Lockheed Martin vừa cho biết, tập đoàn này sắp bàn giao chiếc tiêm kích F-35 thứ 400 cho không quân Mỹ. Đây là một chiếc F-35A và cũng là bản có số lượng đặt mua nhiều nhất cho tới thời điểm hiện tại.
Tổng cộng trong 400 tiêm kích F-35 có 283 chiếc F-35A, 87 chiếc F-35B và 30 chiếc F-35C. Đây là tốc độ bán máy bay chiến đấu nhanh kỷ lục, nhất là với một loại tiêm kích đắt bậc nhất lịch sử như F-35.
Lockheed Martin cũng cho biết, tổng số giờ bay thử nghiệm, bay huấn luyện và bay trực chiến của các loại tiêm kích F-35 tới nay đã lên tới con số 200.000 giờ.
Được biết đây mới chỉ là số F-35 đang phục vụ trong các quân binh chủng của Mỹ, chưa tính số lượng F-35 các loại bán cho đối tác và đồng minh trên khắp thế giới.
Nếu tính tổng cộng toàn bộ số F-35 thì ước tính phi đội đã sắp chạm mốc 500 chiếc và sẽ nhanh chóng đạt tới con số 700 máy bay trong tương lai gần trước mắt.
Đây được xem như câu trả lời rõ ràng nhất trước thông tin "dìm hàng" từ các đối thủ cạnh tranh cho rằng F-35 Lightning II là một dự án vũ khí thất bại của Mỹ.
Số tiền nghiên cứu và phát triển lên tới 1,5 nghìn tỷ USD, F-35 được coi là chương trình vũ khí đắt đỏ nhất lịch sử và bản thân mỗi chiếc phiên bản rẻ nhất cũng lên tới hơn 80 triệu USD.
Mặc dù vậy không thể dùng các chỉ số kinh tế thông thường để đánh giá về F-35 bởi những tính năng ưu việt mà nó mang lại trong hoạt động quân sự đã được chứng minh rõ ràng.
Tại chiến trường Syria, tiêm kích F-35I Adir của Israel được ghi nhận đã nhiều lần qua mặt thành công cả lưới lửa phòng không dày đặc của Syria mà không hề bị phát hiện.
Việc tiêm kích tàng hình F-35I tham chiến chỉ được nhận ra khi mảnh bom GBU-39 SDB - vũ khí được thiết kế tối ưu hóa cho khoang trong của nó tìm thấy giữa đống đổ nát.
Ngoài ra F-35I còn được báo cáo đã bay xuyên không phận Iran, quần vòng liên tục trên đầu các cơ sở hạt nhân được tổ hợp S-300PMU-2 bảo vệ trực tiếp, dẫn tới việc tư lệnh phòng không Iran sau đó đã bị cách chức.
Đặt cạnh F-35 mới thấy chương trình nghiên cứu chế tạo tiêm kích tàng hình Su-57 của Nga có một khoảng cách cực lớn, bất chấp việc nó được quảng cáo là có tính năng vượt trội.
Sau quá nhiều thời gian phát triển, chiếc Su-57 mới chỉ được sản xuất với số lượng nhỏ giọt và tính năng thì vẫn chưa hoàn thiện khi vẫn phải tạm lắp đặt động cơ của tiêm kích thế hệ 4.
Su-57 chưa thể bay hành trình siêu âm vì động cơ thiếu lực đẩy, bên cạnh đó nó còn không có khả năng che giấu tín hiệu hồng ngoại, hai tiêu chuẩn tối quan trọng của tiêm kích thế hệ 5.
Nga cố gắng nỗ lực cao thì tới năm 2027 họ mới có 76 chiếc Su-57, nhưng ước tính tại thời điểm đó số lượng F-35 của Mỹ cũng như đồng minh đã lên tới con số cả ngàn chiếc.
https://anninhthudo.vn/quan-su/anh-nga-nguoc-nhin-khi-phi-doi-f35-my-da-len-toi-400-chiec-dat-moc-200000-gio-bay/813502.antd