Nga vội chớp thời cơ Mỹ-Triều bế tắc, TT Putin rộng vòng tay đón lãnh đạo Kim Jong Un?

Hải Võ |

Triều Tiên và Nga đã có hàng loạt động thái tăng cường quan hệ, sau khi hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều hồi tháng 2 không đạt được thỏa thuận - hãng Yonhap (Hàn Quốc) đưa tin.

Hôm thứ Năm, 14/3, Thứ trưởng ngoại giao Triều Tiên Im Chon Il đã gặp người đồng cấp Nga Igor Morgulov tại Moskva để thảo luận về "lịch trình các tiếp xúc chính trị" - theo thông cáo của Bộ ngoại giao Nga.

"Hai bên thảo luận các vấn đề cấp bách trong phát triển quan hệ song phương, bao gồm một lịch trình các tiếp xúc chính trị và triển vọng đẩy mạnh hợp tác trong các lĩnh vực thực tế," thông cáo cho hay. "Việc trao đổi quan điểm về tình hình bán đảo Triều Tiên cũng được tiến hành."

Phía Nga không cung cấp thêm chi tiết về "các tiếp xúc chính trị", nhưng giới quan sát dự đoán lịch trình này có thể bao gồm chuyến thăm của nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un tới Moskva, cũng như hội nghị thượng đỉnh đầu tiên giữa ông Kim với tổng thống Vladimir Putin.

Hồi năm ngoái, tổng thống Hàn Quốc Moon Jae In nói rằng ông dự kiến ông Kim sẽ thăm Nga trong tương lai gần.

Trước chuyến thăm Nga của ông Im, hồi tuần trước Bộ trưởng kinh tế đối ngoại Triều Tiên Kim Yong Jae đã gặp Bộ trưởng phát triển Viễn Đông Nga Alexander Kozlov để trao đổi về các vấn đề hợp tác kinh tế, thương mại.

Han Man Hyok, quan chức cấp cao trong đảng Lao động Triều Tiên, cũng đến Nga trong tuần trước để dự triển lãm ảnh kỷ niệm 70 năm chuyến thăm Nga cấp nhà nước của cố lãnh tụ Triều Tiên Kim Nhật Thành.

Nga vội chớp thời cơ Mỹ-Triều bế tắc, TT Putin rộng vòng tay đón lãnh đạo Kim Jong Un? - Ảnh 1.

Bộ trưởng kinh tế đối ngoại Triều Tiên Kim Yong Jae (trái) bắt tay Bộ trưởng phát triển Viễn Đông Nga Alexander Kozlov tại Moskva, ngày 6/3/2019 (Ảnh: Yonhap)

Tiến triển ngoại giao nhanh chóng giữa Nga-Triều diễn ra ngay sau hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều tại Hà Nội ngày 27-28/2. Không có thỏa thuận nào đạt được trong cuộc gặp giữa tổng thống Mỹ Donald Trump với ông Kim Jong Un.

Bình Nhưỡng khẳng định họ cam kết dỡ bỏ cơ sở hạt nhân Yongbyon trước sự hiện diện của các thanh sát viên Mỹ, để đổi lại việc dỡ bỏ một phần cấm vận. Trong khi đó, Washington nói Triều Tiên đòi Mỹ dỡ toàn bộ cấm vận, nhưng chỉ chấp nhận phi hạt nhân hóa tại các khu vực "ít quan trọng" hơn so với yêu cầu của Mỹ.

Trong những ngày qua, Triều Tiên thúc giục Mỹ chấp nhận đề xuất phi hạt nhân từng bước của Bình Nhưỡng. Tuy nhiên, Washington vẫn giữ lập trường cứng rắn. Trưởng đoàn đàm phán hạt nhân của Mỹ, ông Stephen Biegun khẳng định Mỹ muốn một giải pháp tổng thể về phi hạt nhân hóa bán đảo.

Trong khi Mỹ-Triều chưa đồng thuận về lộ trình đàm phán tiếp theo, Bình Nhưỡng đã gia tăng nỗ lực củng cố quan hệ với láng giềng Nga và Trung Quốc.

Hong Min, nhà nghiên cứu cấp cao tại Viện thống nhất quốc gia (Hàn Quốc), đánh giá: "Những động thái ngoại giao linh hoạt gần đây của Bình Nhưỡng với Trung Quốc và Nga có thể xem là nhằm gia tăng đòn bẩy với Washington, bằng cách gửi tín hiệu rằng [Triều Tiên] có thể tìm kiếm những phương án khác để phát triển kinh tế nếu như đàm phán hạt nhân bị trì trệ trong tiến triển để giảm nhẹ các lệnh cấm vận".

Sáng nay, 15/3, Thứ trưởng ngoại giao Triều Tiên Choe Son Hui trả lời báo chí tại Bình Nhưỡng, cho biết nước này "không có ý định khuất phục trước những yêu cầu của phái Mỹ (được đưa ra trong hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều hồi cuối tháng 2) dưới bất kỳ hình thức nào, cũng như không sẵn sàng thúc đẩy các cuộc đàm phán theo hướng này".

Thứ trưởng Choe thúc giục chính quyền tổng thống Trump thay đổi sách lược trong đàm phán hạt nhân, và nhấn mạnh Bình Nhưỡng không có ý định nhân nhượng lập trường.

Bà cho biết thêm, nước này sẽ sớm đưa ra quyết định về việc có tiếp tục theo đuổi đàm phán và kiềm chế tiến hành thử nghiệm hạt nhân/tên lửa hay không.

Tuyên bố về khả năng đình chỉ đàm phán hạt nhân với Mỹ mà Triều Tiên vừa đưa ra được đánh giá là động thái hết sức bất ngờ, bởi bất chấp một số ghi nhận Triều Tiên tái khởi động bãi phóng tên lửa, Mỹ-Triều trước đó vẫn khẳng định thiện chí tiếp nối các vòng đối thoại.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại