Nga ra đòn chớp nhoáng, Mỹ-Israel trở tay không kịp
Tình hình Trung Đông những tưởng sẽ hạ nhiệt khi các bên cùng xuống nước nhằm tìm giải pháp mềm dẻo để giải quyết tình hình căng thẳng tại Idlib ở Syria.
Tuy nhiên, vụ Israel giăng bẫy để máy bay trinh sát IL-20 bị tên lửa phòng không Syria bắn nhầm làm toàn bộ thành viên phi hành đoàn gồm 15 người thiệt mạng đã khiến Nga hết sức tức giận.
Moscow lập tức chuyển giao tên lửa S-300 cho Syria như là một phần trong những hành động trả đũa liên hoàn. Trước đây, Israel và Mỹ đã ngăn chặn thành công thương vụ này, nhưng nay, "giọt nước đã tràn ly", không thể nhún nhường thêm được nữa, Moscow đã ra đòn nhanh chóng khiến đối thủ trở tay không kịp.
Và hôm nay, Syria chính thức nhận được những tổ hợp tên lửa S-300 đầu tiên như mong ước sau nhiều năm tưởng chừng như rơi vào vô vọng. Bên cạnh S-300, Syria còn nhận được từ Nga nhiều loại vũ khí trang bị hiện đại khác.
Điều Israel - Mỹ lo lắng nhất đã xảy ra: Syria có S-300. Từ nay, các chiến dịch tập kích đường không mà Israel hay Mỹ và đồng minh muốn thực hiện đối với Damascus trở nên khó khăn gấp bội bởi Syria đã có trong tay "bảo kiếm" khiến máy bay chiến đấu tàng hình cũng phải nể sợ. Nga đã nói là làm, và đã làm hết sức quyết liệt.
Tên lửa S-300 ùn ùn được chuyển tới Syria. Ảnh minh họa.
Thổ Nhĩ Kỳ phớt lờ đe dọa của Mỹ, vẫn tậu tên lửa S-400
Việc Ankara - một đồng minh của Washington, một thành viên chủ chốt của khối NATO do Mỹ dẫn đầu, đã "bỏ ngoài tai" mọi lời đe dọa của các ông lớn, vẫn quyết tâm mua bằng được tên lửa S-400 của Nga, khiến cả thế giới sửng sốt.
Mỹ đã sử dụng mọi biện pháp để ngăn chặn thương vụ S-400 giữa Nga-Thổ Nhĩ Kỳ, từ mềm mỏng hứa hẹn đủ điều tới đe dọa cứng rắn như sẽ không bàn giao tiêm kích tàng hình F-35,... nhưng họ càng làm căng thì lại càng khiến Ankara quyết tâm hơn. Hợp đồng đã ký, tiền đã chuyển, chỉ còn chờ ngày nhận hàng mà thôi.
Đây là một cú đấm kép mà Thổ Nhĩ Kỳ - đồng minh, còn Nga - đối thủ, đã giáng cho Mỹ một đòn "tối tăm mặt mũi".
Nga và Thổ Nhĩ Kỳ đã thống nhất hợp đồng tên lửa S-400.
Nga tung đòn "Knock out" ngay trong tuần này
Trong tuần này, Tổng thống Putin sẽ có chuyến thăm chính thức kéo dài 2 ngày tới Ấn Độ, bắt đầu từ ngày 4/10. Trong chương trình nghị sự dự kiến có một thỏa thuận đặc biệt quan trọng, đó là Moscow và New Delhi sẽ ký hợp đồng trị giá hơn 5 tỷ USD về việc chuyển giao tên lửa phòng không S-400 cho Ấn Độ.
Trước đó, Mỹ viện nhiều lý do khác nhau để cố gắng phá vỡ hợp đồng trị giá nhiều tỷ USD này bởi nó ảnh hưởng quá lớn tới quyền lợi địa chính trị và công nghiệp quốc phòng Mỹ tại khu vực Nam Á.
Chủ tịch Ủy ban Dịch vụ quân sự Mỹ, Mac Thornberry từng khẳng định: "Cả chính quyền Washington và giới lập pháp Mỹ đều quan tâm tới tổ hợp S-400 của Nga. Không chỉ có Ấn Độ, mà bất kỳ quốc gia nào đặt mua S-400 đều ảnh hưởng tới chiến lược quân sự toàn cầu Mỹ."
Giới lập pháp Mỹ viện tới lý do các tổ hợp công nghiệp quốc phòng Nga đang chịu lệnh trừng phạt từ phía Mỹ và việc Ấn Độ đặt mua S-400 có thể vi phạm các quy định đó.
Ấn Độ sắp ký hợp đồng mua tên lửa S-400 từ Nga.
Tuy nhiên, Ấn Độ không phải là Thổ Nhĩ Kỳ. New Delhi không phải là thành viên NATO, không phụ thuộc vào nguồn cung vũ khí hiện đại từ Mỹ, đặc biệt là tiêm kích tàng hình F-35 nên Mỹ không có quyền và không có khả năng để ngăn cản việc Ấn Độ sở hữu S-400.
Mà chẳng phải chính Thổ Nhĩ Kỳ - thành viên chủ chốt của NATO cũng đã phớt lờ những đe dọa của Mỹ-NATO để mua tên lửa S-400 từ Nga rồi đấy sao? Chả lẽ Ấn Độ lại phải chịu khuất phục?
Nếu hợp đồng bán S-400 cho Ấn Độ được chính thức ký kết trong tuần này, Mỹ chính thức bị hạ "knock out" khi phải nhận cú đấm "quyết định" của Nga.
Mọi nỗ lực ngăn cản Nga thực hiện các hợp đồng xuất khẩu tên lửa phòng không S-300 và S-400 của Mỹ đã thất bại hoàn toàn, bao nhiêu công sức đã "đổ xuống sông, xuống biển". Càng vùng vẫy, Mỹ càng bị trói chặt. Washington đang phải chịu những đòn tấn công "tối tăm mặt mũi" từ Nga và từ chính những đồng minh thân cận.
Tên lửa S-400 Nga huấn luyện chiến đấu