Nga xoay chuyển cục diện Trung Đông: Chặng đầu đã hoàn thành, nửa chặng cuối còn xa

Đại sứ Trần Đức Mậu |

Tuyên bố mới đây của ông Putin về việc rút quân khỏi Syria đánh dấu một bước mới trên con đường can thiệp chính trị, quân sự của Nga tại quốc gia này với nhiều ý nghĩa to lớn.

"Nga đã hoàn toàn làm chủ tình hình"

"Quê hương đón chờ các bạn. Tôi cảm ơn sự cống hiến và chúc các bạn có chuyến hồi hương tốt lành," tổng thống Nga Vladimir Putin đã dùng những ngôn từ ấy tại Syria để tiễn những binh lính Nga đầu tiên được triệt thoái khỏi Syria.

Tháng trước ở Sochi, ông Putin đã để cập đến việc rút quân đội Nga từ Syria về nước. Trong chuyến thăm Syria bất ngờ này, ông Putin ra lệnh bắt đầu quá trình rút quân.

Việc này là logic, cần thiết và không thể khác sau khi phía Nga tuyên bố chấm dứt thời kỳ hoạt động quân sự tích cực ở Syria và tuyên cáo sự tan rã của tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) ở Iraq và Syria. Tổng thống Iran lẫn thủ tướng Iraq cũng chia sẻ cùng quan điểm với chính quyền Nga.

Đây là lần đầu tiên ông Putin tới Syria kể từ khi Nga chính thức can dự quân sự trực tiếp vào diễn biến tình hình chiến sự ở đất nước này. Hiện tại, lệnh triệt thoái quân đội đã bắt đầu được triển khai.

Thông điệp ông Putin gửi đi qua tuyên bố này chỉ có thể là Nga đã thắng và đã hoàn toàn làm chủ tình hình. Tác nhân quân sự đã hoàn thành sứ mệnh của nó và bây giờ là giai đoạn xử lý khía cạnh chính trị của vấn đề Syria.

Tổng thống Nga Vladimir Putin ra lệnh bắt đầu đưa quân về nước. Nguồn: BBC News

Thắng lợi của Nga ở đây phải được hiểu trên cả ba phương diện.

Thứ nhất là Nga giúp cho thể chế chính trị nhà nước hiện tại ở Syria với tổng thống Bashir al-Assad không bị Mỹ và đồng minh lật đổ thông qua các lực lượng đối lập.

Thứ hai, IS ở Syria đã bị đánh bại và những lực lượng đối lập khác tuy chưa tan rã nhưng không còn là đối thủ chính trị lẫn quân sự đối với ông Assad nữa.

Và thứ ba, Nga đã trở lại với vai trò và ảnh hưởng chính trị an ninh, sắp xếp trật tự và bảo hộ cho tương lai của khu vực này như Liên Xô thời xưa.

Cuộc chơi đầy mạo hiểm

Hơn hai năm trước, sự can dự quân sự trực tiếp của Nga vào Syria được nhìn nhận ở nhiều nơi trên thế giới như một cuộc phiêu lưu quân sự đầy rủi ro đối với Nga. Chuyện này được so sánh với chuyện ở Afghanistan đối với Liên Xô và ở Việt Nam đối với Mỹ trong thế kỷ trước.

Thực tế diễn ra đã không phải như vậy.

Nga đã dùng cuộc chơi riêng ở Syria không chỉ để làm xoay chuyển cục diện tình hình chính trị an ninh ở Damascus mà còn để làm thay đổi cả cuộc chơi quyền lực với Mỹ, EU và Nato.

Nga chấp nhận mọi rủi ro trong cuộc chơi đầy mạo hiểm để thoát khó ở châu Âu và đồng thời kiếm lợi ở nơi xa. Nhìn chung, hiệu ứng cộng hưởng của chúng sẽ đem lại cho Nga vị thế, vai trò và ảnh hưởng chính trị thế giới như xưa.

Bây giờ, một khi đã nhận định được tình hình, Nga không thể không triệt thoái quân đội bởi chỉ như vậy thì lời nói của Nga mới đáng được tin cậy. Và đặc biệt, chỉ như thế mới mở đường và tạo điều kiện thuận lợi cần thiết để có được giải pháp chính trị cho vấn đề Syria.

Nga xoay chuyển cục diện Trung Đông: Chặng đầu đã hoàn thành, nửa chặng cuối còn xa - Ảnh 2.

Lính Nga tại Syria. Ảnh: AP

Thắng lợi về quân sự mới chỉ là bước đầu, là điều kiện cần chứ chưa thể là đủ. Giải pháp chính trị bao hàm hòa giải và hòa hợp dân tộc ở Syria mới đảm bảo cho hòa bình, an ninh và ổn định có thể bền vững lâu dài.

Cứ cho là Nga đã đi được nửa đường thì nửa đường còn lại tới đích khó khăn và trắc trở không kém.

Một mình Nga hay có cùng Iran và Thổ Nhĩ Kỳ đi chăng nữa cũng không thể gánh vác được thành công chuyện tái thiết Syria sau chiến tranh và nội chiến.

Nga xoay chuyển cục diện Trung Đông: Chặng đầu đã hoàn thành, nửa chặng cuối còn xa - Ảnh 3.

Nga cần Mỹ, EU, LHQ và nhiều đối tác khác nữa trong khu vực. Khuôn khổ diễn đàn thương thảo Astana vì thế chưa thể đủ mà Nga vẫn cần đến cả khuôn khổ hội nghị ở Geneve về Syria.

Nhưng đấy là chuyện từ nay về sau. Nhìn từ hiện tại về phía sau thì không thể không thấy Nga đã làm thay đổi cục diện tình hình và tương quan lực lượng ở khu vực Trung Đông và vùng Vịnh cơ bản như thế nào.

Mỹ, EU, Nato và Ả Rập Saudi là những bên bị thua thiệt nhiều nhất từ thắng lợi quân sự của Nga ở Syria.

Thắng lợi mang ý nghĩa chiến lược lâu dài đối với Nga tương tự như thất bại chiến lược to lớn đối với các đối tác còn lại.

Ở khu vực này cũng như trong mối quan hệ của Nga với các đối tác ấy hiện không chỉ xuất hiện tình thế mới mà còn cả thời kỳ mới.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại