Tổng thống Putin sẽ viện tới "độc chiêu" ở Syria để ngăn chặn chiến tranh Mỹ-Triều?

Thi Anh |

Nga tin rằng, một khi khoảng cách giữa lập trường diều hâu của chính quyền Trump và quan điểm của cộng đồng quốc tế về Triều Tiên được bộc lộ, Mỹ sẽ phải xuống thang.

Ngày 13/12, phó giám đốc Trung tâm Tư lệnh Quân sự Quốc gia Nga, Victor Kalganov đã thực hiện chuyến thăm chính thức tới Triều Tiên.

Kể từ khi Triều Tiên phóng 4 tên lửa đạn đạo về phía Nhật Bản vào 6/3, chính phủ Nga đã dành những nguồn lực ngoại giao đáng kể để giải quyết tình trạng bế tắc hạt nhân. Nhiều nhà phân tích cho rằng đó là do Nga có tham vọng gia tăng tầm ảnh hưởng tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương và nỗ lực mở rộng phạm vi ngoại giao ở bán đảo Triều Tiên.

Mặc dù những nhân tố này định hình lập trường về khủng hoảng Triều Tiên của các nhà hoạch định chính sách Nga, cách giải thích phù hợp nhất là: Nga giữ vai trò tích cực ấy để thể hiện vị thế cường quốc của mình ở cả trong và ngoài nước.

Cũng như cách mà Nga đã làm và thành công khi tác động tới đồng minh của Mỹ ở châu Âu và Trung Đông để xoa dịu lập trường của Washington về lãnh đạo Syria Bashar al-Assad, các nhà hoạch định chính sách tại điện Kremlin tin rằng xây dựng một sự đồng tâm, nhất trí quanh nhu cầu tránh chiến tranh với Triều Tiên sẽ làm giảm nhẹ những tuyên bố gay gắt của Tổng thống Mỹ Donald Trump về Bình Nhưỡng.

Kéo Triều Tiên ngồi vào bàn đàm phán cũng phục vụ mục đích này.

Cây viết Samuel Ramani của Diplomat cho rằng, nếu Nga có thể thành công khi giúp phần ngăn chặn một cuộc chiến tranh, vị thế của Nga trong vai trò của một trọng tài xung đột sẽ tăng lên rất nhiều, mạng lưới đồng minh của nước này cũng sẽ được mở rộng.

Đề xuất "Đóng băng kép"

Các nhà hoạch định chính sách Nga tin rằng, một khi khoảng cách giữa lập trường diều hâu của chính quyền Trump và quan điểm của cộng đồng quốc tế được bộc lộ, nước Mỹ sẽ phải xuống thang và xuôi theo ý kiến đồng nhất của số đông.

Để thúc đẩy nỗ lực này, Nga đang cố gắng thuyết phục đồng minh của Mỹ ủng hộ giải pháp của Nga về Triều Tiên và gây sức ép buộc Trump phải tiết chế, không viện tới hành động quân sự.

Các chính khách Nga đã tập hợp được sự ủng hộ từ nhiều lãnh đạo châu Âu, châu Á về một giải pháp hòa bình cho khủng hoảng Triều Tiên. Những sáng kiến ngoại giao này chủ yếu nhằm ngăn chặn khả năng bùng phát chiến tranh Mỹ-Triều.

Kể từ hồi tháng 3, Nga đã thể hiện mình là nhân tố đi đầu ủng hộ đề xuất "đóng băng kép" của Trung Quốc, kêu gọi Triều Tiên đóng băng chương trình hạt nhân để đổi lấy việc Mỹ-Hàn ngừng các cuộc tập trận chung ở biên giới với Triều Tiên.

Ngày 18/8, Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov đã tiến hành đối thoại song phương với người đồng cấp Đức Sigmar Gabriel và có được sự ủng hộ của Berlin về đề xuất đóng băng kép. Thành công này đã cho Moscow chỗ đứng về vấn đề Triều Tiên trong Liên minh Châu Âu.

Tổng thống Putin sẽ viện tới độc chiêu ở Syria để ngăn chặn chiến tranh Mỹ-Triều? - Ảnh 1.

Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov và người đồng cấp Đức Sigmar Gabriel. Ảnh: AP

Chính phủ Nga cũng nỗ lực tìm kiếm sự ủng hộ từ cộng đồng ASEAN. Thông cáo chung Nga-ASEAN vào 9/8/2017 đã thể hiện sự nhất trí của khối này với quan điểm của Nga về khủng hoảng Triều Tiên.

Thậm chí, giới chức Nga còn sử dụng mối quan hệ đang được cải thiện giữa Nga với Hàn Quốc để làm đòn bẩy, định hình quan điểm của Seoul về vấn đề Triều Tiên.

Nỗ lực tiếp xúc với các thành viên ôn hòa thân cận với Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in đã đem lại những kết quả đáng chú ý. Nhóm cố vấn chính sách đối ngoại của ông Moon cũng đã bày tỏ sự ủng hộ đối với đề xuất đóng băng kép vào ngày 14/9.

Nếu chính quyền Trump đáp lại áp lực ngoại giao do Nga dẫn đầu bằng cách nới lỏng điều kiện đàm phán đối với Triều Tiên thì vị thế người hòa giải của Tổng thống Nga Putin chắc chắn sẽ tăng lên.

Kết quả ấy sẽ giúp ông Putin củng cố địa vị của mình trước thềm cuộc bầu cử Tổng thống 2018, đồng thời thúc đẩy sự tín nhiệm đối với vai trò trọng tài của Nga ở những khu vực khác.

Ngoại giao sức ép và đàm phán

Để lái Triều Tiên theo một hướng đi hòa bình, Nga đã kết hợp ngoại giao sức ép với đàm phán bên lề. 

Nga thể hiện quan điểm bất bình trước Triều Tiên bằng cách ủng hộ nghị quyết gia tăng cấm vận của Liên Hợp Quốc nhằm vào nước này hôm 12/9.

Thay thế Trung Quốc trở thành đối tác quốc tế đáng tin cậy nhất của Triều Tiên (theo xếp hạng đồng minh quốc tế của Triều Tiên), Nga hy vọng sự bất bình ấy sẽ khiến các nhà hoạch định chính sách của Triều Tiên phải để tâm.

Dù Moscow cam kết thực thi cấm vận của Liên Hợp Quốc nhằm vào Triều Tiên, các nhà lãnh đạo Nga vẫn phân biệt rõ ràng giữa các loại hình cấm vận cần phải áp đặt toàn diện và loại hình cấm vận "phản tác dụng" có nguy cơ đe dọa tới sự ổn định kinh tế của Triều Tiên.

Để trao đổi bằng sự ủng hộ mang tính sống còn, các chính khách Nga đã tiến hành đối thoại song phương với Triều Tiên, nhằm thuyết phục nước này chấp nhận đàm phán ngoại giao với Mỹ.

Có thể thấy, Nga đang là một đối tác hữu dụng của Mỹ trong vấn đề Triều Tiên, đặc biệt là khi nước này có khả năng duy trì đường dây liên lạc với cả Triều Tiên lẫn Hàn Quốc. 

Xét trong bối cảnh hiện tại, trước chiến lược cấm vận gay gắt của Mỹ và những tiếp xúc mang tính giai đoạn của Trung Quốc thì có vẻ vai trò hòa giải của Nga mang lại nhiều triển vọng hơn.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại