đoạn bao gồm việc đệ trình kế hoạch "xin" ngân sách.
Theo đó, kế hoạch này sẽ phải được chuyển tới Cơ quan Quản lý và Ngân sách của Nhà Trắng trước ngày 01 tháng 3.
Theo kế hoạch, yêu cầu ngân sách hoàn chỉnh cho năm tài khóa 2018 phải được Cơ quan nói trên chấp thuận không muộn hơn ngày 01 tháng 5.
Giai đoạn 3 của kế hoạch liên quan đến việc hoạch định Chiến lược quốc phòng mới và Chương trình quốc phòng giai đoạn tài khóa 2019-2023, bao gồm từ "quy mô tổ chức biên chế mới" tới "các mục tiêu của sự phát triển quy mô quân đội" Bộ trưởng Mattis đề cập trong bản ghi nhớ.
Trong tuần này, các phó chỉ huy trưởng của Không quân, Lục quân, Hải quân và Thủy quân lục chiến Mỹ sẽ có phiên điều trần trước Ủy ban Quân vụ hạ viện vào thứ Ba, và với Ủy ban Quân vụ Thượng viện trong ngày tiếp sau đó.
Tiêm kích F/A-18.
Các vị "phó tướng" này hy vọng sẽ thuyết phục được các nhà lãnh đạo về số tiền họ cần được chi ngay lập tức hơn là về việc tài trợ cho những dự án mang tính dài hạn, khi chỉ còn có 5 tháng nữa trong năm tài chính này và thậm chí Quốc hội có phê chuẩn ngân sách 2017 đi chăng nữa thì cũng không thể đưa ra sử dụng ngay được.
"Nếu chúng tôi xin được ngân sách, điều đầu tiên chúng tôi sẽ làm là phải trang trải ngay cho những khoản chi cấp bách vốn đang bị đình trệ", một quan chức cao cấp của Hải quân Mỹ tuyên bố hôm 2/2.
"Có một danh sách dài các khoản chi đang chờ như bảo dưỡng tàu, sửa chữa, thay thế phụ tùng máy bay và tu sửa nhà cửa cho quân nhân. Chúng tôi cần ngay khoảng 6-8 tỷ USD để chi trong tháng 4".
Tình hình của Không quân hải quân Mỹ đang hết sức tệ hại, theo báo cáo mới nhất, có khoảng 53% trong tổng số 1.700 máy bay chiến đấu, tuần thám, vận tải và trực thăng đang phải "đắp chiếu".
Không phải tất cả đều do vấn đề ngân sách, bởi trong bất cứ thời điểm nào cũng thường xuyên có từ 1/4 tới 1/3 số máy bay phải đưa khỏi biên chế phục vụ để thực hiện công tác bảo dưỡng định kỳ. Nhưng con số 53% là quá khủng khiếp, gấp hơn 2 lần định mức thông thường.
Tình trạng của các máy bay chiến đấu còn tồi tệ hơn và điều đó đã ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức chiến đấu của Hải quân Mỹ khi có tới 62% số F/A-18 phải đắp chiếu, trong đó có 27% đang nằm trong xường và 35% đơn giản là đang chờ bảo dưỡng hoặc phụ tùng thay thế.
Cộng với số giờ bay huấn luyện và bay nhiệm vụ giảm do ngân sách bị cắt, các phi công Hải quân Mỹ đang phải chật vật để duy trì số giờ bay tối thiểu.