S-400 Triumph (hay SA-21 Growler) là hệ thống tên lửa đất đối không cơ động do Nga nghiên cứu và phát triển. Tổ hợp tên lửa này có khả năng tấn công cả máy bay chiến đấu, máy bay không người lái và tên lửa hành trình.
Đây là dòng tên lửa đất đối không tầm xa thế hệ thứ tư của Nga, hoạt động đặc biệt hiệu quả ở khoảng cách từ 2 đến 400 km. Ưu điểm chính của S-400 là khả năng theo dõi một số lượng lớn các mục tiêu cùng một lúc, trong đó có cả máy bay chiến đấu tàng hình.
Theo Dự án Tên lửa của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS), S-400 có tầm tấn công tối đa khoảng 400 km, vận tốc Mach 14 (gấp 14 lần tốc độ âm thanh). Vì vậy, một khi S-400 đã khai hỏa thì các máy bay chiến đấu phản lực có rất ít thời gian để đối phó.
Xét tới khả năng phòng thủ độc nhất của tổ hợp tên lửa này, một câu hỏi giả định được đặt ra là: Liệu Nga triển khai S-400 tới Cuba thì hệ thống sẽ bộc lộ những mối đe dọa gì đối với các tài sản của Không quân Mỹ bố trí ở vùng phía Đông đất nước?
Hệ thống phòng thủ tên lửa S-400. Ảnh: RT
Theo Larry Sprott - chuyên gia nghiên cứu về công nghệ quân sự, S-400 Nga sẽ không thể khiến toàn bộ máy bay chiến đấu không quân Mỹ trong khu vực phải "nằm yên bất động". Tuy nhiên, mối đe dọa chủ yếu đến từ S-400 sẽ là các mạng lưới không lưu dân sự bên trong và xung quanh Miami.
Xét về không lưu quân sự, chỉ có hai căn cứ không quân có thể chịu ảnh hưởng từ việc triển khai S-400: Căn cứ Không quân Hải quân Key West và Căn cứ Không quân thuộc lực lượng dự bị Homestead.
Key West là cơ sở chủ yếu dùng cho mục đích huấn luyện và là một trong những căn cứ thực hiện nhiệm vụ chống buôn lậu ma túy.
Trong khi đó, Homestead là căn cứ được biên chế khoảng từ 12 - 24 máy bay chiến đấu F-15E Strike Eagle; 12 - 24 F-16C/D Fighting Falcon, nghĩa là khoảng từ 24 - 48 tiêm kích phản lực thế hệ 4, loại có khả năng dễ bị tổn thương bởi các hệ thống như S-400.
Máy bay chiến đấu tàng hình F-35 Lightning II. Ảnh: KQ Mỹ
Nằm ngoài khả năng gây hại của S-400 là Căn cứ Không quân MacDill, cơ sở đang duy trì 2 máy bay tiếp nhiên liệu trên không. Điều này có nghĩa là căn cứ có thể giúp Mỹ huy động tới khu vực nhiều lực lượng hơn.
Các máy bay có khả năng cùng phối hợp đối phó với S-400 sẽ là F-22 Raptor, F-35 Lightning II và B-2 Spirit. Tất cả các chiến đấu cơ này đều thuộc dòng máy bay chiến đấu tàng hình có thể trốn tránh các radar của S-400.
Thêm nữa, AGM-158 JASSM có thể được sử dụng như tên lửa tấn công từ ngoài vòng phòng không để tiêu diệt S-400 bởi đây là dòng tên lửa hành trình có thiết kế tàng hình và cũng được triển khai cho các máy bay thế hệ 4 giao chiến với S-400.
Ngoài ra, Quân đội Mỹ còn rất nhiều căn cứ hải quân khác trong khu vực vì vậy tên lửa tấn công hải quân (Naval Strike Missile) hoàn toàn có thể được sử dụng để tiêu diệt S-400.
Tựu trung lại, chuyên gia Larry Sprott cho rằng S-400 có thể sẽ khiến Mỹ “phiền lòng” nhưng cũng chỉ trong một thời gian ngắn trong trường hợp Mỹ cho phép Nga bán hệ thống tên lửa này cho Cuba và nếu như Cuba có đủ tiền để mua.
Tuy nhiên, về cơ bản động thái này sẽ khiến Mỹ nổi giận và sẽ tìm cách giải quyết vấn đề qua đường ngoại giao. Trong khi đó, Nga cũng chẳng dại gì mà làm điều này trừ phi họ thực sự lên kế hoạch chiến tranh với Mỹ. Đó lại là một câu chuyện hoàn toàn khác.
S-400 khai hỏa tiêu diệt gọn 8 mục tiêu trên không tại trường bắn Kapustin Yar thuộc vùng Astrakhan miền Nam nước Nga