Nga tuyên bố đanh thép về tên lửa 9M729 đang khiến Mỹ 'mất ngủ'

Kiệt Linh |

Yêu cầu của Mỹ về việc Nga phải xóa sổ toàn bộ tên lửa hành trình 9M729 trong một quá trình được kiểm chứng là điều hoàn toàn không thể chấp nhận được đối với Nga, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov đã tuyên bố đanh thép như vậy trong một cuộc họp báo diễn ra ngày hôm qua (23/1).

Cuộc họp báo này do Bộ Ngoại giao và Bộ Quốc phòng Nga đồng tổ chức nhằm giới thiệu và giải thích về tên lửa 9M729 – một tên lửa đang khiến phương Tây lo sợ.

"Phái đoàn Mỹ đã đến Geneva tham dự cuộc họp tham vấn về Hiệp ước Các Lực lượng Hạt nhân Tầm trung (INF) với mục đích duy nhất là để đọc ra một tuyên bố đã được viết ra từ trước về việc Nga bác bỏ tối hậu thư từ phía Mỹ yêu cầu Nga đơn phương nhượng bộ, đó là xóa bỏ một cách có kiểm chứng toàn bộ tên lửa 9M729, các bệ phóng và những thiết bị có liên quan”, ông Ryabkov cho biết.

"Rõ ràng, cách tiếp cận giải quyết vấn đề kiểu đó không phải là một nỗ lực nhằm đạt được một giải pháp có thể phù hợp với cả hai bên mà là cách tiếp cận không thể chấp nhận được với chúng tôi", Thứ trưởng Ngoại giao Nga chỉ trích.

Ông Ryabkov nhấn mạnh, Nga sẽ trình làng tên lửa hành trình 9M729 cho đại diện Tổ chức Hiệp ước An ninh Tập thể (CSTO), BRICS, Liên minh Châu Âu (EU) và NATO.

"Đại diện của CSTO, BRICS, Liên minh Châu Âu (EU) và NATO đã được mời đến sự kiện ngày hôm nay, cùng với đại diện của các nước Châu Âu, Châu Á nhất định. Chúng tôi đặt ra nhiệm vụ tạo điều kiện cho các chuyên gia nước ngoài có cơ hội được tận mắt xem vũ khí của chúng tôi”, ông Ryabkov nói.

Nhà ngoại giao Nga bày tỏ hy vọng, sự kiện ngày hôm qua liên quan đến tên lửa hành trình 9M729 sẽ đem lại một cơ hội khác để Mỹ tiếp tục duy trì hiệp ước INF.

"Chúng tôi hy vọng những thông số kỹ thuật cùng những đánh giá khách quan mà chúng tôi đưa ra về tên lửa 9M729 sẽ dẫn tới việc Mỹ suy nghĩ lại về tiến trình mà họ đang định theo đuổi và điều này sẽ đem đến một cơ hội khác cho đối thoại nhằm bảo vệ Hiệp ước INF. Về phần chúng tôi, chúng tôi tiếp tục sẵn sàng cho những công việc như vậy.

Điều đó nên được làm dựa trên sự cân nhắc vì lợi ích chung, vì lợi ích của hai bên, quan tâm đến nỗi quan ngại của nhau và không có bất kỳ tối hậu thư gây phản tác dụng nào”, Thứ trưởng Ryabkov nhấn mạnh.

"Hiệp ước cần được bảo vệ. Mọi việc phụ thuộc vào Mỹ", ông Ryabkov nói thêm.

Nga hôm qua đã tổ chức một cuộc họp báo để “trình làng” tên lửa 9M729 (NATO gọi là SSC-8) với mục đích nhằm để loại bỏ mối quan ngại của phương Tây. Đây là một nỗ lực nhằm cứu vớt hiệp ước INF trong bối cảnh Mỹ đang đe dọa hủy bỏ nó.

Mỹ gần đây tuyên bố, nước này sẽ khởi động quá trình rút ra khỏi Hiệp ước Các Lực lượng Hạt nhân Tầm trung (INF) vào ngày 2/2 tới với lý do Nga “không tuân thủ” hiệp ước. Cụ thể, phía Mỹ cáo buộc tên lửa SSC-8 của Nga vi phạm hiệp ước INF và đòi Moscow phải hủy bỏ toàn bộ các tên lửa loại này nếu không muốn Mỹ rút khỏi INF.

Ngay sau khi Mỹ ra tối hậu thư đòi Nga hủy bỏ toàn bộ các tên lửa SSC-8, Bộ Quốc phòng Nga đã lần đầu tiên cho “trình làng” tên lửa 9M729 để các tùy viên quân sự nước ngoài có thể trực tiếp nhìn thấy loại vũ khí mới này của Nga.

Tuy nhiên, các đại diện của Mỹ, Anh, Pháp, Đức, Liên minh Châu Âu (EU) và NATO không đến tham dự sự kiện giới thiệu tên lửa của Nga. Diễn biến này đã phá vỡ hy vọng về việc Nga và Mỹ có thể tháo gỡ được cuộc khủng hoảng liên quan đến tên lửa 9M729 và hiệp ước INF.

INF được ký kết là để giải quyết một cuộc khủng hoảng tên lửa hạt nhân thời Xô-viết nhằm vào các thủ đô phương Tây.

Hiệp ước INF được ông Mikhail Gorbachev và ông Ronald Reagan ký năm 1987 cấm Nga và Mỹ phát triển, triển khai và thử nghiệm các tên lửa hành trình và tên lửa đạn đạo được phóng đi từ mặt đất với tầm bắn từ khoảng 300 đến 3.400 dặm (tương đương từ 482km đến 5470km).

Hiệp ước này được coi là một thành tựu lớn đạt được trong nỗ lực nhằm “tháo ngòi” căng thẳng trong Chiến tranh Lạnh và giúp hóa giải nỗi lo sợ về vũ khí hạt nhân ở Châu Âu.

Nga và Mỹ liên tục cáo buộc lẫn nhau về những vụ vi phạm hiệp ước. Mỹ tố cáo Nga chế tạo các tên lửa bị cấm trong hiệp ước.

Trong khi đó, Nga tố ngược lại rằng Mỹ không tuân thủ INF khi thiết lập các căn cứ quân sự ở Đông Âu có khả năng không chỉ phòng thủ mà còn tấn công được và có thể nhằm vào Nga. Bất chấp những lời cáo buộc trên, chính quyền của cựu Tổng thống Barack Obama trước đó đã quyết định không từ bỏ thỏa thuận này.

Tuy nhiên, Tổng thống Mỹ Donald Trump hồi tháng 10 năm ngoái đã bất ngờ tuyên bố sẽ rút nước này ra khỏi Hiệp ước Các Lực lượng Hạt nhân Tầm trung (INF) để trả đũa cho việc Nga không tuân thủ INF.

Giới chức Nga liên tục đưa ra những cảnh báo về hậu quả đáng sợ gây ra từ hành động của ông Trump nếu ông này thực hiện đúng như lời tuyên bố.

Theo dự định, ông Trump sẽ rút Mỹ ra khỏi hiệp ước INF vào ngày 2/2 để mở đường cho Mỹ lao vào công cuộc phát triển các tên lửa tầm trung, chạy đua với Nga và Trung Quốc. Mỹ sẽ có 6 tháng để chính thức hoàn tất quá trình rút khỏi hiệp ước.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại