“Chúng tôi hiện đang nghiên cứu các quyết định mới của EU và G7 về lệnh cấm vận và việc giá trần đối với nhiên liệu từ Nga để đưa ra một phản ứng khả thi. Các biện pháp đáp trả sẽ được công bố trước tháng 3”, ông Aleksandr Novak nói.
Châu Âu tìm cách giảm phụ thuộc vào dầu mỏ nhập khẩu từ Nga. Ảnh: RT.
Hạn chế của EU đối với các sản phẩm dầu mỏ tinh chế của Nga có hiệu lực vào ngày 5/2, đặt ra giới hạn giá 100 USD/thùng đối với dầu diesel, nhiên liệu máy bay và xăng của Nga, cũng như mức trần 45 USD/thùng đối với các sản phẩm từ dầu mỏ khác, vốn đang được giao dịch dưới giá dầu thô, chẳng hạn như dầu nhiên liệu được sử dụng trong công nghiệp.
Việc áp giá trần, cùng với lệnh cấm nhập khẩu sản phẩm dầu mỏ của Nga, cũng là một phần của thỏa thuận giữa các nước G7. Động thái này diễn ra sau khi EU và G7 cùng áp đặt giá trần 60 USD/thùng đối với dầu thô của Nga vào ngày 5/12/2023. Bên cạnh đó, các công ty phương Tây cũng bị cấm tài trợ, bảo hiểm, kinh doanh, môi giới hoặc vận chuyển hàng hóa dầu thô và các sản phẩm dầu mỏ của Nga trừ khi chúng được mua ở mức giá trần hoặc dưới mức giá quy định.
Tuy nhiên, ngày 7/2, Brussels đã ban hành các ngoại lệ đối với lệnh cấm vận, tuyên bố rằng dầu thô của Nga được pha trộn với các sản phẩm dầu mỏ ở một nước thứ ba sẽ được miễn trừ áp giá trần. Các biện pháp này sẽ cho phép các nước EU tiếp tục mua các sản phẩm dầu mỏ của Nga từ các nước thứ ba. Điện Kremlin đã gọi việc áp giá trần là một công cụ phi thị trường. Chính phủ Nga đã cấm bán dầu thô cho những bên mua đề cập đến giá trần trong hợp đồng của họ./.