Ngập trong đống nợ, Tổng công ty Đường sắt xin ứng hơn 470 tỉ đồng

Duyên Duyên |

Nợ lương công nhân, nợ tiền vật tư, nợ lãi vay ngân hàng... trong khi công việc gặp nhiều khó khăn, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) đã xin Thủ tướng cho phép Bộ Giao thông vận tải ứng trước 471,149 tỉ đồng để trả nợ.

Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) vừa có công văn gửi Thủ tướng Chính phủ báo cáo về việc thực hiện các công trình khẩn cấp tại Tổng công ty này và đề nghị một số nội dung để giải quyết khó khăn cho VNR.

Theo đó, VNR cho biết, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, với vai trò là chủ đầu tư các công trình xây dựng theo lệnh khẩn cấp của Thủ tướng Chính phủ, VNR đã yêu cầu nhà thầu triển khai hoàn thành công trình đúng theo tiến độ Thủ tướng Chính phủ yêu cầu.

Đến nay, công trình xây dựng mới 3 cầu Đồng Nai, Tam Bạc, Thị Cầu và công trình xây dựng các hạng mục công trình thuộc giai đoạn 2, kế hoạch 1856 đều cơ bản hoàn thành vào quý 2/2013 và cuối năm 2013.

"Việc VNR đang nợ hơn 471 tỉ đồng các nhà thầu thi công từ năm 2013 đến nay là vô cùng khó khăn với các nhà thầu.

Cụ thể, VNR hiện nợ lương công nhân, nợ tiền vật tư, nợ chi trả lãi vay ngân hàng mỗi năm phát sinh trên 45 tỉ đồng (bình quân mỗi tháng gần 4 tỉ đồng, trong khi công việc những năm qua lại vô cùng khó khăn dẫn đến các nhà thầu có nguy cơ đóng tài khoản, nếu nợ tiếp tục kéo dài sẽ phải dừng hoạt động”, VNR nhấn mạnh trong báo cáo gửi Thủ tướng.

Bên cạnh đó, cũng theo VNR, các nhà thầu trước đây trực thuộc Tổng công ty Đường sắt Việt Nam nay đã được cổ phần hoá, một số công ty đã thoái hết vốn, số còn lại đang tiếp tục thoái vốn, vì vậy việc thanh toán cổ tức, đối chiếu thanh toán nợ với VNR không thể thực hiện được.

Do đó, VNR cho biết đã không thu hồi được hàng chục tỉ đồng tiền cổ tức, tiền nợ khác của Tổng công ty vì các đơn vị quá khó khăn, không có kinh phí để trả nợ Tổng công ty.

Trên cơ sở đó, VNR kiến nghị Thủ tướng cho phép Bộ Giao thông Vận tải ứng trước hơn 471,149 tỉ đồng hoặc bố trí đủ từ nguồn dự phòng ngân sách trung ương năm 2016 để Bộ Giao thông Vận tải giao VNR thanh toán hết cho nhà thầu.

Trước đó, theo báo cáo của ban lãnh đạo VNR, trong 6 tháng đầu năm 2016, sản lượng và doanh thu toàn ngành đường sắt sụt giảm so với cùng kỳ và không không đạt chỉ tiêu bình quân kế hoạch đề ra. Theo đó, VNR chỉ đạt doanh thu hơn 3.188 tỉ đồng trong nửa năm đầu.

Nguyên nhân được cho là do ảnh hưởng của tình trạng cá chết ở miền Trung đã khiến cho lượng khách du lịch tới đây giảm mạnh, không bán được vé tàu tới các điểm du lịch miền Trung.

Bên cạnh đó, còn do sập cầu Ghềnh làm đứt mạch tuyến đường sắt Bắc - Nam và áp lực cạnh tranh với hàng không giá rẻ.

Hàng loạt sai phạm bị phát hiện tại VNR

Vào đầu tháng 9.2016, Thanh tra Chính phủ đã công bố báo cáo thanh tra với nhiều sai phạm tại Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR)

Theo đó, Thanh tra Chính phủ cho rằng, VNR đang nắm trong tay hệ thống hạ tầng đường sắt khổng lồ nhưng kinh doanh trì trệ, thậm chí còn làm thất thoát vốn, đặc biệt là có dấu hiệu xem thường lợi ích của Nhà nước khi lợi dụng chủ trương để “biến hóa” 2 khu đất “vàng” ở trung tâm Hà Nội.

Cụ thể, từ năm 2003-2009, VNR đã thực hiện 3 dự án mua sắm máy móc, thiết bị với tổng giá trị đầu tư gần 408 tỉ đồng.

Việc đầu tư không theo phương thức kinh doanh mà mua tài sản giao cho các công ty TNHH MTV bằng hình thức ghi công nợ nội bộ, thu hồi nợ bằng mức khấu hao, không có hiệu quả đầu tư cụ thể.

Quy mô đầu tư một số loại tài sản vượt nhu cầu sử dụng, tính năng tài sản chưa phù hợp với điều kiện khai thác thực tế, hạch toán quản lý tài sản sai chế độ. Đặc biệt, VNR đã phê duyệt chi phí lãi vay nằm trong đơn giá ca máy sai quy định 66,807 tỉ đồng.

Mặt khác, phương thức đầu tư và giao tài sản như trên đã đẩy khó khăn, áp lực tăng chi phí khấu hao bất hợp lý cho các công ty quản lý hạ tầng, làm giảm hiệu quả kinh doanh, ảnh hưởng đến đời sống người lao động.

Đây cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến khiếu kiện về tiền công, tiền lương quá thấp của người lao động ở một số công ty quản lý hạ tầng đường sắt thời gian qua.

Thanh tra Chính phủ cũng khẳng định, VNR góp vốn kinh doanh ngoài ngành bằng quyền thuê đất và tài sản gắn liền với đất tại 80 Lý Thường Kiệt và 22 Phan Bội Châu là trái quy định.

Thời điểm năm 2003, VNR đang quản lý sử dụng cơ sở kinh doanh khách sạn trên 2 thửa đất liền kề diện tích 978,48 m2 ở 80 Lý Thường Kiệt và 22 Phan Bội Châu - là vị trí thuận lợi hàng đầu ở Thủ đô Hà Nội.

Tuy nhiên công ty này đã không đấu thầu, đấu giá để tránh thất thoát tài sản và lựa chọn được nhà đầu tư tốt nhất, mà VNR thực hiện theo thủ tục góp vốn thành lập doanh nghiệp mới để thực hiện thỏa thuận đầu tư kinh doanh khách sạn 4 sao.

VNR đã lựa chọn đối tác chưa có khả năng, kinh nghiệm đáp ứng trong lĩnh vực kinh doanh khách sạn.

Ngoài ra, kết luận của Tranh tra Chính phủ cho thấy, VNR đã tổ chức 188 đoàn đi nước ngoài với tổng số tiền chi gần 14 tỉ đồng, trong đó có 23 đoàn đi không có văn bản mời hay hợp đồng học tập với phía đối tác, tổng số tiền gần 2 tỉ đồng (12 đoàn có trong kết hoạch, giá trị thanh toán 1,28 tỉ đồng, 11 đoàn không có trong kế hoạch giá trị thanh toán 663 triệu đồng).

Kiểm tra hồ sơ 5 đoàn đi nước ngoài năm 2012-2013, Thanh tra Chính phủ phát hiện cả 5 đoàn đi đều hợp đồng qua các công ty du lịch trong nước (theo tours) với nội dung đi nước ngoài là “tham quan, học tập”, tổng số tiền thanh toán trên 1,7 tỉ đồng - sai quy định tại Thông tư 91/2005 của Bộ Tài chính và sai chế độ tài chính về quản lý chi phí.

Thanh tra Chính phủ nhấn mạnh, dù hoạt động điều hành sản xuất kinh doanh của Ban điều hành Tổng công ty Đường sắt Việt Nam trong giai đoạn từ 2010 đến năm 2013 còn nhiều tồn tại vi phạm nhưng tổng công ty này vẫn trích tối đa quỹ thưởng ban điều hành với số tiền trên 1,85 tỉ đồng theo loại hình doanh nghiệp xếp loại A là chưa phù hợp.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại