Vì sao một loạt quan chức Ukraine bị đuổi chỉ trong hai ngày?

Duy Linh |

Ngày 25-1, thêm năm quan chức đứng đầu ngành công tố năm tỉnh của Ukraine bị cách chức, nâng tổng số quan chức "bay màu" trong hai ngày qua lên hơn chục người.

Tổng thống Zelensky đang chấn chỉnh nội bộ để tiếp tục nhận thêm viện trợ từ nước ngoài - Ảnh: REUTERS

Tổng thống Zelensky đang chấn chỉnh nội bộ để tiếp tục nhận thêm viện trợ từ nước ngoài - Ảnh: REUTERS

"Tổng công tố viên Andriy Kostin đã ký lệnh bãi nhiệm người đứng đầu văn phòng công tố các tỉnh Zaporizhzhia, Kirovohrad, Poltava, Sumy và Chernihiv", trang web của tổng công tố Ukraine xác nhận ngày 25-1.

Như vậy chỉ trong hai ngày 24 và 25-1, hơn một chục quan chức Ukraine đã bị cách chức. Trong đó có một thứ trưởng quốc phòng, một phó tổng công tố, một phó chánh văn phòng tổng thống.

Tỉnh trưởng của năm tỉnh, bao gồm một số nơi giao tranh ác liệt như Kherson và Zaporizhzhia, cũng nằm trong danh sách. Những người này từng đóng vai trò trung gian liên lạc giữa quân đội và chính quyền dân sự, được Tổng thống Volodymyr Zelensky chỉ định.

Không có lý do cụ thể được nêu ra cho việc cách chức các quan chức trên. Một vài người trong số này dính cáo buộc tham nhũng và tiêu xài hoang phí trong lúc đất nước khó khăn.

Dư luận bắt đầu sục sôi từ tuần trước, sau khi Cục Chống tham nhũng quốc gia Ukraine bắt một thứ trưởng phụ trách cơ sở hạ tầng. Người này được cho là đã nhận hối lộ 400.000 USD từ một công ty đang muốn cung cấp cho chính phủ các máy phát điện.

Vì sao một loạt quan chức Ukraine bị đuổi chỉ trong hai ngày? - Ảnh 1.

Đức tuyên bố đưa 'ít nhất 2 tiểu đoàn' xe tăng Leopard 2 đến Ukraine ĐỌC NGAY

Trấn an lo ngại tham nhũng ở Ukraine

Báo New York Times bình luận việc ông Zelensky sa thải một loạt quan chức cấp cao là nhằm giữ lại niềm tin của phương Tây.

Động thái diễn ra trong bối cảnh Ukraine đang xin phương Tây hỗ trợ gần như hàng ngày.

Theo tờ báo của Mỹ, ông Zelensky là người hiểu rõ hơn ai hết chỉ một số vụ tham nhũng cũng có thể làm chậm lại dòng chảy vũ khí và tài chính từ phương Tây.

Hiện tại chưa có dấu hiệu nào cho thấy vụ bê bối mua lương thực cao hơn giá bình thường của quân đội Ukraine liên quan đến việc biển thủ viện trợ quân sự của phương Tây. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa Ukraine sẽ tiếp tục nhận được nhiều tiền hơn từ các nước này.

Trong khi sự ủng hộ dành cho Ukraine vẫn còn cao ở Mỹ và châu Âu, một số quan chức Mỹ đã bắt đầu bày tỏ lo ngại về nguy cơ tham nhũng trong các nỗ lực tái thiết sau chiến tranh.

Một số khác thậm chí còn nghi vũ khí của Mỹ có thể bị chuyển hướng hoặc bị đánh cắp để bán lại. Phe Cộng hòa đang kiểm soát Hạ viện Mỹ đã kêu gọi kiểm tra cách viện trợ được sử dụng, cho rằng khoản viện trợ này đang quá nhiều và nên tiết chế lại.

Đó đều là những nguy cơ mà Tổng thống Zelensky phải tính đến, bởi ông vẫn chưa biết cuộc chiến sẽ kéo dài đến khi nào.

Loại bỏ các quan chức cũng cho thấy quyết tâm làm trong sạch hóa bộ máy của ông Zelensky. Bởi đó là lời cam kết tranh cử của ông vào năm 2019: trở thành một người "dọn dẹp".

"Ông ấy đang cố gắng trấn an các đồng minh của Ukraine rằng chính phủ của ông sẽ không khoan nhượng đối với hối lộ hay bất cứ hành vi sai trái nào dù ở mức độ nhỏ hơn thế", New York Times nhận định.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại