Sư đoàn Nga cách biên giới Mỹ chỉ 86km
Trong cuộc họp của Bộ Quốc phòng Nga vào tuần trước, ông Shoigu cho biết, thật ra quyết định này được đưa ra từ tháng 7/2015 và nằm trong kế hoạch thiết lập một hệ thống phòng thủ bờ biển hợp nhất, trải dài từ Bắc Cực cho tới vùng Primorye.
Hệ thống này nhằm "đảm bảo sự kiểm soát (của Nga) đối với các vùng biển khép kín ở quần đảo Kuril và eo biển Bering, yểm hộ các tuyến đường triển khai lực lượng của Hạm đội Thái Bình Dương ở Viễn Đông, cũng như vùng Biển Bắc, đồng thời tăng khả năng duy trì chiến đấu của lực lượng hạt nhân chiến lược trên biển đang làm nhiệm vụ trong khu vực".
Nói cách khác, sư đoàn mới sẽ giúp đảm bảo khả năng phòng thủ tại vùng bờ biển phía đông với dân cư thưa thớt của Nga.
Eo biển Bering nối biển Chukchi và biển Bering.
Bình luận về tuyên bố của Bộ trưởng Shoigu trong bài phân tích trên tờ Svobodnaya Pressa, chuyên gia quân sự Nga Sergei Ishchenko cho hay, tới nay vẫn chưa có thông tin chi tiết nào khác được tiết lộ về lực lượng tương lai này.
"Tuy nhiên, rõ ràng đây không phải tin tức bình thường, bởi chúng ta đang nói tới việc thành lập một lực lượng quân sự đáng gờm gần kề Mỹ: Khu vực triển khai của sư đoàn phòng thủ bờ biển Nga chỉ ngăn cách với bang Alaska (của Mỹ) qua eo biển Bering. Tại điểm gần nhất, 2 phía cách nhau chỉ 86km" - ông Ishchenko nói.
Vị chuyên gia đồng thời đánh giá đây là một thông tin quan trọng, bởi hiện nay quân đội Nga "chưa thực sự có sư đoàn phòng thủ bờ biển nào".
"Cũng chính vì thế nên không có mô hình sẵn có nào cho thấy sư đoàn mới sẽ được tổ chức và bố trí lực lượng ra sao.
Chỉ có thể liên tưởng tới lực lượng tương tự đang đóng tại Crimea - gồm lữ đoàn phòng thủ bờ biển số 126 của Hạm đội Biển Đen (trước là lữ đoàn số 36 của Hải quân Ukraine nhưng sau đó hầu hết đã đầu quân cho Nga vào năm 2014). Tuy nhiên, lực lượng cỡ lữ đoàn không thể bằng một sư đoàn, bởi khả năng tác chiến của họ khiêm tốn hơn nhiều".
Xe tăng hạng nhẹ trực thuộc lữ đoàn 126 - Hạm đội Biển Đen.
Theo ông Ishchenko, Nga đã có chút kinh nghiệm ít ỏi trong việc thành lập các sư đoàn phòng thủ bờ biển từ thời Liên Xô, tuy nhiên, khi đó, các nỗ lực của Liên Xô không mấy thành công.
Cuối những năm 1980, theo Hiệp ước về các lực lượng vũ trang thông thường ở châu Âu, quân đội Liên Xô đã chuyển 4 sư đoàn bộ binh sang cho Hải quân, lần lượt bố trí ở Hạm đội Biển Baltic, Thái Bình Dương, Biển Bắc và Biển Đen.
"Tất nhiên là nhân sự, vũ khí và thiết bị mà những sư đoàn "bất ngờ bị hải quân hóa" này sử dụng vẫn không thay đổi. Chỉ có điều, họ phải đảm nhận thêm nhiệm vụ phòng thủ bờ biển, chống lại lực lượng đổ bộ của địch và sẵn sàng đổ bộ lên bờ biển của đối phương tiếp sau hải quân đánh bộ" - ông Ishchenko cho hay.
"Trên thực tế, các sư đoàn phòng thủ bờ biển ấy không có đủ thời gian để chuẩn bị cho các nhiệm vụ này", vị chuyên gia nói, "vì vậy, 2 sư đoàn đóng tại Klaipeda [Lithuania] và Simferopol [Crimea] không thể duy trì sau khi Liên Xô sụp đổ".
Trong lãnh thổ Nga, sư đoàn số 40 trực thuộc Hạm đội Thái Bình Dương là đơn vị cuối cùng và đã bị giải thể vào năm 1994.
Ngoài các sư đoàn trên, từng có một lực lượng quân sự khác của Liên Xô đóng tại vùng Chukotka - Sư đoàn bộ binh cơ giới số 99. Mặc dù không hoạt động với tư cách chính thức là sư đoàn phòng thủ bờ biển nhưng sư đoàn 99 đã thực hiện nhiệm vụ bảo vệ Anadyr và các vùng lân cận từ năm 1983.
Sau này, Liên Xô và Mỹ mắc kẹt trong Chiến tranh Lạnh. Trong bối cảnh các tên lửa tầm trung của Mỹ đặt tại châu Âu có thể vươn tới thủ đô của Liên Xô chỉ trong vòng 5 phút, Bộ Quốc phòng Liên Xô đã đáp trả bằng kế hoạch triển khai các tên lửa tầm trung SS-20 Pioneer nhằm vào Alaska và một số bang vùng Tây duyên hải của Mỹ.
Tên lửa RT-21M Pioneer trưng bày tại Kiev
"Các khu vực nằm trong phạm vi tiêu diệt của tên lửa bao gồm trạm cảnh báo sớm của Mỹ ở Clear, bang Alaska, radar Cobra Dane trên đảo Shemya ở Aleutians, trạm radar cảnh báo sớm Parks ở Bắc Dakota và căn cứ tàu ngầm mang tên lửa hạt nhân của Mỹ ở Bangor, gần Seattle. Điều đó đã đủ để khiến Washington không thể manh động" - ông Ishchenko cho hay.
Sư đoàn bộ binh cơ giới số 99 được triển khai tới Viễn Đông để canh chừng các tên lửa Pioneer và bảo vệ sân bay chiến lược Anadyr - nơi triển khai các máy bay ném bom chiến lược tuần tra khu vực bắc Thái Bình Dương, gần biên giới Mỹ.
Đầu những năm 1990, chương trình cải tổ của lãnh đạo Liên Xô Gorbachev đã khiến mọi thứ tiêu tan, từ các tên lửa Pioneer, sân bay Anadyr, cơ sở cất trữ hạt nhân tối mật Object C, cho tới sư đoàn bộ binh cơ giới số 99 (giải thể vào năm 1996).
Sau này, các đơn vị đồn trú trong khu vực được khôi phục, bắt đầu từ sân bay. Quân đội Nga đã trở lại đó vào năm 2014. Anadyr một lần nữa trở thành căn cứ không quân dành cho các máy bay ném bom chiến lược Tu-95MS và Tu-160.
"Các tên lửa Pioneer không thể khôi phục được bởi chúng đều đã bị phá hủy. Nhưng rõ ràng, sẽ có một sư đoàn quân sự nữa hiện diện tại đây. Lần này không phải sư đoàn bộ binh cơ giới số 99, mà là sư đoàn phòng thủ bờ biển trực thuộc Hạm đội Thái Bình Dương" - ông Ishchenko nói.
Tại sao Nga thành lập sư đoàn mới gần Alaska?
Một số người thắc mắc tại sao quân đội Nga lại triển khai sư đoàn quân đội tới khu vực khắc nghiệt như vậy? (mùa đông tại Chukotka kéo dài gần 9 tháng. Xe tăng, xe bọc thép chở quân và các xe quân sự khác của sư đoàn 99 đều bị chôn vùi trong tuyết).
Theo ông Ishchenko, câu hỏi này không khó trả lời:
"Để tìm đáp áp, hãy nhìn sang phía bên kia biên giới. Các cơ sở quan trọng của Mỹ đều có mặt tại Alaska. Trước hết là căn cứ không quân Elmendorf tại Anchorage, đây không chỉ là nơi đồn trú máy bay quân sự mà còn là sở chỉ huy của Không lực 11 và trụ sở của Bộ tư lệnh phòng thủ không gian Bắc Mỹ (NORAD) tại Alaska.
Tiếp theo là căn cứ Fort Richardson, nơi đóng quân của Biệt đội Tác chiến Lữ đoàn Dù số 4, trực thuộc sư đoàn bộ binh số 25".
"Tất nhiên, quan trọng nhất là căn cứ không quân. Từ các nhà chứa máy bay tại đây, tiêm kích tàng hình thế hệ năm F-22 của Mỹ đã xuất kích chặn các máy bay ném bom chiến lược của Nga khi chúng tiến hành các thuộc tuần tra thường xuyên dọc rìa biên giới Bắc Cực của Mỹ".
Máy bay ném bom Tu-95 của Nga.
Ông Ishchenko cho rằng, nếu cùng với sư đoàn phòng thủ bờ biển, Nga triển khai thêm hệ thống tên lửa đạn đạo di động tầm ngắn Iskander thì F-22 sẽ không còn thời gian chặn đường các máy bay ném bom của Nga, các trạm cảnh báo sớm tên lửa của Mỹ có thể bất ngờ bị tê liệt.
Theo ông Ishchenko, trong bất cứ trường hợp nào thì các binh lính Mỹ tại căn cứ Elmendorf hay Fort Richardson sẽ đều rơi vào tình trạng "ăn không ngon, ngủ không yên", như thời Chiến tranh Lạnh.
Khi ấy, các quan chức quân sự Mỹ sẽ được nếm trải mối lo ngại mà các nhà hoạch định quân sự Nga đã phải trải qua khi chứng kiến các cuộc tập trận quy mô lớn của NATO dọc biên giới phía tây của Nga, cũng như các cuộc diễu hành của binh sĩ Mỹ chỉ cách biên giới Nga vài trăm mét.
Tổ hợp Iskander phóng tên lửa hành trình.