Kể cả khi thế giới đang theo xu hướng phát triển vũ khí không người lái, máy bay tàng hình hay vũ khí chính xác cao, thì Nga vẫn duy trì truyền thống duy trì sức mạnh của lực lượng tăng-thiết giáp hùng hậu.
Theo lời Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Nga, Dmitry Bulgakov, trong giai đoạn 2012-2017, Lục quân Nga đã tiếp nhận 25.000 phương tiện chiến đấu lục quân mới và Nga tiếp tục là quốc gia sở hữu số lượng xe tăng, xe chiến đấu bộ binh và pháo phản lực phóng loạt hàng đầu thế giới.
Nga sở hữu tới 17.500 xe tăng chiến đấu chủ lực
Có truyền thống từ Thế chiến 2, Liên Xô đã sở hữu lực lượng tăng-thiết giáp hùng mạnh bậc nhất thế giới. Truyền thống này tiếp tục được duy trì dưới thời chiến tranh Lạnh. Kịch bản của những quân đoàn xe tăng tràn ngập lãnh thổ châu Âu từng làm đau đầu giới chức quân sự NATO.
Ngày này, dù quy mô của lực lượng tăng-thiết giáp Nga đã được tinh gọn, nhưng Nga vẫn là quốc gia sở hữu lực lượng xe tăng hùng hậu nhất trên Trái Đất.
Hình ảnh về những tập đoàn xe tăng quy mô luôn là 'đặc sản" của Liên Xô và Nga. Ảnh: warfare.ru
Lực lượng tăng-thiết giáp Nga hiện được chia thành 2 sư đoàn chủ lực, 3 lữ đoàn độc lập và các đơn vị phối thuộc trong các lữ đoàn bộ binh cơ giới.
Theo báo cáo của Viện nghiên cứu Chiến lược quốc tế (IISS) năm 2017, Quân đội Nga hiện duy trì 2.700 đơn vị xe tăng, trong đó có: 1.100 xe tăng T-72B/BA, 800 T-72B3, 450 T-80BV/U và 350 T-90A. Trong tương lai gần, Quân đội Nga sẽ tiếp tục được tăng cường thêm các dòng xe tăng hiện đại như T-90AM và T-14 Armata.
Nga hiện có số lượng xe tăng vượt trội so với Mỹ. Quân đội Mỹ hiện có 2.380 xe tăng Abrams: 775 xe tăng M1A1, 1.605 M1A2 Sep v2. Các quốc gia đồng minh NATO tại châu Âu duy trì khoảng 733 xe tăng (Leopard 2A6/2А7 của Đức, Challenger 2 của Anh và Leclerc của Pháp).
Gần đây, trước việc Nga ra mắt xe tăng T-14 Armata, nhiều quốc gia châu Âu đang tính tới việc tăng cường lượng tăng-thiết giáp và nâng cấp chúng. Tuy nhiên, tất cả những chương trình trên mới dừng ở mức ý tưởng.
Một quốc gia khác cũng sở hữu lực lượng tăng-thiết giáp hùng hậu là Trung Quốc với 6.740 đơn vị, nhưng đa phần chúng là xe tăng thế hệ thứ 2 đã lạc hậu. Ấn Độ cũng là “cường quốc” xe tăng với 3.024 đơn vị, gồm: 124 xe tăng Arjun, 1.950 T-72M1 và 950 T-90S.
Tuy nhiên, những con số trên không là gì với 17.500 xe tăng Nga đang niêm cất. Cụ thể, Nga đang niêm cất 2.800 xe tăng T-55, 2.500 T-62, 2.000 T-64A/B, 7.000 T-72/T-72A/B, 3.000 T-80B/BV/U và 200 T-90. Khi cần, lực lượng dự trữ này có thể nhanh chóng được khôi phục và sẵn sàng chiến đấu.
Chuyên gia quân sự Victor Murakhovsky đánh giá: “Không thể nói chiến thuật sử dụng xe tăng quy mô lớn là lỗi thời. Vấn đề chính là sự thay đổi quy mô của các cuộc xung đột đã làm giảm vai trò của lực lượng tăng-thiết giáp trong tác chiến hiện đại.
Cuộc chiến xe tăng quy mô lớn gần đây nhất là xung đột Iran-Iraq trong những năm 1980 với hàng ngàn xe tăng và phương tiện chiến đấu bộ binh tham chiến. Các cuộc xung đột hiện tại chỉ dừng lại ở mức cục bộ, bất đối xứng nên những giải pháp công nghệ tập trung vào việc giảm thương vong cho người lính và tối ưu khả năng tác chiến trong môi trường phức tạp.
Tuy nhiên, đối với Nga, mọi kịch bản đều được chuẩn bị trước. Khi xảy ra cuộc chiến tổng lực, Quân đội Nga chắc chắn lại cần đến các đơn vị xe tăng quy mô lớn. Điều này giúp giải thích cho việc Quân đội Nga thành lập Quân đoàn xe tăng cận vệ số 1 đóng quân tại gần Moscow. Mọi tình huống đều được chuẩn bị!”.
Lực lượng bộ binh cơ giới hàng đầu thế giới
Giới phân tích quân sự quốc tế đánh giá, Nga hiện sở hữu lực lượng bộ binh cơ giới có khả năng cơ động hàng đầu thế giới. Theo báo cáo của IISS, Quân đội Nga hiện sở hữu 4.900 phương tiện chiến đấu bộ binh: 500 xe chiến đấu BMP-1, 3.000 BMP-2, 500 BMP-3 và 700 xe bọc thép chở quân BTR-80A, BTR-82A/AM.
Con số này chưa tính tới 8.500 phương tiện chiến đấu bộ binh cũ đang được niêm cất. Khi cần, chúng có thể được khôi phục và nâng cấp để sử dụng.
Sự xuất hiện của xe chiến đấu bộ binh BMP-1 đã tạo ra cuộc cách mạng về tác chiến bộ binh cơ giới, khi các đơn vị bộ binh tùng thiết có thể theo sát các đơn vị chiến đấu ở tuyến đầu. Ảnh: rian
Trong khi đó, Quân đội Mỹ sở hữu 2.834 xe chiến đấu Bradley và các biến thể sử dụng khung gầm dòng xe chiến đấu này. Nhờ việc sử dụng một khung gầm thống nhất, việc duy trì và bảo dưỡng các đơn vị xe chiến đấu bộ binh của Mỹ đồng nhất và hiệu quả cao.
Tuy nhiên, việc duy trì một khung thân xe chiến đấu cũ quá lâu và trang bị nhiều công nghệ bổ sung lên xe đã làm tăng khối lượng của xe chiến đấu Bradley lên 34 tấn. Xe chiến đấu Bradley không thể nổi trên mặt nước nếu thiếu phương tiện hỗ trợ. Các xe BMP của Nga chỉ khoảng 20 tấn và khả năng lội nước rất tốt.
Các “cường quốc” xe chiến đấu bộ binh khác trên thế giới được xác định là Ấn Độ và Trung Quốc.
Lực lượng pháo phản lực hùng hậu
Binh chủng Pháo binh và tên lửa mặt đất Nga hiện có 850 tổ hợp pháo phản lực: 550 tổ hợp BM-21 Grad, Tornado-G, 200 tổ hợp Uragan và khoảng 100 tổ hợp Smerch. Đây mới chỉ là một phần của lực lượng pháo phản lực Nga.
Trong các kho niêm cất còn lưu giữ khoảng 3.220 tổ hợp pháo phản lực Grad và Uragan. Tính kể cả về số lượng, quy mô và kinh nghiệm chiến đấu, Nga là quốc gia sở hữu lực lượng pháo phản lực hùng hậu bậc nhất.
BM-30 Smerch hiện là một trong những dòng pháo phản lực uy lực nhất trên thế giới. Ảnh: rian
Đứng kế tiếp Nga trong lĩnh vực pháo phản lực là Mỹ với 600 tổ hợp, gồm các tổ hợp M270A1 và HIMARS; Ấn Độ: 192 tổ hợp.
Trung Quốc hiện là quốc gia có lực lượng pháo phản lực quy mô nhất với 1.870 tổ hợp.