Căng thẳng ngoại giao giữa Nga với Anh, Mỹ và EU đang có dấu hiệu đảo chiều khi Anh thừa nhận không tìm ra bằng chứng chứng minh Nga đứng sau vụ cựu điệp viên Sergei Skripal bị đầu độc. Còn Nga đã nhanh chóng lợi dụng cơ hội "ngàn năm có một" này để tố ngược lại Anh và Mỹ đang cố tình “dàn dựng” vụ việc nhằm khiêu khích Nga.
Đến lượt Nga đổ lỗi cho Anh và Mỹ
Giám đốc Cơ quan Tình báo nước ngoài của Nga Sergei Naryshkin hôm 4/4 lên tiếng cáo buộc vụ đầu độc cựu điệp viên hai mang Sergei Skripal là hành động khiêu khích của các cơ quan tình báo Anh và Mỹ.
Phát biểu tại một hội thảo an ninh ở Moscow, ông Naryshkin cho biết, trong vụ việc Sergei Skripal, các cơ quan tình báo của Mỹ và Anh đã cố tình tạo ra hành động khiêu khích “kỳ quặc”. Nhiều chính phủ Châu Âu không hành động mù quáng như vậy, thay vì đó họ chọn cách quan sát và cẩn trọng trước những gì đang diễn ra.
Theo ông Naryshkin, Mỹ đã bị dính kết với cuộc chiến chống lại cái gọi là mối đe dọa từ Nga vốn không tồn tại. Điều này đạt tới mức độ nghiêm trọng tương đương với việc trở lại thời kỳ đen tối của cuộc Chiến tranh Lạnh.
Còn Đại sứ Nga tại Anh Alexander Yakovenko thì nhấn mạnh, sự miễn cưỡng của Anh trong việc chia sẻ thông tin khiến Nga đang ngày càng tin rằng Anh là thủ phạm thực sự đằng sau cuộc tấn công. Ông Yakovenko nói thêm, Anh đã đạt được cả lợi ích ngắn hạn và dài hạn từ vụ án. Qua việc “đổ vấy” cho Nga, Thủ tướng Anh Theresa May không chỉ thúc đẩy sự ủng hộ ở cả trong nước và Châu Âu, nhằm đánh lạc hướng công chúng khỏi sự thất bại trong đàm phán về Brexit mà còn cải thiện vị thế của London trong cuộc đối đầu đang diễn ra giữa phương Tây và Nga.
Cùng ngày, đại diện thường trực của Nga tại Liên minh Châu Âu Vladimir Chizhov khẳng định, loại chất độc được sử dụng để đầu độc cựu điệp viên Sergei Skripal không mới lạ và công thức sản xuất nó rất dễ kiếm tìm. “Tôi không ngạc nhiên bởi kết luận mà phía Anh đưa ra vì chất độc mà họ gọi là “Novichok” được biết đến rộng rãi. Công thức pha chế loại chất này tràn lan trên mạng Internet”.
Theo ông Chizhov, điều này đồng nghĩa với việc chất độc đó có thể được sản xuất ở bất cứ đâu, miễn là các nhà sản xuất có phòng thí nghiệm tốt và nắm vững kỹ năng của sinh viên ngành hóa học. Vì thế, nơi sản xuất loại chất này rất khó xác định.”
Cuộc chiến ngoại giao kéo dài đến bao giờ?
Căng thẳng leo thang đỉnh điểm giữa Nga và phương Tây đã khiến biện pháp trừng phạt ngoại giao giữa đôi bên càng thêm trầm trọng. Đến thời điểm hiện tại, đã có 27 quốc gia tuyên bố trục xuất gần 150 nhà ngoại giao Nga. Để trả đũa, Nga cũng ra lệnh trục xuất hàng loạt nhà ngoại giao từ 23 quốc gia.
Dưới sức nóng của “cuộc chạy đua trục xuất nhân viên ngoại giao”, không bên nào có thái độ kiềm chế. Các lệnh trừng phạt lẫn nhau dường như trở thành chủ đạo trong cuộc đối đầu giữa Nga và phương Tây thời gian qua.
Chuyên gia Viktor Olevich, tại viện nghiên cứu phi lợi nhuận Trung Tâm Chính trị Đương đại tại Nga, nhận định: “Cuộc chiến ngoại giao chưa có dấu hiệu kết thúc và trong những tháng tới chúng ta sẽ chứng kiến diễn biến tiếp theo của nó với những động thái mới của Mỹ và sự đáp trả của Nga”.
Theo chuyên gia này, nhiều khả năng Mỹ có thể đóng cửa một lãnh sự quán khác của Nga tại Mỹ, đổi lại Nga có thể đóng cửa lãnh sự quán khác của Mỹ, chẳng hạn như ở thành phố Yekaterinburg.
Manh nha trừng phạt về kinh tế
Mặc dù nghi vấn và câu hỏi xoay quanh vụ đầu độc cựu điệp viên Sergei Skripal vẫn chưa có lời giải, song chắc chắn một điều rằng, những tổn thất mà Anh phải gánh chịu từ đòn đánh hội đồng của Mỹ và phương Tây không hề nhỏ. Không chỉ mất đi một số lượng lớn các nhân viên tình báo mà uy tín của Nga trên trường quốc tế cũng bị ảnh hưởng ít nhiều. Trong khi đó, mục tiêu củng cố liên minh xuyên Đại Tây Dương đã đạt được.
Nhà phân tích Olevich cho rằng: “Trên thực tế, một số nước Châu Âu vốn đang hoài nghi sự cần thiết của việc kéo dài chính sách chống Nga, hiện đã gia nhập xu hướng đối đầu với Nga của Anh và Mỹ.
Giới phân tích cho rằng, tình hình đang diễn ra theo đúng chiều hướng mà Mỹ mong muốn, trong đó Mỹ coi Nga là đối thủ trong cuộc chiến giành ảnh hưởng trên toàn thế giới và muốn áp đặt thêm nhiều lệnh trừng phạt đối với Nga.
Ông Fedor Lukyanov, người phụ trách mảng nghiên cứu về Nga của tạp chí Global Affairs cho rằng: “Mỹ có thể tiến xa hơn trong gia tăng sức ép đối với Nga, cả về mặt ngoại giao lẫn kinh tế, từ việc đóng cửa lãnh sự quán Nga tới trừng phạt về tài chính”.
Valery Solovei, chuyên gia chính trị học tại Viện Quan hệ Quốc tế Nga, nhận định các nước phương Tây có thể đã bắt đầu xem xét việc áp đặt các lệnh trừng phạt kinh tế như là cấm vận dầu mỏ, cấm hoàn toàn việc mua nợ công của Nga và phong tỏa các giao dịch kỹ thuật, chuyển giao công nghệ, vốn có thể gây ra “sự tổn hại không thể bù đắp được”.
Theo ông Olevich, về phần mình, Nga cũng có hàng loạt các biện pháp đáp trả tương đối nhạy cảm với phương Tây. Mục tiêu tiềm năng bao gồm các công ty Mỹ đang hoạt động tại Nga, hay các khoản đầu tư của một số tổ chức thương mại Mỹ vào lĩnh vực chứng khoán của Nga. Đối với các nước Châu Âu thì dầu mỏ, khí đốt luôn là công cụ hữu hiệu để gây sức ép.
Liệu còn chỗ cho đối thoại?
Vấn đề căng thẳng giữa Nga với Mỹ và phương Tây sẽ không thể nhanh chóng giải quyết trong một sớm một chiều. “Mối quan hệ của hai bên đang tồi tệ hơn bao giờ hết, như một chiếc xe kéo đang lao xuống dốc. Cần phải có những nỗ lực phi thường để ngăn chặn điều này, nhưng không ai có thể làm được”, ông Valery Solovei nói.
Nhà phân tích này nhận định sau tất cả các sự kiện như cuộc bầu cử Nga vừa qua, kỳ FIFA World Cup 2018 tổ chức tại Nga cũng như cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ của Mỹ sắp diễn ra, quan hệ giữa Nga với Mỹ và phương Tây khó có thể cải thiện trước cuối năm nay. Tuy nhiên, không phải mọi thứ đều hoàn toàn vô vọng.
Trong những năm gần đây, Châu Âu đã bắt đầu suy nghĩ khác về việc áp đặt trừng phạt với Nga, một số lãnh đạo Châu Âu cho rằng trừng phạt đi ngược lại lợi ích quốc gia và người dân của họ.
Nhiều nước Châu Âu đã bắt đầu thể hiện mong muốn cải thiện quan hệ với Nga. Đức dù lên tiếng ủng hộ quyết định của Anh trong vụ cựu điệp viên hai mang bị đầu độc, nhưng cho biết sẵn sàng nối lại đối thoại với Nga và xây dựng lòng tin song phương. Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cũng xác nhận rằng ông muốn đến thăm Nga vào tháng 5 tới. Một số nước khác thậm chí còn cho biết họ sẽ cho phép Nga cử các nhà ngoại giao khác thay cho những nhân viên ngoại giao đã bị trục xuất.
Bên cạnh đó, vẫn còn có chỗ cho sự hợp tác giữa Nga với phương Tây về một loạt vấn đề trong chương trình nghị sự quốc tế, chẳng hạn như cuộc đàm phán về tình hình Syria, Ukraine hay vấn đề Triều Tiên.
Ông Solovei cho rằng: “Hành động đồng loạt trục xuất nhà ngoại giao Nga của Mỹ và phương Tây nhằm mục đích duy nhất là thể hiện sự đoàn kết đối với Anh. Mặc dù điều này gây khó khăn cho Nga nhưng nó không quá nguy hiểm”./.