Nga - NATO dịu giọng, rục rịch quay lại bàn đàm phán

Thi Anh |

Nga và NATO đang thực hiện các bước trao đổi để nối lại đàm phán, đối thoại, hoạt động bị gián đoạn sau cuộc khủng hoảng tại Ukraine.

NATO tìm kiếm cơ hội

Theo RT, sau khi loại Nga ra khỏi danh sách những thách thức hàng đầu của khối, Tổng thư ký Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) Jens Stoltenberg đã nói với báo giới là NATO đang tìm kiếm cơ hội đối thoại với Moscow.

Theo đó, NATO và Nga đang trao đổi để thúc đẩy một cuộc đối thoại thông qua hội đồng Nga - NATO.

Dù không thay đổi lập trường về vấn đề Ukraine nhưng ông Stoltenberg đã phần nào dịu giọng khi phát ngôn.

Trả lời câu hỏi về Nga, ông Stoltenberg phát biểu rằng NATO không thấy “bất cứ mối đe dọa cận kề nào” ở châu Âu, bao gồm cả khu vực Đông Âu. NATO không muốn đối đầu với Nga. Chúng tôi sẽ tránh gây ra một cuộc Chiến tranh Lạnh mới”.

Nga cũng “mở lòng”

Trong bài báo đăng trên tạp chí “Nước Nga và các vấn đề toàn cầu”, Ngoại trưởng Sergei Lavrov khẳng định “Chúng tôi không tìm cách đối đầu với Mỹ, châu Âu hay NATO. Ngược lại Nga sẵn sàng hợp tác ở phạm vi rộng nhất có thể với các đối tác phương Tây”.

Phát biểu này cũng cùng chung quan điểm với Thứ trưởng Quốc phòng Nga Anatoly Antonov. Trả lời phỏng vấn DW, ông nói: “Việc loan truyền các câu chuyện đáng sợ ấy phải chấm dứt – những tin đồn như Nga sẽ đem xe tăng tới Baltics, vào Sofia hay Budapest”.

“Chẳng ai định làm thế. Chẳng có kế hoạch nào như vậy. Nga không muốn chiến tranh. Suy nghĩ ấy thật nực cười”.

Ông cho rằng gốc gác của sự việc nằm ở các quốc gia vùng Baltic – Latvia, Lithuana và Estonia. Chiến lược “kêu cứu” của họ đã có hiệu quả khi thu hút được sự chú ý của NATO và các nhà hậu thuẫn tài chính ở Tây Âu.

Bộ Quốc phòng Mỹ cũng tuyên bố sẽ tăng số lượng quân đồn trú tại châu Âu và bắt đầu đem thiết bị quân sự tới khu vực này. Lí do là để “làm yên lòng” các đồng minh NATO.

Chuyện này đương nhiên khiến Moscow không thể ngồi yên. Phái viên Nga Alesandr Grushko tuyên bố sẽ “đáp trả tương xứng” nếu liên minh có bất kỳ động thái nào hoặc triển khai thêm một đơn vị thiết giáp tới Đông Âu.

“Chúng tôi không phải là những người quan sát thụ động. Chúng tôi sẽ có những biện pháp quân sự cần thiết để đối trọng với hành động tăng viện mà không có lí do”.

Quan hệ giữa 2 bên đặc biệt căng thẳng từ sau cuộc khủng hoảng Ukraine. Phương Tây đã đình chỉ quan hệ về mặt quân sự với Moscow và áp đặt lệnh cấm di chuyển với một số quan chức. Moscow cũng đáp trả bằng cấm vận.

Quyết định cấm vận ấy đã khiến một số cố vấn và quan chức Mỹ băn khoăn. Họ cho rằng bất cứ bước đi nào khiến cơ hội đối thoại bị thu hẹp đều là một sai lầm.

Mặc dù vẫn duy trì liên lạc đối với các sứ mệnh quan trọng nhưng mối hiềm khích ngày càng gia tăng khiến quan hệ 2 bên đang ở mức tồi tệ nhất kể từ thời chiến tranh lạnh.

Hoạt động của máy bay ném bom hạt nhân Nga ở khu vực biển Baltics, cùng các cuộc tập trận khiến châu Âu không khỏi lo lắng.

Giới chức Nga cũng bất bình trước hành động của Mỹ khi nước này triển khai xe tăng và binh lính tới các quốc gia NATO sát biên giới Nga, đồng thời cho oanh tạc cơ B-2 hoạt động gần khu vực đó.

Trong hội nghị hạt nhân mới đây, Nga cũng vắng mặt. Dù Tổng thống Obama muốn đối thoại về việc giảm trừ vũ khí hạt nhân trước khi hết nhiệm kỳ, nhưng với số lượng quân Mỹ hiện đồn trú ở châu Âu, Nga khó lòng có thể đồng ý.

Rõ ràng hai bên cần ngồi lại và giải quyết vấn đề. Và việc nối lại đàm phán giữa Nga và NATO có thể là bước khởi đầu, dù không mấy dễ dàng.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại