Ngày 15-12, buýt nhanh không chạy thử trên đường phố Hà Nội

Nguyễn Hưởng |

Xe buýt nhanh đã không chạy thử ngày hôm nay 15-12 trên đường phố Hà Nội dù Phó Giám đốc Sở GTVT mới khẳng định điều này vào chiều qua 14-12.

Sáng ngày 15-12, trao đổi với Báo Người Lao Động, ông Vũ Hà, Giám đốc Ban Quản lý dự án trọng điểm Hà Nội (Sở Giao thông vận tải (GTVT) Hà Nội) cho biết theo chỉ đạo của UBND TP Hà Nội, các đơn vị liên quan, phải vận hành thử tuyến xe buýt nhanh (BRT) trước ngày 15-12.

 Do vậy, vào ngày 12-12 vừa qua, Ban Quản lý dự án trọng điểm đã cho vận hành thử kỹ thuật để ghép nối xe với nhà chờ.

“Mục tiêu chạy thử ngoài đường là để khớp nối kỹ thuật, nhưng công đoạn này đã được chúng tôi hoàn thiện.

 Như vậy, từ nay đến 31-12, chúng tôi sẽ tiếp tục hoàn thiện xong các nội dung về kỹ thuật như chỉnh sửa nhà chờ, biển báo... của tuyến buýt nhanh sao cho phù hợp.

 Bên cạnh đó, chúng tôi cũng thông báo phương án tổ chức giao thông dọc tuyến đường xe buýt nhanh đi qua cho người dân từng bước quen với việc này”- ông Hà giải thích

Bên cạnh đó, ông Vũ Hà cũng cho biết thêm khi đã khớp nối kỹ thuật xong tại bến thì việc chạy thử ngoài đường là không cần thiết.

Trước đó, chiều ngày 14-12, Phó giám đốc sở GTVT Hà Nội ông Hà Huy Quang khẳng định ngày 15-12, tuyến buýt nhanh sẽ chạy thử và khớp nối kỹ thuật. Đến đầu năm 2017, tuyến buýt này mới chính thức đi vào hoạt động.

“Trước đó, Sở GTVT và Công an Hà Nội đã có tờ trình gửi UBND thành phố về phương án tổ chức giao thông ưu tiên cho tuyến buýt nhanh.

 Sáng nay 15-12, tờ trình này đã được thống nhất. Từ ngày 15-12, Hà Nội sẽ ban hành nhiều lệnh cấm đối với các phương tiện giao thông trên một số tuyến đường”- ông Quang nói.

Trong tờ trình, Sở GTVT Hà Nội trình UBND TP Hà Nội phương án phân luồng, tổ chức giao thông để vận hành thử nghiệm tuyến xe buýt nhanh BRT (từ Kim Mã đến bến xe Yên Nghĩa) và đã được chấp thuận.

 Theo đó, trong giai đoạn chạy thử, sẽ có 29 xe buýt được đưa vào vận hành, tần suất hoạt động từ 3-5 phút/chuyến, tốc độ vận hành trung bình 22-30 km/h, thời gian vận hành một lượt từ 45-55 phút.

Ngày 15-12, buýt nhanh không chạy thử trên đường phố Hà Nội - Ảnh 1.

Trước đó, ngày 13-12, nhiều nhà chờ thuộc tuyến xe buýt ngang vẫn ngổn ngang vật liệu xây dựng - Ảnh: CTV

Khi xe buýt nhanh đi vào hoạt động, Sở GTVT sẽ cấm xe khách, ô tô tải (từ 500 kg trở lên) hoạt động trong giờ cao điểm (sáng từ 6 giờ-9 giờ, chiều từ 16 giờ 30-19 giờ 30) trên tuyến đường trục phía Bắc Hà Đông (đoạn từ Lê Trọng Tấn đến nút Tố Hữu - Vạn Phúc). 

Các xe chở học sinh, cán bộ công nhân viên và xe xử lý sự cố được hoạt động bình thường.

Đối với xe taxi sẽ cấm hoạt động trong giờ cao điểm (sáng từ 6 giờ-9 giờ, chiều 16 giờ 30-19 giờ 30) trên tuyến đường Giảng Võ - Láng Hạ - Lê Văn Lương.

 Với các xe chở bệnh nhân cấp cứu, người già, người tàn tật, xe khắc phục sự cố được hoạt động bình thường.

Tại 2 cầu vượt Láng Hạ - Huỳnh Thúc Kháng và Lê Văn Lương - Láng, sẽ có tín hiệu đèn ưu tiên cho xe BRT lên cầu nhằm giảm xung đột với các loại phương tiện cơ giới khác.

Sở GTVT Hà Nội cũng sẽ cấm các phương tiện mô tô, xe gắn máy, xe thô sơ đi trên 2 cầu vượt trên trong giờ cao điểm (sáng từ 6 giờ-9 giờ, chiều từ 16 giờ 30-19 giờ 30); cấm toàn bộ xe tải, xe ô tô chở hàng… lưu thông trên 2 cây cầu vượt.

Tuyến buýt nhanh BRT Kim Mã - Yên Nghĩa dài 14 km, chạy theo lộ trình Yên Nghĩa - Ba La - Lê Trọng Tấn - Lê Văn Lương kéo dài - Láng Hạ - Giảng Võ - Bến xe Kim Mã.

Tổng đầu tư của dự án là 55 triệu USD (trên 1.100 tỉ đồng) bằng vốn vay của Ngân hàng Thế giới. Dự án khởi công đầu năm 2013, ban đầu dự kiến khai thác vào quý II/2015.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại