Nga tính toán 3 kịch bản ở Idlib: "Bão lửa" toàn diện hay tấn công nhỏ lẻ?

Quốc Vinh |

Một chiến dịch quân sự toàn diện nhằm vào Idlib sẽ là kịch bản mà Nga không chọn lựa vì nhiều rủi ro liên quan đến Thổ Nhĩ Kỳ.

Số phận thành trì cuối cùng còn lại của phe đối lập Syria ở Idlib có thể sẽ được quyết định trong vài ngày tới, theo Al Jazeera. Các phương tiện truyền thông quốc tế đã suy đoán về một trận chiến sắp xảy ra ở Idlib, khu vực đang trở thành trọng tâm của các hoạt động ngoại giao bận rộn.

Vào ngày 7/9, các nhà lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ, Nga và Iran sẽ gặp gỡ và quyết định tương lai của Idlib, cũng như số phận của cuộc xung đột bảy năm ở Syria.

Vùng giảm leo thang không hiệu quả

Idlib là khu vực giảm leo thang cuối cùng còn lại trong bốn khu vực đã được bộ ba Astana đồng ý (Nga, Iran và Thổ Nhĩ Kỳ) sau sự sụp đổ của Aleppo vào tháng 12/2016.

Ý tưởng giảm leo thang được các nước trên đồng thuận cho mục tiêu đóng băng xung đột, giảm bớt thương vong cho dân thường và mở đường cho một giải pháp chính trị. Tuy nhiên, giải pháp này đang cho thấy những diễn biến không theo ý muốn của các bên.

Do thiếu nhân lực đầy đủ để chiến đấu ở các mặt trận khác nhau, người Nga đã tạm gác lại các khu vực này sang một bên để tập trung cho các chiến trường quan trọng hơn.

Sau thất bại của IS ở Mosul, người Nga bắt đầu nhận ra rằng, trong khi họ đang bận tranh đấu với phe đối lập dọc theo vành đai phía Tây lãnh thổ Syria giữa Aleppo và Damascus, Lực lượng Dân chủ Syria (SDF) do Mỹ hậu thuẫn đã nhanh chóng lấy lại lãnh thổ của ở vùng phía Đông giàu dầu mỏ và khí đốt.

Vì lý do đó, Moscow quyết định đóng băng cuộc xung đột với phe đối lập Syria và tham gia một cuộc đua với liên minh do Mỹ lãnh đạo để lấy lại càng nhiều lãnh thổ từ tay IS càng tốt. Sông Euphrates hoạt động như một đường biên giới tự nhiên giữa các vùng ảnh hưởng của Nga và Mỹ.

Khi cuộc chiến với IS sắp kết thúc, Nga đã quay trở lại với chiến lược nghiền nát phe đối lập vũ trang trước khi có bất kỳ giải pháp chính trị nào được đàm phán. Nga và quân Chính phủ Syria tấn công và tiếp quản khu vực giảm leo thang ở Đông Ghouta, gần thủ đô Damascus.

Nga và lực lượng của chính quyền Assad sau đó chuyển đến tỉnh Homs ở phía Bắc trước khi tràn xuống Daraa và Quneitra ở phía tây nam, gần biên giới với Cao nguyên Golan do Israel chiếm đóng.

Hàng trăm ngàn chiến binh phe đối lập đã được chuyển về phía tây bắc theo các thỏa thuận sơ tán. Idlib đã trở thành một nơi tập hợp cho tất cả các chiến binh phe đối lập, cùng với khoảng hai triệu người tị nạn, chuẩn bị bước vào một cuộc chiến cuối cùng.

Idlib không phải Daraa hay Đông Ghouta

Không lâu sau khi các nhóm đối lập vũ trang bị buộc sơ tán khỏi phía tây nam, Tổng thống Syria Bashar al-Assad đã chỉ ra rằng Idlib sẽ là mục tiêu tiếp theo của ông.

Quân đội Syria bắt đầu tích lũy lực lượng và thả các tờ rơi tuyên truyền ở tỉnh này, thúc giục mọi người trở lại dưới "sự kiểm soát của nhà nước" và kêu gọi các phe phái vũ trang đầu hàng.

Tuy nhiên, Idlib lại là một trường hợp phức tạp hơn nhiều trên cả ba khía cạnh chính trị, quân sự và nhân đạo - so với ba khu vực giảm leo thang trước đó.

Với diện tích 6.000 km 2, Idlib có khoảng ba triệu người. Liên Hợp Quốc (LHQ) đã cảnh báo rằng một cuộc tấn công trong khu vực có thể khiến 2,5 triệu người phải chạy trốn sang biên giới Thổ Nhĩ Kỳ, làm bùng nổ một cuộc khủng hoảng nhân đạo lớn.

Idlib cũng là nơi có hơn 60.000 chiến binh vũ trang đối lập. Sự có mặt của Hay'et Tahrir al - Sham (HTS), nhóm khủng bố có dây dưa với al-Qaeda trước đây cũng làm phức tạp thêm tình hình. Với hơn 12.000 chiến binh, HTS kiểm soát một phần lớn Idlib và đã thề sẽ chiến đấu đến cùng.

Nga, Iran và chính quyền Syria đang nhằm mục tiêu các nhóm này là lý do để tấn công, trong đó viện dẫn các nghị quyết của LHQ đã chỉ định HTS là một nhóm khủng bố.

Do không còn nơi nào khác để đi, các nhà phân tích dự kiến ​​rằng, trong trường hợp xung đột nổ ra những nhóm đối lập này sẽ kháng cự rất gay gắt.

Ngoài ra, Thổ Nhĩ Kỳ có quân tại 12 đồn quan sát ở tỉnh Idlib để theo dõi thỏa thuận Astana. Nếu không có thỏa thuận trước, bất kỳ cuộc tấn công do Nga hậu thuẫn nào cũng có thể dẫn đến căng thẳng lớn hơn giữa ba bên.

Thổ Nhĩ Kỳ đã cảnh báo rằng một cuộc tấn công vào Idlib có thể "đóng chiếc đinh cuối cùng vào quan tài" đối với tiến trình Astana. Ngay bây giờ, Thổ Nhĩ Kỳ và Nga đang tham gia vào các cuộc đàm phán ngoại giao sâu rộng để ngăn chặn điều này xảy ra.

Ba kịch bản

Nga tính toán 3 kịch bản ở Idlib: Bão lửa toàn diện hay tấn công nhỏ lẻ? - Ảnh 2.

Mục tiêu của Nga là tái thiết Syria thay vì lao vào một cuộc chiến đẫm máu ở Idlib.

Thổ Nhĩ Kỳ và Nga đều thông báo rằng các nhà lãnh đạo của hai nước sẽ tổ chức một cuộc họp song phương bên lề hội nghị thượng đỉnh ở Tehran để thảo luận về tương lai của Idlib. Ba kịch bản có thể được thảo luận ở đây.

Theo kịch bản đầu đầu tiên, Thổ Nhĩ Kỳ và Nga sẽ đồng ý duy trì khu vực giảm leo thang tại Idlib, với điều kiện Thổ Nhĩ Kỳ có giải pháp đối với nhóm HTS.

Trong vài tháng qua, Thổ Nhĩ Kỳ đã cố gắng thuyết phục HTS giải thể gia nhập trong lực lượng Quân đội Syria Tự do (FSA) do Thổ Nhĩ Kỳ hậu thuẫn. Trong đó, các chiến binh nước ngoài của HTS sẽ được cung cấp một lối thoát an toàn để di dời sang nơi khác.

Tuy nhiên, những nỗ lực này đã không mang lại kết quả mong muốn. Tuần trước, như một dấu hiệu của sự thất vọng, Thổ Nhĩ Kỳ đã quy HTS là một nhóm khủng bố, báo hiệu một hành động quân sự có thể chống lại nhóm này.

Nếu Thổ Nhĩ Kỳ đồng ý hành động chống lại HTS, điều này có thể ngăn chặn một cuộc tấn công của Nga vào Idlib cho đến khi nào hòa bình lâu dài đạt được ở Syria .

Nếu Thổ Nhĩ Kỳ không đối phó với HTS, kịch bản thứ hai rất có thể sẽ xảy ra. Theo đó, Ankara sẽ cho phép một hành động quân sự hạn chế do Nga dẫn đầu nhằm vào Idlib để loại bỏ HTS và các nhóm "cực đoan" khác.

Với mật độ dân số cao trong khu vực, Nga và thậm chí cả chính quyền Syria sẽ hài lòng về kịch bản này nhằm tránh thương vong lớn.

Ở giai đoạn hiện tại, Nga đang tìm cách bảo vệ căn cứ không quân Hmeimim của mình ở Latakia khỏi các cuộc tấn công bằng máy bay không người lái bằng cách đẩy phe đối lập ở Idlib lùi xa hơn về phía Bắc.

Mặt khác, chính quyền Syria dường như chủ yếu quan tâm đến việc giành lại quyền kiểm soát đường cao tốc M5, tuyến đường thương mại chính của đất nước, đi qua các phần lãnh thổ của Idlib.

Trong hai năm qua, các cuộc tấn công của chính quyền đã lần lượt chiếm lại 470km đường M5 từ Aleppo ở phía Bắc đến Hama, Homs, Damascus và gần đây là Daraa ở phía Nam. Phần còn lại duy nhất của M5 vẫn chưa được kiểm soát đang nằm ngay trong Idlib.

Về cơ bản, Damascus sẽ muốn lấy lại từng cm đất của Idlib nhưng đơn giản là không có đủ nhân lực để làm như vậy, đặc biệt là phục vụ cho hoạt động chống lại hàng chục ngàn chiến binh phe đối lập hừng hực khí thế do đang bị dồn vào đường cùng.

Kịch bản thứ ba và đáng sợ nhất là một cuộc tấn công toàn diện ở Idlib. Kịch bản này khó xảy ra ở giai đoạn hiện tại bởi những tổn hại đáng kể về mặt chính trị và quân sự.

Nó cũng sẽ dẫn đến một thảm họa nhân đạo, một cuộc khủng hoảng tị nạn lớn và phá hủy cơ sở hạ tầng ở quy mô lớn.

Đồng thời, động thái như vậy cũng sẽ phá hủy sự hợp tác đang phát triển giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ, cũng như dẫn đến sự sụp đổ của tiến trình Astana.

Ngoài ra, nó sẽ gây áp lực lớn hơn đối với mối quan hệ Nga-châu Âu vốn đã căng thẳng vì dẫn đến một làn sóng tị nạn mới.

Mỹ mới đây cũng đã cảnh báo chống lại một cuộc tấn công quy mô lớn ở Idlib và tuyên bố rằng họ sẽ can thiệp trong trường hợp vũ khí hóa học được sử dụng.

Cuối cùng, một cuộc tấn công toàn diện ở Idlib là đi ngược lại với chiến lược mới của Nga, nhằm đưa những người tị nạn Syria trở về nhà và bắt đầu quá trình tái thiết với viện trợ từ châu Âu và các quốc gia vùng Vịnh.

Tuy nhiên, tại hội nghị thượng đỉnh Tehran tới đây, ba kịch bản này sẽ là nội dung chính mà các bên sẽ thảo luận. Họ sẽ chốt lại để tương lai của Idlib sẽ được quyết định bởi chiến tranh hay bằng ngoại giao.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại