Nga, Trung Quốc bất ngờ hành động ở Venezuela, "mang lửa" tới sân sau của Mỹ?

Đại sứ Nguyễn Quang Khai |

Sự phối hợp chặt chẽ giữa Nga và Trung Quốc trong vấn đề Venezuela đang gửi đi một thông điệp mạnh mẽ tới Tổng thống Trump.

Kịch bản của Mỹ

Âm mưu lật đổ Tổng thống Nicolas Maduro đã có từ lâu, khi Tổ chức các quốc gia châu Mỹ (OAS) và một số nước châu Âu tuyên bố công nhận Juan Guaido là Tổng thống lâm thời và sau đó Mỹ ráo riết lập kế hoạch đưa 5.000 quân và vũ khí đến Colombia, lấy đây làm bàn đạp tấn công Venezuela.

Gần đây Eliott Abrams, Đặc phái viên của Mỹ về Venezuela và John Bolton, cố vấn hàng đầu của Tổng thống Trump công khai nói về sự sắp sụp đổ của Tổng thống Maduro. Trong khi đó, các chuyên gia quân sự của Mỹ lại cho rằng, cuộc đối đầu sẽ kéo dài, sau khi những nỗ lực nhằm lôi kéo quân đội Venezuela chuyển sang ủng hộ phe đối lập thất bại.

Cuộc đối đầu giữa một bên là Mỹ và các đồng minh, một bên là các nước ủng hộ Tổng thống Nicolas Maduro của Venezuela, đứng đầu là Nga, Trung Quốc và Cuba đang trở nên gay gắt. Các sự kiện gần đây cho thấy Bắc Kinh đang cùng Moskva quyết tâm bảo vệ lợi ích của mình tại nước Cộng hòa Bolivar Venezuela.

Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo mới đây tuyên bố Washington sẽ huy động một liên minh quốc tế chống lại chính phủ của Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro để buộc ông phải rời bỏ quyền lực.

Tuyên bố này gợi nhớ tới kịch bản được Mỹ, các nước Ả Rập và châu Âu thực hiện đối với Syria khi bùng nổ cuộc khủng hoảng năm 2011 nhằm lật đổ Tổng thống Bashar Al-Assad.

Tổng thống Donald Trump đã cử Elliott Abrams, một người gốc Do Thái cực đoan làm đặc phái viên về Venezuela. Mục đích là để đẩy đất nước này vào một cuộc nội chiến và chuẩn bị cho một cuộc can thiệp quân sự hỗ trợ cho các lực lượng đối lập Venezuela do Juan Guaido đứng đầu, lật đổ chế độ của Tổng thống hợp pháp Maduro.

Giống như những gì diễn ra tại khu vực Trung Đông, Nga không thể đứng yên nhìn Mỹ can thiệp nhằm đánh đổ các chế độ đồng minh của mình ở Mỹ La tinh. Đáng lưu ý, hành động của Mỹ đối với Venezuela lần này đã vấp phải sự phản ứng mạnh mẽ không chỉ của Nga mà còn có sự tham gia của Trung Quốc, Cuba, Ấn Độ, Nam Phi và nhiều nước khác.

Nga đưa quân và khí tài quân sự đến Venezuela

Ngày 12/12/2018, hai máy bay ném bom siêu thanh khổng lồ Tu-160 của Nga đã hạ cánh xuống sân bay quốc tế Simón Bolívar, phía bắc thủ đô Caracas trong bối cảnh căng thẳng gia tăng giữa Moscow và Washington.

Bộ trưởng Quốc phòng Venezuela Vladimir Padrino tuyên bố rằng Nga và Venezuela sẽ tổ chức các cuộc tập trận chung. Tu-160 còn đi kèm với một máy bay chở hàng quân sự hạng nặng Antonov-124 và máy bay chở khách Ilyushin-62.

Nga, Trung Quốc bất ngờ hành động ở Venezuela, mang lửa tới sân sau của Mỹ? - Ảnh 2.

Máy bay Nga xuất hiện tại sân bay Venezuela. Ảnh: Moscow Times

Tu-160 mà NATO còn gọi là Black Jack, có khả năng mang đầu đạn hạt nhân và có thể bay nhanh hơn gấp đôi tốc độ âm thanh. Máy bay ném bom này đã tham gia chiến dịch quân sự của Nga ở Syria và chứng minh hiệu quả chiến đấu rất cao.

Ngoài ra, Nga còn cung cấp cho quân đội Venezuela tên lửa S-300 để bảo vệ các vị trí quan trọng nhằm đối phó với bất kỳ cuộc tấn công nào của Mỹ.

Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu tuyên bố rằng Moskva sẽ tiếp tục gửi máy bay quân sự và tàu chiến tới Venezuela như một phần của hoạt động hợp tác quân sự chung giữa hai nước.

Tình hình này đang gợi nhớ lại cuộc khủng hoảng tên lửa năm 1962 thời chiến tranh lạnh giữa Mỹ và Liên Xô khi Liên Xô triển khai tên lửa hạt nhân của Liên Xô tại Cuba. Và sau đó Moskva chỉ rút các tên lửa này khi Mỹ cam kết sẽ không tiến hành bất kỳ cuộc tấn công nào vào Cuba.

Trung Quốc "nối gót" Nga?

Chỉ vài ngày sau khi Nga đưa một phái bộ gồm 99 quân nhân sang Venezuela do tướng Vasily Tonkoshkurov, Phó Tư lệnh thứ nhất lực lượng Bộ binh Nga và các thiết bị quân sự tiên tiến, ngày 30/3/2019 một máy bay Trung Quốc chở 65 tấn hàng viện trợ nhân đạo cũng đã hạ cánh duống sân bay quốc tế Simon Bolivar.

Nga, Trung Quốc bất ngờ hành động ở Venezuela, mang lửa tới sân sau của Mỹ? - Ảnh 3.

Trung Quốc chuyển hàng viện trợ tới Venezuela. Ảnh: AFP

RT dẫn nguồn trang tin AMN cho biết, hiện có thông tin một nhóm quân nhân Trung Quốc tháp tùng chuyến viện trợ và đem theo các thiết bị quân sự cho lực lượng quân đội Venezuela. Nếu là sự thật thì đây là lần đầu tiên Trung Quốc gửi quân tới một quốc gia bên ngoài biên giới, đặc biệt là Nam Mỹ.

Về chính trị, ngày 1/3/2019 Trung Quốc đã cùng với Nga phủ quyết dự thảo nghị quyết của Mỹ và phương Tây, không công nhận kết quả thắng cử của Tổng thống Maduro tháng 5/2018, đồng thời kêu gọi Venezuela tổ chức lại một cuộc "bầu cử tổng thống tự do và công bằng" và cho phép đưa viện trợ vào nước này mà không bị cản trở.

Nga, Trung Quốc bất ngờ hành động ở Venezuela, mang lửa tới sân sau của Mỹ? - Ảnh 4.

Đây là trường hợp rất hiếm khi cả Nga và Trung Quốc dùng quyền phủ quyết tại Hội đồng Bảo an.

Sự phối hợp chặt chẽ giữa Nga và Trung Quốc trong vấn đề Venezuela đang gửi đi một thông điệp mạnh mẽ tới Tổng thống Trump rằng, bất cứ một hành động quân sự nào chống Venezuela cũng cần phải tính tới phản ứng của hai cường quốc này. Nga và Trung Quốc đang hoạt động ngay sân sau của Mỹ.

Mỹ có thể đối đầu quân sự với một nước, nhưng sẽ không thể cùng một lúc chống lại hai nước, đặc biệt với Nga - nước đang giành thắng lợi tại Syria và Trung Quốc - nước đang nổi lên như một cường quốc về kinh tế và quân sự.

Trước đây, để tấn công Iraq và Libya, Mỹ đã phải huy động một liên minh quốc tế với sự tham gia của hơn 40 quốc gia và cả bộ máy hùng hậu của NATO mà đến nay có thể nói cuộc chiến vẫn chưa kết thúc. Một cuộc đối đầu quân sự tại Venezuela sẽ là một thảm hoạ không chỉ đối với khu vực Mỹ La tinh, mà còn đối với chính nước Mỹ.

Tám năm đã trôi qua, Mỹ đã không lật đổ được Tổng thống Bashar Al-Assad của Syria và buộc phải tuyên bố rút quân thì Washington có lẽ cũng không thể lật đổ được chế độ của Tổng thống Nicolas Maduro của Venezuela.

(*) Tiêu đề do tòa soạn đặt lại

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại