Nga-Mỹ trong cuộc chiến giành thị trường vũ khí Ấn Độ

Thùy Linh |

Trong tháng 6, Ấn Độ đã nhận được một số đề nghị từ cả Nga và Mỹ. Cuộc chiến giành thị phần giữa hai nhà sản xuất vũ khí hàng đầu thế giới ở thị trường Ấn Độ đang leo thang, và Moscow không muốn bỏ lỡ “cơ hội” của họ…

Theo báo cáo của Viện Nghiên cứu Hòa bình Stockholm (SIPRI), trong giai đoạn 2012-2016, Ấn Độ là nước nhập khẩu vũ khí lớn nhất trên thế giới, chiếm 13% tổng số lượng giao dịch. 68% vũ khí của Ấn Độ được nhập khẩu từ Nga và chỉ có 14% từ Hoa Kỳ.

Tất nhiên, người Mỹ muốn tăng thị phần của mình. Ấn Độ cũng đang tìm cách đa dạng hóa các nhà cung cấp và thiết lập mối quan hệ với Israel, Pháp, Tây Ban Nha và Hàn Quốc. Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi thông báo, đến năm 2025, Ấn Độ dự định chi 250 tỷ USD vào việc nâng cấp lực lượng vũ trang của nước này.

Mới đây, báo chí Ấn Độ đã tổng hợp kết quả cụ thể của chuyến thăm Nga gần đây của Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ Arun Jaitley, cho biết, Nga sẵn sàng cung cấp máy bay chiến đấu MiG-35 cho Ấn Độ.

Theo báo cáo của phương tiện truyền thông Ấn Độ, lời đề nghị này được Nga đưa ra sau khi kết thúc các cuộc đàm phán hồi tháng 4 về việc cung cấp loại máy bay này cho Bangladesh. Bangladesh đang xem xét việc mua 8 máy bay MiG-35 với giá khoảng 46 triệu USD/chiếc.

Tổng giám đốc tập đoàn sản xuất MiG của Nga, ông Ilya Tarasenko cho biết: "Các máy bay MiG-35 là một lựa chọn tốt nhất đối với khách hàng tiềm năng. Chúng tôi đã cam kết đảm bảo triển khai cơ sở hạ tầng dịch vụ, cũng như nội địa hóa sản xuất trong trường hợp có các dự án lớn".

Trong tháng 6, Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu và người đồng cấp Arun Jaitley đã ký một lộ trình phát triển hợp tác quân sự. Theo Giám đốc điều hành Tập đoàn Rosoboronexport của Nga Alexander Mikheyev, giá trị các bản hợp đồng và thỏa thuận vũ khí với Ấn Độ đã lên đến hơn 4 tỷ USD và công ty này dự kiến sẽ ký thêm nhiều hợp đồng nữa.

Mối quan hệ hợp tác quân sự-kỹ thuật lâu dài, các chương trình hậu mãi sửa chữa và bảo trì các thiết bị sau bán hàng giúp Nga có lợi thế trong cuộc chiến giành thị phần tại thị trường vũ khí Ấn Độ. Tuy nhiên, cuộc chiến này rất khốc liệt.

Trong một số trường hợp, Nga đã buộc phải nhường đường cho đối thủ cạnh tranh. Ví dụ, đối với việc cung cấp tàu ngầm và máy bay, Ấn Độ đã chọn nước Pháp. Ấn Độ đã ký hợp đồng để mua 36 máy bay chiến đấu Rafale trị giá 8,8 tỷ USD và tàu ngầm Scorpene.

Nga-Mỹ trong cuộc chiến giành thị trường vũ khí Ấn Độ - Ảnh 1.

Máy bay vận tải quân sự C-17 của Mỹ. Nguồn: RIA Novosti.

Trong cuộc họp mới đây với Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã hoan nghênh việc Ấn Độ mua của vũ khí Mỹ. New Delhi đã mua máy bay vận tải quân sự của Mỹ C-17 và đã ký một thỏa thuận về việc nội địa hóa F-16. Mỹ cũng đề nghị Ấn Độ mua các máy bay hải quân MQ-9B Guardian.

Quốc hội Mỹ đang xem xét phê chuẩn gói bán 22 chiếc MQ-9B Guardian trị giá hơn 2 tỷ USD. Vào đầu tháng 6, phát biểu tại Singapore, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Dzheyms Mettis nhấn mạnh, Ấn Độ là một đối tác quan trọng của Mỹ trong ngành công nghiệp quốc phòng.

Sau khi Tập đoàn Lockheed Martin của Mỹ và Công ty Tata Advanced Systems của Ấn Độ ký một thỏa thuận chế tạo các máy bay chiến đấu F-16 ở Ấn Độ, Tổng giám đốc tập đoàn sản xuất MiG của Nga Ilya Tarasenko nói với Hãng tin Reuters rằng:

Nga không sợ cạnh tranh với Mỹ bởi vì mối quan hệ hợp tác giữa Tập đoàn sản xuất MiG với Ấn Độ đã được phát triển trong hơn 50 năm và nỗ lực chiếm lĩnh thị trường vũ khí Ấn Độ của các nhà xuất khẩu khác trên thế giới sẽ giúp Nga hiểu rõ hơn về những mong muốn của New Delhi.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại